Bệnh viện năng lượng Mặt Trời đầu tiên bắt đầu vận hành ở Syria
Sau nhiều tháng thử nghiệm, bắt đầu từ tuần này, một bệnh viện ở Syria sẽ lần đầu tiên sử dụng hệ thống điện năng lượng Mặt Trời, một dự án mà các nhà thiết kế hy vọng sẽ giúp cứu sống nhiều bệnh nhân cũng như có thể trở thành mô hình được nhân rộng trên toàn lãnh thổ quốc gia Trung Đông này.
Sự kiện trên đánh dấu một bước đột phá to lớn đối với hệ thống điện năng của Syria sau 6 năm nước này chìm trong nội chiến với việc hầu hết các hạ tầng lưới điện bị phá hủy, khiến các bệnh viện phải dựa vào máy phát điện chạy bằng dầu diesel, song luôn tiềm ẩn nguy cơ thiếu nhiên liệu.
Dự án “Bệnh viện năng lượng mặt trời Syria” là sáng kiến của Liên minh các tổ chức cứu trợ và chăm sóc y tế (UOSSM) đóng trụ sở tại Pháp nhằm mục tiêu giúp các bệnh viện giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu diesel vốn đắt đỏ và không phải lúc nào cũng sẵn có.
Vì lý do an toàn, UOSSM không tiết lộ tên và địa điểm của bệnh viện năng lượng mặt trời đầu tiên ở Syria, song cho biết cơ sở này vận hành kết hợp một máy phát điện chạy bằng dầu diesel và 480 tấm năng lượng mặt trời, được kết nối với một hệ thống tích trữ năng lượng.
Trong trường hợp hết nhiên liệu, hệ thống năng lượng mặt trời nêu trên có thể cung cấp điện đầy đủ cho các phòng chăm sóc tích cực, phẫu thuật và các khoa cấp cứu trong vòng 24 giờ mà không cần dùng tới dầu diesel – nhiên liệu vốn “ngốn” tới 20-30% chi phí năng lượng của bệnh viện.
Giám đốc dự án của UOSSM, Tarek Makdissi cho biết liên minh này đặt muc tiêu sẽ triển khai mô hình năng lượng mặt trời tại 5 cơ sở y tế khác ở Syria vào cuối mùa Xuân năm 2018, với nguồn tài trợ từ các tổ chức, các cơ quan chính phủ, các quỹ hỗ trợ và các nhà từ thiện.
Ngoài lợi ích giúp giảm chi phí hoạt động, sáng kiến này được đánh giá làm tăng khả năng tự chủ cho các cộng đồng địa phương, đồng thời được kỳ vọng sẽ giúp kiến tạo một cơ sở hạ tầng điện năng bền vững hơn.
Theo Vietnamplus