5 điều cần tránh để website của bạn không bị Google ‘dìm’ hạng

Có nhiều cách để làm marketing trực tuyến, từ SEO, Pay Per Click, marketing nội dung đến marketing mạng xã hội. Không có một con đường tắt nào để đạt được thành công.

Mặc dù vậy, bạn vẫn phải tuân thủ một số nguyên tắc khi vận hành website doanh nghiệp, nếu như bạn không muốn trang web của mình lâm vào tình trạng bị ‘dìm xuống tận đáy’.

Về SEO và quản trị website nói chung, Google có bộ nguyên tắc đã được phát triển kĩ lưỡng và sẽ tiếp tục được cải tiến qua thời gian. Bộ nguyên tắc này tập trung vào việc đem đến trải nghiệm và thông tin tốt nhất cho người dùng, đồng thời ngăn chặn bất kì trang web nào có ý định ‘gian lận’ để đứng đầu kết quả tìm kiếm.

Đừng để Google ‘gạch tên’

Đã có rất nhiều trường hợp doanh nghiệp bị Google liệt kê vào ‘danh sách đen’ hoặc thậm chí chịu án phạt mà chính họ không biết mình bị lỗi gì. Bạn có thể đã nghe nhiều câu chuyện ‘rùng rợn’ về việc một ngày nào đó bạn có thể sẽ thấy thống kê sụt giảm đột ngột hoặc trở thành nạn nhân ‘bất đắc dĩ’ của một bản cập nhật thuật toán, từ đó mà bị phạt.

Điều đó sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới website hay công việc kinh doanh của bạn vì nó sẽ tác động không tốt đến lượng truy cập hay thứ hạng. Tôi đã từng thấy nhiều khách hàng không hề biết họ đã làm gì để phải chịu phạt từ Google.

Bên cạnh một danh sách dài những điểm mà bạn cần tránh để khỏi bị Google ‘huýt còi’, đâu đó vẫn có những trường hợp vô tình đẩy doanh nghiệp vào thế khó. Đó là những trường hợp mà tôi liệt kê dưới đây.

1. SEO Mũ Đen (Black Hat SEO)

Một trong những trường hợp thường gặp nhất là SEO Mũ Đen. Đó là những thủ thuật như che giấu nội dung (cloaking), nhồi nhét từ khoá (keyword stuffing), nội dung ẩn (hidden text), dùng các link tăng liên kết (link farms),…

Một cách tổng quát, các thủ thuật SEO Mũ Đen tìm cách đẩy kết quả SEO lên trong thời gian ngắn. Như tôi đã nói, không hề có đường tắt khi làm SEO, và bất kì chiêu thức nào cố tình ‘dục tốc’ thường sẽ ‘bất đạt’.

Nhiều khách hàng không may cộng tác với các công ty SEO Mũ Đen, nhưng họ chỉ biết điều đấy sau khi bị phát hiện bởi Google. Vì lẽ đó, các ông chủ doanh nghiệp cần làm quen với khái niệm SEO Mũ Đen để cảnh giác và phòng ngừa hậu hoạ.

2. Nội dung bị lặp lại

Nhiều người sở hữu website không biết việc lặp lại nội dung có tác hại gì. Điều này đặc biệt đúng với các trang thương mại điện tử với hàng trăm danh mục sản phẩm, do đó sẽ rất khó để sáng tạo nội dung mới.

Mặc dù vậy, trong mắt Google, đó là thông tin kém chất lượng hay kém hữu ích với người dùng. Vì vậy, hãy cẩn thận trong việc viết nội dung trên từng trang của website.

3. Lạm dụng Bài viết của khách (Guest Blog)

Google mới đây đã khuyến cáo về việc lạm dụng các bài viết của khách (guest blog - là những bài viết ở website khác có dẫn link đến website của bạn) để tăng truy cập.

Hiểu nôm na, đây cũng là một thủ thuật mũ đen. Google cho rằng việc có một bài viết đăng trên quá nhiều trang khác nhau hoặc sở hữu nội dung kém chất lượng đều vi phạm quy định của họ và cần phải được loại bỏ.

Với các blogger, bạn cần tập trung xây dựng các mối quan hệ để họ viết các bài viết chất lượng cho website của bạn. Nội dung của bài viết nên nói về các sản phẩm tốt nhất của bạn cũng như nêu được các thông tin hữu ích.

4. Trang web hoạt động kém hay tốc độ tải trang thấp

Đây cũng là một điểm quan trọng bởi Google sẽ thường xuyên kiểm tra xem các website có hoạt động trơn tru hay không. Trang web không thể tải nhanh, không mở được trên di động, hay khó sử dụng đều sẽ được coi là ‘cá biệt’ trong mắt Google, bởi những yếu tố đó đều sẽ được cân nhắc trong thuật toán. Thông qua các thử nghiệm với người dùng và các bài kiểm tra tốc độ, bạn sẽ biết trang web của mình ‘khoẻ’ đến đâu.

5. Website bị hack

Với Google, bảo mật là một yếu tố quan trọng, bởi họ muốn biết thông tin khách hàng có được bảo vệ hay không. Số lượng các trang web bị hack đã tăng 32% trong năm qua, gióng lên hồi chuông báo động sự an toàn của khách hàng.

Do đó, đây là bước bạn không thể bỏ qua nếu muốn được Google ưu ái. Từ những thủ thuật đơn giản như bảo mật hai bước hay mua các gói bảo mật cao cấp, hãy tìm cách thức nào phù hợp nhất để website của bạn an toàn hơn.

Hiệp (Theo smallbiztrends)