Hai lúa Quảng Nam bước ra thế giới nhờ... trồng rau sạch

Tháng 11 vừa qua, lần đầu tiên một nông dân trồng rau ở TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) được mời qua Ấn Độ nói về kinh nghiệm... trồng rau sạch.

Ông Phạm Mèo, nông dân ở thôn 5 (Thanh Đông, Cẩm Thanh, Hội An), nói rằng ông thấy "run" khi lần đầu tiên được mời ra nước ngoài nói chuyện với các nông dân quốc tế.

Giấc mơ... rau

Ông Mèo trồng rau từ năm 2013. Trước đó, ông trồng lúa, làm rau chỉ để kiếm thêm thu nhập. Ông nói rằng lúc mình còn trồng rau sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu nhiều lúc ông thấy "ân hận" khi vợ gánh những bó rau ra chợ bán: "Mình trồng rau ra mà chẳng dám ăn, thấy bán cho người ta mà bụng dạ áy náy".

Ông Mèo nói thời điểm lãnh đạo Hội An đến nhà vận động, chia sẻ ý tưởng làm rau sạch, ông tính không tham gia nhưng vì thấy áy náy với cách trồng rau lâu nay nên bàn với vợ chuyển hướng, dù trồng rau theo cách cũ tạo ra lợi nhuận nhanh hơn.

Rồi ông dồn tiền đi học trồng rau, dọn dẹp lại vườn tược. Chính quyền vận động bà con cùng làm, nhưng các hộ đều ngần ngại. Ông Mèo đứng ra đăng ký đầu tiên. Rồi ông hì hục mở luống, tìm tài liệu học cách làm rau hữu cơ, rồi "khử đất" để các chuyên gia đến kiểm tra. 

"Thời điểm đó, việc trồng rau sạch chưa có người dân nào ở Hội An làm. Tôi đeo đuổi vì nghĩ rằng một ngày nào đó, những bó rau của mình trồng ra sẽ được vào nhà hàng, siêu thị" - ông Mèo nói.

Rau ăn được ngay tại vườn

Tới vườn của ông Mèo mùa này, những luống rau tươi non mơn mởn màu lá chuối non trải dài từ đầu tới cuối vườn. Cả ngày lẫn đêm, ông cùng bà con tranh thủ ủ phân, kết giống, gieo hạt và dùng rượu, gừng xức cho từng luống rau để kịp tiến độ bán tết. 

Khi có khách du lịch tới hoặc các đoàn sinh viên, ông lại xắn quần, rửa tay đứng ra... thuyết trình. "Tui làm việc này cũng mấy năm nay rồi, thỉnh thoảng lại được mời đi tỉnh này tỉnh nọ nói chuyện về quy trình rau hữu cơ" - ông nói.

Vườn rau của ông được nhân giống từ năm 2013 và chỉ sau vài tháng, thấy ông ra lứa thu hái đầu tiên, nhiều hộ dân cũng tự nguyện đăng ký tham gia. Toàn bộ diện tích trên 6.000m2 của các hộ gia đình gần đó đồng ý góp lại, quây thành một ruộng lớn rau hữu cơ. 

Lần đầu tiên, những nông dân quen lối canh tác rời rạc nhỏ lẻ đã biết tập hợp nhau lại, chung ý tưởng, công sức để làm "chuỗi" rau sạch. Dưới sự điều phối của các tổ chức, sự hỗ trợ của kỹ sư nông nghiệp, vườn rau Thanh Đông sớm trở thành một địa điểm được biết đến.

Quy trình trồng rau hữu cơ của ông Mèo và các hộ dân khá phức tạp, nhưng tóm gọn là chúng cho ra mọi cọng rau đều "sạch": đất trồng rau được xử lý và được kiểm tra từ các tổ chức. Phân bón tuyệt đối không dùng phân hóa học, mà từ nguồn tại chỗ như gia súc, phân ủ lá. 

Thậm chí nguồn phân cũng phải "sạch", không lấy phân từ các vùng dịch bệnh. Nước tưới rau phải là nước đã qua xử lý. Tất cả tiêu chuẩn khắt khe như thế, khi một cọng rau được gieo hạt và nhổ lên phải đảm bảo "ăn được ngay tại vườn", hoàn toàn không độc hại.

Từ ruộng rau đi ra quốc tế

Phó chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Thế Hùng nói ông Mèo là "lão nông đặc biệt", người đi tiên phong trong phong trào trồng rau hữu cơ ở Hội An. Dù không được học hành bài bản, qua trường lớp, nhưng kiến thức về nông nghiệp của ông Mèo là khá chặt chẽ.

Qua bốn năm quây vườn, đào đất gieo hạt, giờ đây vườn rau hữu cơ của ông Mèo cùng bà con đã lên tới trên 12.000m2, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng chục tấn rau sạch. 

Giấc mơ rau hữu cơ của ông Mèo đã đi xa hơn ngoài dự tính: rau trồng ra tới đâu được các nhà hàng, khách sạn, hội nghị lớn đặt mua tới đó. Mỗi bó rau sạch làm ra dù bán giá cao gấp đôi so với rau ở chợ, nhưng tất cả được bán hết.

Tới Thanh Đông, nhiều du khách sẽ ngạc nhiên khi thấy mình giống như đi vào các khu trình diễn rau phục vụ du lịch: vườn rau có mái che, có chòi canh, có cổng vào, có lối đi dài sâu hun hút giữa hai bên hàng cọc rào... 

Bao quanh làng rau là những dãy nhà hàng, khách sạn, resort sang trọng. Và thú vị hơn, muốn vào làng rau phải... mua vé. Người thuyết trình về trồng rau một cách tinh tường, y hệt chuyên gia nông nghiệp không ai khác chính là ông Phạm Mèo.

Thái Bá Dũng - Báo Tuổi trẻ