TS Trần Lương Sơn: Sau 20 năm, Internet mở ra cơ hội lớn hơn cho tuổi trẻ
Những doanh nhân như TS Trần Lương Sơn - nhà sáng lập VietSoftware, bằng sự nhạy bén, quyết tâm đã đón được ngọn sóng và tạo ra chương đầu đầy ấn tượng trong câu chuyện 20 năm Internet ở Việt Nam. Ông nói gì sau 20 năm khi vẫn bước tới và nhìn lại?
Ngày đó, chúng tôi thành công vì tập hợp được nhân lực chất lượng cao
Lần đầu ông biết đến Internet là khi nào? Cảm nhận của ông lúc đó…
Tôi biết đến Internet 4 năm trước khi nó đến Việt Nam.
Năm 1993, tôi biết đến thư điện tử (email) khi làm giám đốc cho một công ty Australia, nhưng phải đến 1997, Internet mới tới Việt Nam. Ngày đó, tôi mở tài khoản email đầu tiên của mình với Yahoo! để trao đổi thông tin với Đại học Tổng hợp Massachusetts, nơi tôi chuẩn bị du học theo chương trình học bổng Fulbright của Chính phủ Hoa Kỳ.
Một thế giới mới như mở ra trước mắt: Với chiếc máy tính đầu tiên được sở hữu, từ ngôi nhà nhỏ của mình, tôi đã bắt đầu được biết những gì đang diễn ra trên Thế giới, bất kỳ thời điểm nào - điều mà ngày nay đã trở nên hết sức bình thường với một đứa trẻ.
Sau khi tốt nghiệp trường Quản trị Kinh doanh Sloan thuộc Đại học Tổng hợp Massachusetts (MIT), ông đã từng có thời gian làm việc tại nước ngoài. Lý do nào khiến ông quyết định về Việt Nam và thành lập công ty phần mềm VietSoftware?
Khi đó tại Việt Nam, thời kỳ mở cửa về kinh tế đã chín muồi, với rất nhiều cơ hội kinh doanh, đặc biệt là trong ngành mới mẻ là phần mềm. Với kiến thức kinh doanh được trang bị từ một trong những trường đại học hàng đầu Thế giới, tôi tự tin khởi sự kinh doanh trong ngành phần mềm mà bản thân không có chuyên môn.
Cơ hội tới từ những khoảng trống thị trường rất lớn: nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn thiếu, các công nghệ mới còn khó tiếp cận. Tuy nhiên, Internet ở Việt Nam đã bắt đầu bùng nổ và đem đến một cơ hội đặc biệt: Phát triển và gia công phần mềm cho khách hàng quốc tế.
Tại thời điểm đó, VietSoftware có lợi thế quy tụ được đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, từng làm việc hoặc du học nước ngoài. Điều đó cùng với những yếu tố như nguồn nhân lực rẻ, thị trường mới nhiều cơ hội, và nhất là chiến lược khác biệt đã giúp VietSoftware nhanh chóng đạt được thành công trên thị trường.
Nhưng chúng tôi thiếu kinh nghiệm quản trị và khởi nghiệp
Đó là thuận lợi. Còn ở vai trò tiên phong, thời đó ông và những cộng sự đã gặp phải những khó khăn gì?
Khi đó, tất cả chúng tôi chưa có kinh nghiệm về khởi nghiệp, nếu có thì chỉ là kinh nghiệm về quản lý. Bởi vậy, mọi người phải vừa học vừa làm. Một vấn đề nữa mà công ty gặp phải là nguồn vốn rất hạn chế, tất cả đều là tiền tiết kiệm của các anh em. Đầu tư vào ngành phần mềm tại thời điểm đó rủi ro cao nên kể cả vay vốn từ ngân hàng cũng rất khó khăn.
Nhưng vấn đề lớn nhất lúc đó chúng tôi phải đối mặt là vấn đề nhân lực phù hợp cho công ty. Ngoài trình độ chuyên môn, khả năng ngoại ngữ là yêu cầu cực kỳ quan trọng để có thể tiếp cận thị trường quốc tế. Điều này thực sự là vấn đề đau đầu khi đó.
Công ty đã phải tự bỏ tiền đầu tư cho nhân viên đi học nâng cao trình độ, đặc biệt là tiếng Anh. Nhờ đó, Vietsoftware đã xây dựng được nguồn nhân lực có chất lượng, gắn bó với công ty.
Theo ông, nhìn lại 20 năm qua, những yếu tố nổi bật nào tạo nên sự thành công của những doanh nhân trong lĩnh vực CNTT thời gian này?
Theo tôi, yếu tố đầu tiên là sự mẫn cảm về kinh doanh. Nhờ có điều này, những doanh nhân thành công trong giai đoạn này nhanh chóng phát hiện và tận dụng được các cơ hội kinh doanh mà Internet mang lại.
Thế hệ doanh nhân mới khởi nghiệp sau chúng tôi đã thành công hơn trong việc nắm bắt được những xu thế mới như thương mại điện tử, di động, mạng xã hội... và dù nhiều công ty khởi nghiệp sớm biến mất trên thị trường, chúng ta cũng có thế hệ các công ty với đối tượng kinh doanh hoàn toàn mới mẻ, tại chính thị trường nội địa với hơn 90 triệu dân.
Trong ngành CNTT các doanh nhân rất cần nắm bắt xu thế của thế giới. Nếu nhìn lại, hầu như tất cả những cá nhân nổi bật trong CNTT là những người có kinh nghiệm học tập, làm việc ở nước ngoài, hoặc nếu không có cơ hội đó, thì luôn học hỏi, giao tiếp tích cực với môi trường quốc tế.
Chiến lược, mô hình kinh doanh là điều then chốt trong thế giới Internet mới
Theo ông, những cơ hội và thách thức mới nào của các doanh nghiệp CNTT hiện nay so với thời ông khởi nghiệp (cách đây 20 năm)?
Sự phát triển của khoa học công nghệ đã đem lại rất nhiều cơ hội: hàng loạt công nghệ mới xuất hiện, năng suất lao động tăng cao, các công cụ rất sẵn sàng. Tuy nhiên, công nghệ phát triển quá nhanh cũng dẫn đến các doanh nghiệp CNTT hiện nay khó chọn được định hướng phát triển, và khi chọn nhầm, sự nghiệp kinh doanh có thể bị thất bại.
Ngoài ra, khi việc tiếp cận với công nghệ càng trở nên dễ dàng thì cạnh tranh trên thị trường hiện nay cũng ngày càng lớn. Các công nghệ mới nhanh chóng bị lạc hậu, các ý tưởng mới rất nhanh chóng bị bắt chước.
Do đó, ngoài kiến thức chuyên môn về công nghệ, chuyên ngành thì kiến thức kinh doanh cũng hết sức quan trọng. Công nghệ tốt, sản phẩm tốt mà không có mô hình, chiến lược kinh doanh tốt thì vẫn sẽ thất bại.
Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp CNTT của chúng ta còn yếu nên rất khó cạnh tranh được với các đối thủ lớn. Dường như các công ty bị cuốn hút bởi cạnh tranh hơn là hợp tác, và điều này tổn hại tới năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.
Ví dụ như sự đổ bộ của Alipay vào Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp thanh toán trực tuyến Việt Nam hợp tác thành liên minh thì có thể cạnh tranh được nhưng nếu riêng lẻ thì nhiều khả năng là sẽ cùng thất bại.
Theo ông, những người trẻ hiện nay cần làm gì để có tận dụng tối đa những lợi thế mà internet đem lại?
Các bạn trẻ hiện nay có lợi thế tiếp cận được rất nhiều luồng thông tin nhưng chính điều này khiến cho họ khó chọn ra được cơ hội phù hợp với thế mạnh của mình. Để thành công trước hết cần tập trung phát triển một lĩnh vực. Tuy nhiên, để chọn ra được lĩnh vực, phương hướng phù hợp cần phải làm tốt bài toán phân tích chiến lược. Đồng thời, không phải chỉ tập trung vào mục tiêu đã chọn mà cũng cần luôn cập nhật sự thay đổi của thế giới để có sự điều chỉnh phù hợp.
Ví dụ như trước đây ERP là xu thế hàng đầu trong lĩnh vực phần mềm ứng dụng cho doanh nghiệp. Nhưng hiện nay, các công nghệ mới như Big Data cũng đang được nhiều doanh nghiệp sử dụng và làm cho nhiều doanh nghiệp CNTT phải suy tính, cân nhắc hướng phát triển.
Muốn thành công trong giai đoạn hiện nay thì ngoài khả năng về công nghệ, người làm CNTT cũng cần tăng cường hiểu biết các lĩnh vực chuyên ngành mà mình phục vụ. Kiến thức liên ngành là sống còn đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp CNTT.
Đã 20 năm từ ngày Internet bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Nếu nhận xét ngắn gọn về quãng thời gian này, ông sẽ nói gì?
Nếu cách đây 20 năm, chúng ta đón nhận một cuộc cách mạng có tên gọi là Internet, thì hôm nay, chúng ta đang đón nhận một cuộc cách mạng có ảnh hưởng còn lớn hơn nhiều, được bắt nguồn từ chính Internet: Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0!
Những thay đổi mà Cách mạng Công nghiệp 4.0 đem tới vừa lớn hơn nhiều những thay đổi mà Internet đem lại trước đây, với những cơ hội tuyệt vời để kinh tế, xã hội phát triển mạnh hơn, nhưng cũng vừa khó đoán định hơn.
Bởi nó ẩn chứa những nguy cơ khó lường do sự thay đổi vị thế và quyền năng của các thế lực kinh doanh và xã hội - con người mất việc làm, an ninh bị đe dọa... Việt Nam cần có một chiến lược quốc gia với Cách mạng Công nghiệp 4.0 để nắm bắt được cơ hội và đối phó với những thách thức mới, không chỉ ở cấp độ quốc gia, mà là toàn cầu.
Xin cảm ơn ông.
TS Trần Lương Sơn sinh năm 1960, được cử đi đào tạo và nhận bằng Tiến sĩ Hóa Lý ngành Luyện kim năm 1988 tại Đại học Thép và Hợp kim Matxcơva, Liên bang Nga.
Năm 1998, TS Trần Lương Sơn nhận học bổng Fulbright của Chính phủ Mỹ và học tại Trường Quản trị Kinh doanh Sloan thuộc Đại học Tổng hợp Massachusetts (MIT). Ông nhận bằng Thạc sĩ về Quản trị Kinh doanh tại Trường Quản trị Kinh doanh Sloan, với trọng tâm về Quản trị chiến lược, Chiến lược công nghệ và Khởi sự doanh nghiệp.
Năm 2000, TS Trần Lương Sơn sáng lập VietSoftware, một trong những thương hiệu hàng đầu trong ngành trong lĩnh vực CNTT. Ông cũng đồng sáng lập nhiều công ty thuộc lĩnh vực Công nghệ cao và tích cực hoạt động xã hội về giáo dục, hướng nghiệp, khoa học, công nghệ, đặc biệt là khởi nghiệp.
Ông là diễn giả thường xuyên và hướng dẫn tình nguyện về khởi nghiệp cho các cộng đồng trẻ. Ông cũng là giảng viên về khởi nghiệp tại một số trường đại học
Phạm Sơn - Báo Khám phá