Thị trường voicebot đang mở rộng ngày càng nhanh
Công nghệ voicebot – trợ lý ảo nhận lệnh bằng âm thanh – được tích hợp trong các thiết bị như Alexa của Amazon hay Google Home, dự đoán sẽ trở thành một công nghệ chiếm lĩnh trong tương lai.
Việc Facebook ra mắt ParlAI gần đây là một động thái của hãng trong việc lấn sân sang ngành công nghiệp này, hướng đến mục tiêu cuối cùng là những cuộc trò chuyện bằng giọng nói với máy tính một cách có nghĩa và sống động.
Mặc dù công nghệ này hiện tại vẫn chưa làm được gì nhiều, nhưng một điều chắc chắn là trong tương lai, voicebot sẽ được cải thiện ngày càng tốt hơn.
Một giám đốc điều hành công ty sản phẩm tiêu dùng hàng đầu thế giới kể lại, lúc ông xem TV, ông nhìn thấy một quảng cáo thú vị tương tự với sản phẩm của mình. Ngay lập tức ông hỏi Alexa rằng thương hiệu tốt nhất của loại sản phẩm đó là gì, Alexa nhanh chóng trả lời lại tên của một thương hiệu đối thủ với công ty ông.
Không những thế, Alexa còn cung cấp một danh sách dài những mặt hàng mẫu và giá niêm yết cho từng sản phẩm của hãng đối thủ.
Điều này cho thấy, dù cuộc trò chuyện giữa người và voicebot vẫn chưa có nhiều ý nghĩa thật sự lắm, nhưng đây là mảnh đất vàng cho những thương hiệu nhằm quảng bá cho chính mình.
Mặt tốt, mặt xấu và những hứa hẹn
Một nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ sử dụng các trợ lý ảo kích hoạt bằng giọng nói tại thị trường Hoa Kỳ đã tăng 130% tính từ năm 2016.
Amazon Echo (Alexa) và Google Home – khác với Siri của Apple và Google Now bởi chúng là những thiết bị độc lập và không phụ thuộc vào điện thoại di động – đang dần chiếm lĩnh thị trường. Chức năng chính của chúng là tạo nên một ngôi nhà thông minh hơn bằng cách bật tắt nhạc, tạo nhắc nhở cho người sử dụng về những việc cần làm, và thậm chí trả lời các câu hỏi sáo rỗng của người dùng.
Một trong những lợi ích lớn nhất của công nghệ trợ lý ảo kích hoạt giọng nói là tiết kiệm thời gian. Nói chuyện tự nhiên sẽ nhanh hơn là viết, và bởi vì người dùng không cần cầm điện thoại để gõ chữ, mọi thao tác sẽ được xử lý nhanh hơn. Nó cũng dễ tiếp cận hơn với những người không thể gõ phím hoặc sử dụng các thiết bị cầm tay.
Tuy vậy, công nghệ này vẫn dễ bị lỗi. Khi có nhiều người cùng nói chuyện với nhau ở gần thiết bị, nó sẽ gặp khó khăn khi xác định giọng nói để kích hoạt lệnh. Để rồi người dùng phải lặp đi lặp lại nhiều lần một lệnh nào đó, việc này khiến nó mất nhiều thời gian hơn là gõ văn bản như thông thường.
Những vấn đề này chỉ là trục trặc nhất thời. Vấn đề lớn cần xử lý trước mắt đó là mặc dù chúng ta đã lập trình cung cấp cho bot khả năng dịch thuật, nhận dạng giọng nói và tổng hợp thông tin, nhưng hầu hết chúng đều không hiểu được ý nghĩa của ngôn ngữ tự nhiên.
Chính Mark Zuckerberg cũng đã từng nói: “Chưa có hệ thống AI nào đủ tốt để có thể hiểu được rõ ràng đoạn nói chuyện với con người. Máy tính chỉ dựa vào âm thanh phát ra từ người dùng rồi dự đoán những gì sẽ nói tiếp theo, nên câu nói đúng cấu trúc ngữ pháp sẽ khiến máy tính hiểu được, ngược lại thì không”.
Các thương hiệu nên chuẩn bị cho mặt trận mới này
Dù những hạn chế của công nghệ này vẫn còn là một danh sách dài, nhưng những tiến bộ không ngừng trong việc ‘cho máy tính học tập’ đã khiến máy tính có nhận thức rõ hơn về những gì người dùng nói. Dù chúng ta vẫn chưa đến được đó, nhưng tham vọng của Zuckerberg về AI có thể khiến điều này không còn là tương lai xa.
Năm 2011, thị trường nhận dạng giọng nói toàn cầu đã đạt được 47 tỷ USD. 6 năm sau, con số này đã tăng vọt lên 113 tỷ. Cùng với sự đầu tư mới được Facebook công bố, một sự đẩy nhanh toàn diện quá trình nhận dạng giọng nói và xử lý ngôn ngữ tự nhiên ở quy mô lớn sẽ sớm được triển khai.
Các thương hiệu đã có thể bắt đầu chuẩn bị cho công nghệ này từ ngay hôm nay. Ngày càng có nhiều người dùng sẽ chuyển sang công nghệ này để so sánh và chọn lựa mua hàng hóa. Các công ty cần tích hợp công nghệ này vào chiến lược thương mại điện tử và tiếp thị cho mình.
Cũng như mua sắm trực tuyến đã thay đổi bộ mặt ngành bán lẻ, thì công nghệ kích hoạt bằng giọng nói sẽ là bước chuyển mình tiếp theo.
Quang Niên (Theo Venturebeat)