Sau sự vụ Grab thôn tính Uber, cơ hội cho vận tải công nghệ Việt?

Ngày 6-4, tại cuộc tọa đàm diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, cùng đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), Bộ Khoa học - Công nghệ và các doanh nghiệp vận tải, câu hỏi hậu “Grab thâu tóm Uber”, cơ hội nào cho doanh nghiệp vận tải Việt, đã được đặt ra. 

taxi_NTYG.jpg

Yếu tài chính, chậm đổi mới

Theo ông Khuất Việt Hùng, khi xuất hiện một “người khổng lồ”, chúng ta thường có tâm lý lo ngại, tuy nhiên sự thành công của họ lại minh chứng cho tiềm năng của thị trường. Vấn đề là các doanh nghiệp Việt làm thế nào giành lại vị thế trên thị trường của mình.

Rõ ràng, sự lấn lướt của taxi công nghệ trong thời gian qua đã khiến các doanh nghiệp vận tải Việt bộc lộ rõ những điểm yếu của mình. Điểm yếu đầu tiên là tiềm lực tài chính.

Theo nhận định của các chuyên gia, Grab và Uber đã sử dụng một nguồn vốn khổng lồ để thôn tính thị trường với các hình thức khuyến mại mà taxi truyền thống không thể đáp ứng được. Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Giao thông vận tải Toàn Cầu, cho rằng các hãng taxi phải đầu tư rất nhiều tài sản, còn Grab thì không.

Mỗi tài khoản Grab phải nộp 500.000 - 1 triệu đồng, với 50.000 tài khoản, tiền lãi này đủ cho Grab dùng để khuyến mại giá. Không một hãng vận tải nào trong nước hiện nay có đủ tiềm lực bằng Grab và Uber, thậm chí càng xoay xở, càng thất bại.

Tổng Giám đốc Mai Linh miền Bắc Hồ Quốc Phi cũng khẳng định: “Chúng tôi thua ở năng lực tài chính. Nếu như trước đây, Uber và Grab hoạt động riêng rẽ đã khiến ngành taxi truyền thống gặp khó thì sự kết hợp này dự kiến còn gây khó khăn hơn”. 

Điểm yếu thứ hai của các doanh nghiệp Việt là chậm đổi mới. Thừa nhận là hành lang pháp lý chưa quản được taxi công nghệ, do đó môi trường cạnh tranh thiếu công bằng, bất lợi cho taxi truyền thống nhưng nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, thay vì tìm hiểu, thích ứng với xu hướng mới, các doanh nghiệp vận tải Việt lại chủ yếu than vãn về đối thủ.

Thực tế, các doanh nghiệp vận tải Việt tỏ ra rất e ngại với việc tiếp nhận và không sẵn sàng đầu tư cho công nghệ mới.

Ông Trần Thành Nam, Công ty Công nghệ VATO, cho biết: “Trước đây, tôi đã mang phần mềm Vivu đi giới thiệu với các công ty taxi, tuy nhiên không được hưởng ứng và trả giá rẻ. Hiện kho ứng dụng App Store cũng có hàng trăm ứng dụng gọi taxi nhưng để đầu tư một ứng dụng chuyên gọi xe thì cần chi phí lớn.

Nếu ứng dụng mua rẻ thì chất lượng không tương xứng, không tiếp cận được khách hàng. Một điểm yếu rất quan trọng nữa là các doanh nghiệp Việt thường phát triển co cụm, không có sự chia sẻ kết nối. Hiện các hãng taxi, hợp tác xã đều có phần mềm riêng, tuy nhiên với quy mô nhỏ, họ vẫn yếu thế khi cạnh tranh".

Hợp lực để tăng sức mạnh

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), cho biết đã có những công ty ở Đông Nam Á có thể cạnh tranh với Grab, Uber, như: Go-Jek ở Indonesia hay Didi ở Trung Quốc. Không chỉ thành công ở thị trường nội địa, các doanh nghiệp này cũng đang mong muốn tham gia thị trường Việt Nam, tuy nhiên, các cơ quan chức năng chưa xem xét vì thời điểm chưa phù hợp.

Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có cơ hội cạnh tranh. Để khắc phục được những điểm yếu của các doanh nghiệp trong nước, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã kiến nghị xây dựng một trung tâm điều hành đặt xe qua mạng.

Đây là một sàn giao dịch dùng chung, giúp tất cả mọi người khi đến Hà Nội có thể tải, truy cập phần mềm, lựa chọn hãng tùy thuộc vào tên tuổi hay giá cả đã hiển thị sẵn.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho biết đề xuất này đang được các hãng vận tải đồng tình ủng hộ. Cùng với đề xuất của Hiệp hội Taxi Hà Nội, nhiều doanh nghiệp vận tải cũng đang nỗ lực tìm các giải pháp công nghệ mới.

Đại diện Công ty Phương Trang, đơn vị vừa đầu tư cả ngàn tỷ đồng để đầu tư phần mềm gọi xe, cũng bày tỏ mong muốn tạo ra sàn thương mại điện tử, đảm bảo mọi quyền lợi và chế độ cho người lao động.

Mới đây, Hợp tác xã Giao thông vận tải Toàn Cầu (Hà Nội) đã trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xin thí điểm mô hình mới là Liên hiệp Hợp tác xã Vận tải điện tử, người dân có thể tiếp cận xe bằng ứng dụng tương tự như Uber, Grab hoặc bằng nhận diện đèn báo điện tử gắn trên nóc xe. Tuy nhiên, đại diện Bộ GTVT cho biết, đề án này còn nhiều nội dung cần phải làm rõ thêm, nhất là về cách kết nối, hợp tác.

Nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp vận tải, nhiều công ty công nghệ cũng đang tích cực giới thiệu những ứng dụng mới. Ví dụ, Công ty Công nghệ VATO giới thiệu một phần mềm cho phép khách hàng dùng điện thoại như một đồng hồ điện tử, hiển thị số tiền cần phải trả như đồng hồ của taxi, cho phép công ty vận tải biết taxi có khách hay không, tài xế đang chạy chuyến xe bao nhiêu tiền, tự động thống kê doanh thu…

Nhận định các doanh nghiệp vận tải Việt Nam đã sẵn sàng đổi mới, hợp lực để chiếm lại thị trường sau sự kiện Grab thâu tóm Uber tại khu vực Đông Nam Á, bà Phan Thị Thu Hiền cho biết, sắp tới, Nghị định 86 sửa đổi được ban hành sẽ là khung pháp lý nhằm quản lý vận tải và điều tiết thị trường theo hướng hài hòa lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Đồng thời, nghị định về xử lý vi phạm, đăng ký xe, thanh toán, tiêu chuẩn, quy chuẩn… cũng sẽ được Bộ GTVT xử lý.

Ông Khuất Việt Hùng cũng kiến nghị Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN và các cơ quan liên quan làm việc với các đối tác của Uber, Grab để có hỗ trợ các lái xe sau khi Uber thuộc về Grab. Đồng thời, bộ cần làm việc với Bộ Tài chính để sửa đổi những thông tư liên quan để kịp thời hướng dẫn khi Nghị định 86 mới có hiệu lực.

Bích Quyên - SGGP

Bài gốc