Trung Quốc không ngừng tăng cường siết chặt kiểm duyệt internet (P2)

Trong nỗ lực ngăn chặn sự tự do internet, chính quyền cũng thông qua đó thực hiện những chính sách kinh tế dài hạn của mình để tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào phương Tây, nhất là ở lĩnh vực công nghệ.

Bóp cổ các doanh nghiệp nước ngoài

Những công ty kinh doanh mạng muốn mở rộng thị trường của mình tại quốc gia này, buộc phải xây dựng một phiên bản riêng hoặc chấp thuận với quy định kiểm duyệt thông tin hà khắc.

Chính vì thế, Trung Quốc không lo sợ phải bị lệ thuộc vào các tập đoàn nước ngoài, họ hoàn toàn tự chủ khi sở hữu những trang mạng riêng mà các nước khác phải sử dụng các trang mạng chung cho toàn thế giới.

Những công ty nước ngoài khi mở phiên bản riêng cho thị trường Trung Quốc, cũng nhanh chóng phải rút lui bởi thị trường giờ đây đã gần như bão hòa và lượng lớn thị phần rơi vào tay các doanh nghiệp địa phương.

Gần 9 trong số 10 công ty Châu Âu đang hoạt động tại Trung Quốc cho biết việc hạn chế internet của nước này ảnh hưởng tiêu cực đến việc kinh doanh của họ.

Cụ thể, 86% công ty Châu Âu bị sụt giảm doanh thu do việc truy cập các trang web gặp khó khăn, tăng 15% so với tháng 6 năm ngoái.

Ngoài ra, khi các trang mạng quốc gia được phát triển mạnh mẽ, vấn đề vi phạm bản quyền những tác phẩm nghe nhìn của quốc tế cũng được nhắc đến.

Những trang chia sẻ video như Youku, PPTV, Sohu Video hay iQiyi nở rộ và liên tục trình chiếu những bộ phim bom tấn mà không hề trả phí tác quyền.

Vừa hạn chế thông tin, vừa thúc đẩy kinh tế

Ngoài những lợi ích trước mắt là giảm được sự tự do của người dân khi truy cập vào những thông tin mà chính quyền không mong muốn, thì về lâu dài việc hạn chế tự do internet cũng đem lại những nguồn lợi kinh tế cho các tập đoàn kinh doanh trực tuyến ở quốc gia này.

Khi nói đến các doanh nghiệp quốc gia của Trung Quốc, không thể không kể đến Baidu, Tencent, Alibaba. Không phủ nhận sự thành công mà họ có được là do tài năng, nhưng bên cạnh đó việc chặn internet từ thế giới bên ngoài cũng đem lại cho họ những lợi ích khổng lồ.

Khi những thương hiệu kinh doanh trực tuyến của quốc tế bị đá văng ra khỏi thị trường, thì những tập đoàn trong nước được đà phát triển mạnh bởi họ không cần phải cạnh tranh với các đối thủ lớn.

Việc làm này cũng phát triển kinh tế địa phương, người dân mua hàng hóa được sản xuất ngay trong nước.

Ngoài ra, các trang mạng xã hội, các diễn đàn, các dịch vụ thanh toán trực tuyến, hay các sản phẩm công nghệ tân tiến khác được phát triển trong nước đều được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ tối đa.

Phát triển được những ‘thành tựu to lớn’

Khi những công ty công nghệ nước ngoài không thể phát triển mạnh mẽ trong thị trường thiếu sự cạnh tranh của Trung Quốc, thì những công ty trong nước lại học hỏi công nghệ của nước ngoài và phát triển những sản phẩm của riêng mình.

Chỉ trong thời gian ngắn ngăn chặn những gã khổng lồ công nghệ của thế giới, họ đã tạo ra được những tập đoàn trị giá tỷ đô, không những phát triển trong nước mà còn vươn vòi ra thế giới.

Trong khi nước ngoài không thể phát triển ở nước họ, thì chính họ xuất khẩu các sản phẩm của mình mà thu ngoại tệ từ quốc tế.

Đội ngũ Cảnh sát Internet và hacker của nhà nước cũng được chính phủ rót vốn để lớn mạnh. Nước này thường xuyên tổ chức các cuộc tấn công mạnh mẽ nhằm vào những trang mạng có máy chủ ngoại quốc.

Với một lực lượng mạnh mẽ như vậy, họ không chỉ bảo vệ được ‘chủ quyền quốc gia trên mạng’ của mình mà còn xâm nhập vào các hệ thống quốc phòng của những nước khác.

Mặc dù nổi tiếng khắp thế giới về hệ thống kiểm duyệt mạnh mẽ của mình, nhưng ngay bên trong hệ thống đó, các phương tiện truyền thông khác không hề nhắc đến chuyện này và người dân cũng không thật sự quan tâm đến chúng.

Chính vì Trung Quốc là một quốc gia với tiềm lực kinh tế mạnh mẽ, nên sức ép từ quốc tế cũng vì thế mà không đủ lực để chống lại những sai phạm của quốc gia này, ít nhất là trên mặt trận internet.

Quang Niên