Tăng chỉ số đổi mới sáng tạo ở Việt Nam: Tận dụng đòn bẩy của giáo dục và sở hữu trí tuệ

Trong các chỉ số cần tiếp tục cải thiện như thể chế, chất lượng nguồn nhân lực... để tăng hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) những năm tiếp theo, các chuyên gia sở hữu trí tuệ thế giới đặc biệt lưu ý Việt Nam tận dụng đòn bẩy của giáo dục và sở hữu trí tuệ.

Đầu tư cải thiện chỉ số GII hiệu quả cao

Việc Việt Nam tăng hạng chỉ số đổi mới sáng tạo 12 bậc so với năm 2016 khiến giới chuyên môn quốc tế rất ngạc nhiên bởi Việt Nam được xếp vào nước có thu nhập trung bình thấp.

Ông Sacha Wunsch Vincent - chuyên gia cao cấp của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) - bày tỏ, trong các ấn bản gần nhất của GII, Việt Nam nổi lên như một quốc gia có hiệu quả về đổi mới sáng tạo (ĐMST).

“Điều này có nghĩa Việt Nam đã làm tốt trong việc tạo ra tri thức mới và ĐMST từ nguồn lực hiện có. Đây là một thành công lớn khi chúng tôi xem xét 10 nước ĐMST hiệu quả, trong đó có Trung Quốc, Hà Lan, Đức...” - ông Vincent nói.

Vị chuyên gia của WIPO cũng đặc biệt nhấn mạnh việc Việt Nam đầu tư cho các chỉ số đầu vào với số tiền rất khiêm tốn, nhưng kết quả đầu ra lại cao:

“Kết quả tốt trong hầu hết các lĩnh vực, trong đó có 2 chỉ số chính là tăng trưởng năng suất (đứng đầu thế giới) và xuất khẩu công nghệ cao (duy trì vị trí thứ tư từ năm trước).

Việc nhập khẩu công nghệ cao tốt hơn và thu hút được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu”.

Ông Sacha Wunsch Vincent nhắc đến một điểm tiến bộ nữa của Việt Nam trong thời gian qua là số đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp tăng trưởng tốt theo thời gian. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng chỉ ra vài chỉ số còn hạn chế như:

Chỉ số về thể chế xếp hạng 87, chỉ số môi trường kinh doanh xếp thứ 113; chỉ số thuận lợi nộp thuế xếp thứ 115; chỉ số chất lượng nguồn nhân lực và nghiên cứu xếp thứ 70; chỉ số các công ty R&D toàn cầu xếp thứ 43 và chỉ số xếp hạng QS các trường đại học xếp thứ 75.

Thách thức chuyển nhân lực từ viện, trường sang sản xuất

Phân tích của giới chuyên môn cho thấy, dù đạt thứ hạng tốt, Việt Nam vẫn đang ở ngã ba giữa vị trí người lắp ráp và vị trí người sáng tạo vượt lên, cạnh tranh với các nước láng giềng.

Các chỉ số đầu ra của Việt Nam phần lớn bị ảnh hưởng bởi những vấn đề liên quan đến dòng vốn FDI.

Một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam có kết quả cực kỳ tốt trong việc cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu là do xuất khẩu và sản xuất công nghệ cao, nhưng phần lớn các hoạt động này lại bị cầm trịch bởi doanh nghiệp nước ngoài như Honda, Toyota, Samsung...

Làm sao để các doanh nghiệp nội địa có thể đóng góp thêm vào các hoạt động này trong thời gian tới?

Một giải pháp được ông Sacha Wunsch Vincent đề cập là chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao sang khu vực sản xuất và sáng tạo chứ không chỉ tập trung ở khu vực viện, trường; tăng cường liên kết giữa giáo dục, nghiên cứu với đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, tăng chất lượng và mối liên quan giữa nghiên cứu với đào tạo nâng cao.

Cùng với đó, Việt Nam cần tận dụng sức mạnh của sở hữu trí tuệ, làm sao để chính sách về sở hữu trí tuệ phát huy được tác dụng trong hệ thống chính sách về đổi mới quốc gia.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho biết: “Bộ KH&CN sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các bộ, cơ quan, địa phương với những hoạt động cụ thể như xây dựng sổ tay hướng dẫn chi tiết về từng chỉ số GII;

Tổ chức tập huấn, hướng dẫn chung cho các bộ, cơ quan và địa phương; tổ chức các buổi làm việc, kiểm tra tiến độ thực hiện, hướng dẫn trực tiếp tại một số bộ, ngành, địa phương; phối hợp với chuyên gia WIPO và các tổ chức quốc tế để học hỏi về phương pháp và giải pháp cải thiện chỉ số GII”.

5 giải pháp cải thiện chỉ số GII mà Bộ KH&CN đề xuất

Tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả thực thi chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về cải thiện thế chế, đặc biệt là Nghị quyết 01, Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ đến tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Xây dựng, trọng dụng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật mạnh; quan tâm đầu tư, phát triển các trường đại học theo định hướng nâng cao chất lượng, tăng hàm lượng nghiên cứu và hợp tác quốc tế, phát triển các doanh nghiệp lớn có khả năng nghiên cứu và phát triển mạnh.

Tái cơ cấu các ngành nghề sản xuất, kinh doanh với định hướng nâng cao hàm lượng nghiên cứu, phát triển và ĐMST, tạo ra nhiều việc làm thâm dụng tri thức hơn.

Tiếp tục coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia, có giải pháp nâng cao năng lực ĐMST và hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp, viện, trường đăng ký sáng chế.

Có giải pháp tăng cường các sản phẩm của Việt Nam trên thị trường công nghiệp văn hoá toàn cầu.

Phương Nguyên - Khoa học phát triển