Việc làm trong tương lai: cái chết của những kỹ năng riêng lẻ (p1)
Tương lai của công việc đã bắt đầu từ hôm nay, dù mọi thứ có thay đổi nhưng người lao động sẽ an toàn trước cơn bão tự động hóa nếu có được những kỹ năng cần thiết và phát triển chúng.
Theo một thống kê trên 2.000 công việc ở 800 nhóm ngành nghề khác nhau, tự động hóa sẽ thay đổi mạnh mẽ công việc của hầu hết các ngành nghề.
Cụ thể, trong 60% ngành nghề thì 30% lượng công việc của con người sẽ bị thay thế bởi robot và bot, những ngành nghề còn lại cũng sẽ được thay đổi ít nhiều theo xu hướng tự động hóa hơn.
Ngoài ra nhiều nguồn còn dự đoán các ngành nghề kinh tế từ lao động trí óc chuyên nghiệp ở Hoa Kỳ sẽ phát triển mạnh mẽ và lớn hơn gấp 10 lần so với những ngành công nghiệp sản xuất.
Phần lớn những cuộc thảo luận về tự động hóa ngày nay, hầu hết đều xoay quanh vấn đề thất nghiệp và khiến phần lớn những ngành nghề bị tác động và thay đổi.
Tuy nhiên, điều thiết yếu là chúng ta cần tập trung vào những kỹ năng mới cần thiết cho công việc sau này rồi phát triển một kế hoạch để nâng cao tay nghề cho nhân viên và đồng nghiệp của mình.
Các nhà lãnh đạo công ty cần tập huấn cho nhân viên mình kỹ năng công việc trong tương lai hơn là những thứ thuộc về hiện tại.
Vậy làm thế nào để chuẩn bị cho những công việc trong tương lai, khi mà nó còn quá mơ hồ, phức tạp và không chắc chắn?
Trong nhiều công việc, nếu người lao động chỉ có một kỹ năng duy nhất, họ sẽ không đủ năng lực để sống sót qua hiện tại, và cũng sẽ không đủ trang bị cho công việc trong tương lai.
Cái chết của một kỹ năng đơn lẻ
Giáo sư David Deming về giáo dục và kinh tế ở Đại học Harvard cho rằng, nhiều công việc chỉ cần kỹ năng toán học thì nay đã được tự động hóa, nhưng việc kết hợp giữa kỹ năng toán học và giao tiếp (như công việc của một nhà kinh tế, kỹ thuật viên y tế, các nhà phân tích quản lý) sẽ vẫn tồn tại.
Công ty Business Higher Education Forum and Gallup đã tiến hành một khảo sát để biết, tỷ lệ nhân viên có cả kiến thức khoa học và kỹ năng phân tích sẽ thỏa mãn yêu cầu của các nhà quản lý vào năm 2020 thế nào.
Ý tưởng phát triển kỹ năng chéo không phải là mới. Trong thực tế, khái niệm kỹ năng chữ T được miêu tả lần đầu vào năm 1991.
Những cá nhân có được kỹ năng chữ T sẽ kết hợp tốt giữa kiến thức chuyên môn và khả năng giao tiếp xã hội một cách sâu rộng để có thể làm tốt trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trong bối cảnh 60% nghề nghiệp bị tự động hóa như ngày nay, việc một cá nhân có được kỹ năng chữ T càng quan trọng hơn nữa để kết hợp những yếu tố con người (sự đồng cảm, cách giao tiếp) cùng những phần của công nghệ máy móc.
Hãy nhìn vào ba chức vụ: nhà khoa học dữ liệu, nhà tuyển dụng, và nhà lãnh đạo kinh doanh để thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của các kỹ năng hình chữ T.
Người lao động trong tương lai cần biết kết hợp giữa kỹ thuật và trình bày kỹ năng
Một ví dụ gần đây nhất về tầm quan trọng của kỹ năng này, là việc khóa học mới, được gọi là MOOC, được thiết kế và phát triển giữa PwC và Coursera.
Ông Michael Fenlon, Giám đốc nhân sự của PwC cho biết: “Sự hợp tác của PwC với Coursera là tạo ra một khóa học mới, giúp mọi người trở nên tự tin hơn khi đối diện với tương lai.”
5 khóa học của MOOC tập trung vào việc hiểu và áp dụng các công cụ phân tích dữ liệu, cũng như chiếu các bài thuyết trình để trình bày những hiểu biết được phát hiện trong quá trình phân tích dữ liệu.
Điều thú vị là MOOC được cung cấp cho cả những người không phải là thành viên của PwC. Tính đến nay đã có 14.000 học viên từ 192 quốc gia theo học khóa này là thành viên của PwC, và 71.481 học viên khác chưa đăng ký thành viên với PwC.
Những người học mong muốn nâng cao và nắm vững được những kỹ năng về dữ liệu khoa học và phân tích dữ liệu, là những công cụ mà nhà quản lý trong tương lai sử dụng để đánh giá lao động.
Quang Niên (Theo Forbes)