Đề xuất đưa Uber, Grab vào loại hình taxi mới có tem nhận diện
Thành phố đề xuất Grab, Uber phải có nhận diện riêng để áp dụng cho hình thức đi chung xe nhằm có cơ sở kiểm tra, xử lý.
UBND TP HCM vừa có văn bản gửi Bộ GTVT về việc tham gia ý kiến đối với đề xuất của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ liên quan đến hoạt động kinh doanh của Uber tại Việt Nam.
Trong đó, thành phố kiến nghị các nội dung đáng chú ý như đề xuất đưa loại hình như Grab, Uber,… vào loại hình “taxi mới”, phải có nhận diện riêng (dán trên phương tiện) để áp dụng cho hình thức đi chung xe nhằm có cơ sở kiểm tra, xử lý.
Theo nội dung văn bản, hạ tầng giao thông của TP HCM đang phát triển nhưng chưa đáp ứng nhu cầu về đậu, đỗ phương tiện so với sự phát triển của số lượng xe taxi và xe hợp đồng 9 chỗ trở xuống, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố, cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.
Do đó, việc đề xuất kiểm soát xe ô tô 9 chỗ trở xuống tham gia kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng trên địa bàn TP HCM là cần thiết, trước nguy cơ tình hình ùn tắc giao thông xảy ra ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố và cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.
Để có đủ cơ sở quản lý, đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh vận tải giữa các loại hình kinh doanh vận tải như taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi về nghĩa vụ thuế, quy hoạch phương tiện, về điều kiện kinh doanh,…TP HCM đề xuất đưa loại hình như Grab, Uber,… vào loại hình “taxi mới” trong đó đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải theo loại hình taxi truyền thống.
Đối với taxi mới phải có qui định cụ thể về việc thực hiện kê khai, niêm yết giá, phải xây dựng phương án nhận diện gửi cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Phải có phù hiệu mới cho các loại hình này để nhận diện; nghiên cứu bổ sung các qui định, điều kiện để quản lý đối với các đơn vị cung cấp phần mềm điện tử (như Grab, Uber, Facecar,...) tương tự như điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe taxi.
Về dịch vụ đi chung xe, thành phố cho rằng đây là phương pháp di chuyển tiết kiệm, thông minh và tiện lợi cho người tiêu dùng, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, chưa có cơ sở pháp lý để triển khai loại hình này, chưa có chế tài để xử lý đối với các đơn vị thực hiện thí điểm việc cung cấp ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý về kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (nếu vi phạm).
Chính vì vậy, lực lượng chức năng rất khó kiểm tra để xử lý trường hợp cá nhân, tổ chức “Sử dụng từ 2 hợp đồng vận chuyển trở lên cho một chuyến xe vận tải hành khách theo hợp đồng (tương tự hình thức đi chung xe)” theo hình thức đi chung xe.
Từ đó, TP HCM kiến nghị, dịch vụ đi chung xe chỉ áp dụng cho xe ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống tham gia kinh doanh vận tải hành khách; đồng thời, mỗi chuyến xe chỉ thực hiện tối đa là 2 hợp đồng nhằm tránh xảy ra tình trạng “xe dù, bến cóc”.
Đặc biệt, phải có logo nhận diện riêng (dán trên phương tiện) để áp dụng cho hình thức đi chung xe này nhằm có cơ sở kiểm tra, xử lý. Việc ứng dụng công nghệ khoa học để hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải là việc làm cần thiết, phù hợp với với xu thế của cuộc “Cách mạng Công nghiệp 4.0”.
Tuy nhiên, cần phải ban hành các quy định, điều kiện để quản lý đối với các đơn vị (cũng như nhà đầu tư nước ngoài) kinh doanh dịch vụ phần mềm ứng dụng ông nghệ khoa học để hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải trong thời gian hoạt động tại Việt Nam; đồng thời, đề nghị Công ty Uber trước hết phải chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam./.
Hà Khánh - VOV-TP HCM