TP. HCM đầu tư nhiều tuyến đường thủy gắn với phát triển du lịch

Từ nay đến năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đầu tư một số tuyến du lịch đường thủy trên địa bàn gồm tuyến đi quận 7, tuyến đi qua quận 5, 6, 8, tuyến đi huyện Củ Chi-Thành phố Hồ Chí Minh đến tỉnh Bình Dương, tuyến đi huyện đảo Cần Giờ-Thành phố Hồ Chí Minh đến tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (bao gồm tuyến từ trung tâm thành phố đi Thị trấn Cần Thạnh-huyện Cần Giờ và từ huyện Cần Giờ đi Bà Rịa-Vũng Tàu), tuyến đi quận 9, Đồng Nai, tuyến đi các tỉnh miền Tây, Tây Nam Bộ..., đồng thời phát triển du lịch đường biển.

Tàu vận tải hành khách đường sông tại bến Bạch Đằng. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Tàu vận tải hành khách đường sông tại bến Bạch Đằng. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi toạ đàm “Phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch thành phố” do Sở Giao thông Vận tải và Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 28/11.

Tại toạ đàm, ông An Sơn Lâm, Chủ đội thuyền buồm Đông Dương, hoạt động trên sông Sài Gòn chia sẻ những khó khăn khi thành phố dẹp bến Bạch Đằng, quận 1, đã gián tiếp đẩy doanh nghiệp vào tình thế phải bán phương tiện.

Cũng theo ông An Sơn Lâm, lâu nay việc cảnh báo thời tiết chưa hợp lý, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Đơn cử như một cơn bão đi qua địa phận đất nước, vào tận Campuchia và chuyển thành áp thấp nhưng cơ quan chức năng vẫn giữ nguyên lệnh cấm tàu bè xuất bến ngay tại sông Sài Gòn, vừa gây thiệt thòi cho khách du lịch nước ngoài, vừa ảnh hưởng đến nguồn thu của doanh nghiệp.

Vì thế, thành phố cần giữ lại bến Bạch Đằng, giữ lại cảng Sài Gòn nhằm giữ lại nét đặc trưng “trên bến dưới thuyền” một thời của thành phố.

Theo phản ánh của đại diện nhà hàng Elisa (hoạt động trên sông Sài Gòn), thành phố chủ trương phát triển du lịch đường thủy nhưng việc đầu tư hạ tầng lại yếu kém.

Cùng với đó, việc đóng cảng Bạch Đằng, quận 1 và một số bến ở quận 4 đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, phải thuê lại cầu cảng để hoạt động. Vì thế, thành phố nên tổ chức lại bến bãi, đầu tư hạ tầng chuyên nghiệp hơn để thu hút doanh nghiệp tham gia.

Dưới góc độ đơn vị lữ hành, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt cho rằng, để khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển du lịch đường thủy, thành phố cần thay đổi quan điểm cấp phép, đầu tư xây dựng bến, cũng như tư duy làm du lịch đường sông như hiện nay.

“Thay vì tốn kém để trang trí đường phố vào các dịp lễ, Tết, thành phố có thể trang trí, làm đẹp các nhà ven sông để thu hút tầm nhìn của du khách; đồng thời, quảng bá văn hoá địa phương. Thậm chí thay vì làm đường hoa Nguyễn Huệ thì có thể làm đường hoa dọc sông, làm chợ nổi bán hoa, đồ ăn, lưu niệm,” ông Nguyễn Văn Mỹ đề xuất.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố có những khoảng không gian đang được điều chỉnh quy hoạch nhưng không mâu thuẫn và ảnh hưởng đến sự phát triển chung của thành phố.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, Sở Giao thông Vận tải và Sở Du lịch thành phố sẽ đề xuất lên Ủy ban Nhân dân thành phố nghiên cứu xây dựng quy chuẩn bến bãi, công bố và mời gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Trong khi đó, theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, lợi thế sông nước của thành phố vẫn chưa được khai thác, đầu tư xứng tầm.

Sắp tới Sở Giao thông Vận tải sẽ rà soát các bến bãi đường thủy nội địa gắn với phát triển du lịch. Đến ngày 23/12, Công ty Greenlines DP sẽ khai trương tuyến tàu cao tốc đường thủy từ trung tâm thành phố đi Cần Giờ.

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố có hơn 1.000km đường thủy, bao gồm hơn 970km được quy hoạch và tổ chức quản lý.

Đặc biệt, thành phố có 2 tuyến sông chính là sông Sài Gòn và sông Đồng Nai chảy qua tạo nên hệ thống mạng lưới sông nhỏ, kênh rạch chằng chịt. Lợi thế này không những mang lại cho thành phố hệ sinh thái đa dạng, phát triển du lịch, mà còn góp phần quan trọng kết nối giao thông với các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu và Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện, thành phố đã hình thành nên các loại hình du lịch đường thủy như du thuyền, nhà hàng trên sông Sài Gòn phục vụ ăn uống giải trí về đêm; thuyền nhỏ tham quan nội đô; ca nô cao tốc từ trung tâm thành phố đi huyện đảo Cần Giờ, du lịch bằng tàu biển đến các nước trên thế giới.

Các tuyến du lịch đường thủy hiện có gồm tuyến tầm ngắn (dưới 30km) Nhiêu Lộc-Thị Nghè, tuyến tầm trung (30km-70km) Sài Gòn-Củ Chi, Sài Gòn-Cần Giờ, tuyến tầm xa (trên 70km) từ thành phố đi các tỉnh miền Tây và Campuchia. Tuyến du lịch đường biển được khai thác từ cảng Cát Lái, Phú Hữu, Hiệp Phước... với lượng khách tăng trung bình từ 10-15%/năm.

Trần Xuân Tỉnh - Vietnamplus