Chính người dùng Việt Nam đang "tiếp tay" cho tội phạm mạng

Theo những công bố mới đây, tỷ lệ thiết bị cá nhân nhiễm mã độc của Việt Nam cao nhất thế giới với 73,8%. Tình trạng tương tự xảy ra với 61% máy tính cá nhân ở Việt Nam, trong khi tỷ lệ trung bình của thế giới là 19%

1511677270-images1927403_an_to_n_th_ng_tin.jpg

Mới đây Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) xếp hạng Việt Nam đứng thứ 101/165 quốc gia  và vùng lãnh thổ về Chỉ số An toàn thông tin mạng (tụt 24 bậc so với năm 2016). Điều này cho thấy công tác đảm bảo an toàn thông tin, phòng chống tội phạm công nghệ cao của Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.

Quá dễ dãi với vấn đề an toàn thông tin

Trong khi nhiều người dành sự quan tâm cho vai trò của công nghệ trong vấn đề an toàn thông tin thì TS Lê Mạnh Hà, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia  về ứng dụng CNTT, cho rằng con người mới là yếu tố cần nhắc đến trước tiên.

Tại hội thảo ngày An toàn thông tin Việt Nam 2017, khi được hỏi về vấn đề khó khăn nhất trong tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với nguy cơ về an toàn thông tin, TS Hà khẳng định: “Nhận thức của chúng ta về CNTT cả trước đây và hiện nay cũng vẫn chưa cao. Tiếp theo đó, nhận thức về đảm bảo an toàn hệ thống đã có nhưng còn thấp.”

Theo ông, muốn đảm bảo được an toàn cho hệ thống thông tin trước hết phải có con người nhưng hiện nay, rất ít công ty, đơn vị kể cả các cơ quan nhà nước có bộ phận chuyên trách về an toàn thông tin. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế, xã hội và cả chính trị.

Sự thiếu ý thức về đảm bảo an toàn thông tin không chỉ biểu hiện qua việc thiếu vắng các bộ phận chuyên trách. Ngay chính sự dễ dãi trong cách chúng ta sử dụng các thiết bị cũng đã và đang tạo điều kiện cho kẻ xấu.

Trong năm 2017, Việt Nam đứng thứ 3 về số lượng phát tán thư rác, chiếm 11,7% trên thế giới. Tuy nhiên, tính theo đầu người thì chúng ta cao gấp 13,4 lần Trung Quốc, 8 lần so với Mỹ.

Theo những công bố mới đây, tỷ lệ thiết bị cá nhân nhiễm mã độc của Việt Nam cao nhất thế giới, tới 73,8%. Tình trạng tương tự xảy ra với 61% máy tính cá nhân ở Việt Nam, trong khi tỷ lệ trung bình của thế giới là 19%.

Nhận xét về các báo cáo trên, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Hoàng Minh Tiến nhận xét: “Những con số được công bố vừa qua cho thấy ý thức tự bảo vệ chính mình của chúng ta rất thấp. Chúng ta đang quá dễ dãi với vấn đề an toàn thông tin khi sử dụng thiết bị di động mà không để ý có an toàn hay không.”

Đau đầu vì thiếu hụt nhân lực có chất lượng

Công bố của Vietnamworks cũng cho thấy cơn "khát" nhân lực CNTT - An toàn thông tin

Công bố của Vietnamworks cũng cho thấy cơn "khát" nhân lực CNTT - An toàn thông tin

Vai trò quyết định của nguồn nhân lực trong việc đảm bảo an toàn thông tin là điều không thể phủ nhận tuy nhiên làm cách nào để đảm bảo sức mạnh của lực lượng này lại đang là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý.

Tại hội thảo ngày An toàn thông tin Việt Nam 2017, xu thế những người giỏi trong lĩnh vực CNTT và an toàn thông tin chuyển ra làm việc cho các doanh nghiệp đã được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Trước thực tế đó, PGS.TS Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho rằng nguồn nhân lực CNTT chất lượng đã ít, trong lĩnh vực an toàn thông tin lại càng ít. Do đó, đẩy mạnh hợp tác, xây dựng niềm tin giữa nhà nước và tư nhân là điều cần thiết nhất.

Không chỉ các lực lượng chuyên trách mà ngay cả những người dùng cuối cũng cần nâng cao nhận thức về an toàn thông tin. “Do đó, chương trình đào tạo về an toàn thông tin phải được thiết kế, triển khai sao cho nhiếu người có thể tiếp cận được”, ông Đức nhận xét.

Cũng về vấn đề này, TS Lê Mạnh Hà cho rằng các hiệp hội như Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam phải đóng vai trò cầu nối hợp tác giữa nhà nước với các doanh nghiệp trong ngành.

Trước tình hình an ninh mạng đang hết sức phức tạp, ông Hà đề xuất nhà nước phải ưu tiên phát triển lực lượng đảm bảo an toàn thông tin. Đồng thời, ông cũng cho rằng các chính sách của nhà nước hiện nay khó giữ chân được nhân lực chất lượng cao về an toàn thông tin.

Theo dự tính, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp từ nay đến năm 2020 là khoảng 400.000 người, trong khi toàn bộ hệ thống cung cấp nhân lực về CNTT trên cả nước chỉ có khả năng đáp ứng quá nửa con số ấy. 

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn gửi các trường đại học, học viện, chính thức thông báo cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin trình độ đại học.

Theo đó, các sinh viên đang học đại học hết năm thứ 1, 2, 3 các ngành khác nếu có nguyện vọng có thể được chuyển sang học các ngành CNTT ở trong cùng một cơ sở đào tạo hoặc chuyển sang các cơ sở đào tạo khác có đào tạo các ngành CNTT.

Phạm Sơn - Báo Khám phá