Bí mật ‘phòng Tây Tạng’ đầy đông trùng hạ thảo giữa Hà Nội

Căn phòng rộng chừng 30m2 mờ mịt hơi nước giữa Hà Nội là “cái nôi”cho ra đời phương thức nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo “made in Việt Nam”. Giống thần dược được mua tận Mỹ, với giá 1.000 USD, do một tiến sĩ bỏ tiền túi ra mua.

“Căn phòng Tây Tạng” giữa Hà Nội

Luôn giữ ở mức nhiệt độ 22 độ C, độ ẩm 84% và được duy trì bằng máy phun hơi nước, căn phòng trên tầng 4 khoảng 30m2 của Viện Bảo vệ Thực vật (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) còn được gọi là “căn phòng Tây Tạng”.

Bên trong căn phòng này, những giá sắt chứa các hộp đông trùng hạ thảo ở các độ tuổi khác nhau đang sinh trưởng mỗi ngày.

Chủ nhân và cũng là “cha đẻ” của công trình nghiên cứu hàng chục năm trời này là Tiến sỹ Phạm Văn Nhạ - Giám đốc Trung tâm Đấu tranh sinh học (Viện Bảo vệ Thực vật, Bộ NN-PTNT).

Năm 2006, trong một chuyến công tác tại Mỹ, TS Nhạ có tới thăm Trung tâm phòng chống ung thư ở Mỹ. Ông thấy các nhà khoa học Mỹ đang nghiên cứu sử dụng dược tính của nấm đông trùng hạ thảo trong điều trị ung thư.

Vốn là người chuyên nghiên cứu về nấm gây bệnh, các loại khuẩn,... trong bảo vệ thực vật nên từ lâu, ông Nhạ đã quan tâm đến đông trùng hạ thảo. Mơ ước Việt Nam sẽ sản xuất được loại thần dược này nảy sinh, ông quyết định bỏ tiền túi, mua nấm giống đầu tiên với giá 1.000USD mang về nước.

“Đông trùng hạ thảo khai thác ngoài tự nhiên rất hiếm, chủ yếu ở độ cao 3.200m trở lên thuộc dãy núi Himalaya và vùng Tây Tạng, một số ít khai thác ở các dãy núi cao ở Ấn Độ và Nepan. Mỗi năm, sản lượng đông trùng hạ thảo thu được khoảng 80kg nên giá thành rất cao.

“Với số lượng ít ỏi hàng năm thu được ngoài tự nhiên như vậy thì có sang tận các nước đó cũng chưa chắc đã mua được giống chuẩn. Trong khi, ở Trung tâm Phòng chống Ung thư Mỹ, tôi biết chắc chắn giống được chính các nhà khoa học của trung tâm này lấy tại dãy núi Himalaya.” - TS. Nhạ cho biết.

Trung tâm Phòng chống Ung thư Mỹ chỉ bán giống chứ không bán công nghệ nhân giống. Có được giống nấm gốc, về Việt Nam, ông Nhạ cùng các đồng nghiệp nghiên cứu quy trình sản xuất giống.

Bắt đầu từ năm 2006, hàng ngàn thí nghiệm đã được tiến hành. 5 năm sau, tới 2011, Viện Bảo vệ Thực vật đã có được quy trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo thành công, có thể sản xuất trên con chủ (nhộng tằm) hoặc nuôi cấy hình thức công nghiệp.

“Căn phòng Tây Tạng” là cách gọi thân thuộc của cán bộ nghiên cứu Viện Bảo vệ Thực vật, vì tại căn phòng này, hàng ngàn ngày diễn ra các thí nghiệm, thử nghiệm ban đầu.

Đông trùng hạ thảo “made in Việt Nam”

bi-mat-can-phong-tay-tang-chua-day-dong-trung-ha-thao-giua-thu-do.jpg

Theo TS Phạm Văn Nhạ, quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo của Trung tâm Đấu tranh sinh học gồm rất nhiều bước, nhưng có thể tóm lược ở các công đoạn: chọn nhộng tằm - nguyên liệu đầu vào của quá trình nuôi trồng đông trùng hạ thảo.

Nhộng mua về cắt vỏ kén lấy nhộng rồi nghiền nhộng pha với nước, sau đó đổ vào các lọ có chứa một ít gạo lứt, mang đi hấp khử trùng ở nhiệt độ khoảng trên 120 độ C trong vòng 30 phút. Bước tiếp theo là cấy giống nấm vào lọ rồi chuyển vào phòng nuôi cấy.

Thời điểm tiến hành các thực nghiệm, căn phòng nuôi cấy này lúc nào cũng lép nhép nước. Các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng trong phòng đều được điều chỉnh gần nhất với môi trường tự nhiên như ở Tây Tạng, nơi hiếm hoi trên thế giới phát hiện được nấm đông trùng hạ thảo thiên nhiên.

Hiện tại, Viện Bảo vệ Thực vật đang sản xuất đông trùng hạ thảo với hai phương thức, một là ký sinh nấm trên vật chủ, trực tiếp là nuôi cấy trên ký chủ nhộng tằm. Phương thức thứ hai là nuôi cấy công nghiệp. Nhộng tằm sau khi được tuyển chọn, nghiền thành bột cho vào các lọ có chứa gạo lứt, khử trùng và ký nấm giống vào đó, giống như “gieo hạt” trên một mảnh đất đã có đủ dinh dưỡng.

TS Phạm Văn Nhạ giải thích, nhiều người vẫn cho rằng, đông trùng hạ thảo là sinh vật đặc biệt, ở dạng côn trùng vào mùa đông, còn mùa hè thì hóa thành cây cỏ nên mới có tên như vậy. Tuy nhiên, thực tế, đông trùng hạ thảo là một loại nấm ký sinh và gây bệnh trên côn trùng. Cuối thu đầu đông, chúng ký sinh gây bệnh trên côn trùng. Đến mùa hạ, khi nhiệt độ tăng lên, nấm phát sinh thành quả thể mọc thành dạng cây cỏ.

Trong môi trường nhân tạo, có hai thành phần dinh dưỡng chính là dinh dưỡng nuôi nấm đông trùng hạ thảo phát triển và giá thể để đỡ thường là gạo lứt. Các nhà khoa học đã khử trùng hết yếu tố vi sinh vật bên ngoài, sau đó mới cấy nấm đông trùng hạ thảo vào bên trong, thời gian phát triển 60-75 ngày sẽ có được sản phẩm hoàn thiện.

Còn trong môi trường nuôi cấy trên ký chủ, Viện Bảo vệ Thực vật sử dụng nhộng tằm còn sống và đặt ở cơ sở uy tín không sử dụng hóa chất. Sau thời gian cấy vào bên trong nhộng, đông trùng hạ thảo sẽ phát triển thành hệ kín bên trong ký chủ và sinh ra hệ thống quả thể là các đầu tua ra bên ngoài với độ cao 4-5 cm. Màu đỏ tươi trên quả thể chính là chỉ thị của chất Cordycepin có chức năng phòng chống u xơ.

Tiến sĩ Nhạ cho biết, trong khi các sản phẩm bên ngoài được bán với giá một tỷ đồng mỗi kg thì Viện chỉ bán 100-120 triệu/kg với sản phẩm trên con ký chủ; và ở dạng môi trường nhân tạo tương đương 7 triệu đồng/kg.

Việt Nam hiện có khoảng 20 cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo. Dù giá thành rẻ bằng 1/10 so với đông trùng hạ thảo có nguồn gốc Tây Tạng, tuy nhiên, chất lượng của đông trùng hạ thảo “made in Việt Nam” không hề kém cạnh.

Cùng với Viện Bảo vệ thực vật, các nhà khoa học ở Viện Hóa học - Vật liệu cũng nghiên cứu để sản xuất loại đông dược này. Qua nhiều thử nghiệm và sau nhiều lần thất bại, hiện các nhà khoa học đã cho ra đời đông trùng hạ thảo với hoạt chất tốt và năng suất cao.

Hiện nay, Viện Hóa học - Vật liệu đã có thể chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm hoặc cho người nông dân. Với giá thành 60.000 đồng/lọ giống đông trùng hạ thảo, sau 60-70 ngày, giá bán sẽ là 500.000-700.000 đồng. Điều này đã mở thêm một cơ hội làm ăn cho nông dân và mở ra hướng xuất khẩu đông trùng hạ thảo của Việt Nam ra nhiều nước khác trên thế giới.

Theo Giáo sư, Viện sĩ, TSKH Đái Duy Ban - nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hóa sinh ứng dụng Viện Khoa học Việt Nam - Chủ tịch Hội Hóa sinh Y học Việt Nam, đông trùng hạ thảo có nhiều dược tính quý như tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể, chống viêm nhiễm, bảo vệ thận, tim mạch, hỗ trợ kiểm soát đường huyết, tăng cường sinh lý, phục hồi sức khỏe,... thậm chí có thể hạn chế tác hại của tia tử ngoại, chất phóng xạ.

Ông cho hay, các phân tích hóa học cũng cho thấy trong sinh khối của đông trùng hạ thảo có 17 acid amin khác nhau, nhiều nguyên tố vi lượng (Si, K, Na,...), 28 acids béo bão hòa và không bão hòa, các loại vitamin như B1, B2, B12, E, K,… và các chất vô cơ và hữu cơ như K, Na, Ca, Mg, Fe, Cu, Mn, Selen (Se),...

Đặc biệt, hoạt chất cordycepin trong đông trùng hạ thảo có khả năng hỗ trợ ức chế sự phân hạch các tế bào ung thư, hỗ trợ ngăn cản sự hình thành và lây lan của các tế bào ung thư, phục hồi tuyến tụy. Đây là dược chất có giá trị rất cao trong y học, là chỉ tiêu quan trọng nhất đánh giá sự quý hiếm của Đông trùng hạ thảo.

Hoàng Thái - Vietnamnet