Nguy cơ thất nghiệp do công nghệ đang cận kề

Tuần vừa rồi, Uber bắt đầu đưa ô tô tự lái Uber X vào các đường phố ở San Francisco.

Mặc dù, quy mô triển khai dự án này vẫn còn nhỏ. Các xe Uber X vẫn phải có lái xe ngồi sau tay lái để xử lý các trường hợp khẩn cấp, kiểm soát sai sót. Tuy nhiên các lái xe Uber và taxi cũng nên bắt đầu suy nghĩ đến những cách ‘kiếm cơm’ khác từ bây giờ.

Các công ty bán đồ ăn nhanh: Wendy, McDonald và Panera cũng đang lần lượt mở ra các ki-ốt bán hàng tự động trên khắp nước Mỹ. Thay vì thuê nhân viên đóng gói khoai tây chiên với lương 15 USD/giờ, một cánh tay robot với giá 35.000 USD sẽ làm việc này hiệu quả hơn.

Ở châu Âu, tháng 9 năm ngoái, máy in 3D lớn nhất thế giới Big Delta của hãng WASP, Ý đã xây dựng thành công một căn nhà với giá chỉ 55USD bằng vật liệu đất, đất sét và rơm rạ.

Châu Á, Foxconn, đối tác chiến lược của Apple, Google và Amazon và cũng là nhà tuyển dụng lớn thứ 10 trên thế giới đã thay thế 60,000 công nhân của mình bằng dây chuyền công nghệ.

Mảng dịch vụ bán lẻ sẽ là nơi mất việc mạnh nhất. Walmart, nhà tuyển dụng lớn thứ ba toàn cầu với tổng cộng 2,1 triệu lao động đang muốn thay thế các nhân viên kiểm hàng kho bãi của mình bằng các máy bay tự động có thể bay và quét những giá chứa đồ dài hàng dặm trong chớp mắt.

Không chỉ việc chân tay, công nghệ lấy cả việc trí óc

Các công ty đều đang tiến về đường đua công nghệ.

Máy tính đang giúp họ thu thập thông tin, xử lý dữ liệu và đưa ra đánh giá về khách hàng. Thực tế đang cho thấy, cách này hiệu quả hơn hẳn các cách làm truyền thống.

Công ty Target đã sử dụng các phân tích thông tin của khách hàng và phát hiện ra một teen có thai còn trước cả khi bố cô này biết tin.

Các công ty như Amazon, Pandora, Netflix, Spotify, và Google đều đang áp dụng digital footprint - dấu chân điện tử do chúng ta để lại trong suốt quá trình sử dụng internet, từ việc nhấn chuột, tới lướt web, ghi lại các hành vi, thói quen của chúng ta và phân tích, xử lý dữ liệu để đưa ra những thông tin về chúng ta với độ chính xác đáng kinh ngạc.

Netflix có thể dự đoán những bộ phim mà bạn ưa thích chính xác còn hơn cả người yêu của bạn.

Hầu hết các mô hình kinh doanh mới hiện nay đều được xây dựng gắn liền với công nghệ: từ phần cứng mới tới các phần mềm mới.

Tất cả hoạt động của con người đều được ghi lại. Máy tính sẽ dùng digital footprint để phân tích các đặc tính về tính cách, sở thích của khách hàng, và cùng các công ty đưa ra chương trình chăm sóc khách hàng, khuyến mãi, các gợi ý về các sản phẩm tiếp theo một cách đầy khéo léo, thông minh và chính xác.

Trái lại, cũng trong 10 năm đó, các ông lớn không theo kịp công nghệ như Nokia, MySpace, hay Yahoo có số phận hoàn toàn khác. Nhều công ty đã bị giảm hơn một nửa giá trị tài sản, Yahoo đi tới bờ phá sản. Họ đã không bắt kịp luật chơi mới của thị trường.

Một tương lai mờ mịt

Trong khi bạn còn đang liên tưởng tới phong trào đập phá máy móc của công nhân Anh thế kỷ 19, thì công nghệ đã lấn rất sâu vào tất cả các hoạt động hàng ngày của chúng ta, gây ra xu thế mà nhà kinh tế học Keynes dự báo từ năm 30 thế kỷ trước: Thất nghiệp do công nghệ.

Có những ý kiến cho rằng, công nghệ lấy việc này nhưng khai sinh ra nhiều việc mới khác cho con người.

Nhưng các nhà kinh tế học đã chỉ ra, trong 10 năm qua, mặc dù năng suất tăng vọt, lợi nhuận kỷ lục, nhiều việc mới ra đời nhưng tổng số việc làm không hề tăng. Nghĩa là việc mới ra đời không bù nổi số việc bị ‘cướp’ đi.

Các nhà kinh tế học vẫn đang loay hoay tìm giải pháp cho mối nguy này. Thậm chí Bill Gates còn đề xuất đánh thuế cả robot để lấy tiền trợ cấp cho người bị ‘cướp’ việc.

Trong lúc đó, công nghệ vẫn đang miệt mài ‘cướp’ việc với tốc độ ngày càng cao.

Năm 2013, trường đại học Oxford dự đoán công nghệ sẽ lấy mất 50% công việc của người trong vòng từ 10 đến 20 năm nữa. Chỉ 2 năm sau, năm 2015, McKinsey báo cáo đã có 45% số việc đã chuyển giao cho robot.

Có thể thấy, một tương lai có ‘công việc ổn định’ tương đối mờ mịt trước mắt chúng ta.

Quân Thảo