Xây dựng TP.HCM sạch đẹp, văn minh: Bến dẹp đi rồi, xe để đâu?
1 ngày sau quyết định đình chỉ 48 bãi trông giữ xe máy trên địa bàn quận 1, TP.HCM có hiệu lực, vỉa hè các tuyến phố dường như quang đãng, sạch sẽ hơn. Nhưng cùng với niềm vui vỉa hè thoáng sạch là nỗi lo lắng của hàng triệu người đi xe máy...
Thiếu hụt trầm trọng chỗ gửi xe
Anh Lâm Văn Giáo, một tiểu thương kinh doanh ở chợ Dân sinh, quận 1 đang phải đôn đáo đi tìm chỗ gửi xe. Trước đây, Ban Quản lý chợ Dân sinh là người quản lý 2 bãi trông giữ xe máy trên các tuyến phố quanh chợ. Nay, 2 bãi xe này bị đình chỉ hoạt động, anh Giáo cũng như hàng nghìn lượt khách đến chợ Dân sinh mỗi ngày, đang không biết sẽ gửi xe ở đâu.
Thống kê mới nhất cho thấy có tới 6 triệu chiếc xe máy đang lưu hành trên các con phố khắp Thành phố Hồ Chí Minh, chiếm 1/3 tổng số xe máy cả nước. Ngoài việc có đường để 6 triệu chiếc xe máy này lưu thông, việc có mặt bằng trông giữ 6 triệu chiếc xe đó cũng là nhu cầu cấp bách không kém của cả chính quyền và người dân Thành phố.
Chỉ cần làm phép tính nhỏ: Mỗi chiếc xe máy chiếm 2 m2 khi đậu đỗ, với 6 triệu chiếc xe máy toàn Thành phố nói chung, cùng hàng chục nghìn lượt xe ra vào các điểm kinh doanh tại quận 1 nói riêng, sẽ tốn bao nhiêu diện tích để trông giữ chúng ???
Tính đến hết năm 2016, toàn Thành phố có hơn 4.000km đường giao thông, mật độ đạt 1,98 km/km2. Trong đó, chỉ có gần 30 ha dành cho bến bãi xe buýt, không có chỗ cho xe taxi, trong khi theo quy hoạch, con số phải là 81 ha cho xe buýt và 3ha cho taxi.
7 năm không xây nổi một bãi đỗ xe ngầm
Theo quy hoạch, khu vực quận 1 có 4 bãi đỗ xe ngầm với tổng công suất là 6.300 ô tô và 4.000 xe máy.
7 năm trước, 1 dự án đã được khởi công, đó là bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám. Nhưng sau những trống giong cờ mở của lễ động thổ, bãi đỗ xe này vẫn đang hiện diện…. trên giấy. UBND Thành phố đang phải tính đến việc lựa chọn nhà đầu tư khác, nếu hết tháng 1/2018 công trình không “nhúc nhích”.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố, ông Trần Quang Lâm cho biết, theo quy hoạch, toàn Thành phố sẽ có 8 bãi đỗ xe ngầm, được bố trí ở các điểm: Công trường Lam Sơn, Sân vận động Hoa Lư, Công viên Lê Văn Tám, Công viên Chi Lăng, Vườn hoa Tao Đàn, Công viên Bách Tùng Diệp, Đại lộ Nguyễn Huệ và bãi đậu xe ở 116 đường Nguyễn Du.
Tuy nhiên, theo quyết định mới nhất, 4 địa điểm bao gồm: Công trường Lam Sơn, Công viên Bách Tùng Diệp, Công viên 23/9 và Đại lộ Nguyễn Huệ sẽ bị ngưng xây dựng do “không còn hợp quy hoạch”.
Làm bãi đỗ xe thông minh có khó không?
“Chỉ cần có mặt bằng, chúng tôi có thể tiến hành xây dựng ngay những bãi đỗ xe thông minh nhiều tầng…”, đó là phát biểu của đại diện Công ty Cổ phần tự động hóa Tân Phát, 1 trong nhiều đơn vị thiết kế, xây dựng và kinh doanh các bãi đỗ xe thông minh nhiều tầng, quản lý bằng phần mềm chuyên dụng được xây dựng trên nền tảng web.
Công nghệ mới cho phép con người có thể xây dựng những điểm đỗ xe nhiều tầng bằng thép trên những diện tích chật hẹp, từ tư gia đến cơ quan, địa điểm công cộng. Những điểm đỗ xe này được điều khiển và quản lý thông qua hệ thống máy tính, với nhiều hình thức như: Hệ thống bãi đỗ xe xoay vòng đứng; bãi đỗ xe dạng xếp hình; bãi đỗ xe tự động từng tầng di chuyển độc lập; bãi đỗ xe tự động thông minh xoay vòng ngang….
Ưu điểm của những bãi đỗ xe tự động thông minh này là chi phí xây dựng thấp, tiết kiệm diện tích đất và dễ dàng nâng cao hiệu suất sử dụng diện tích mặt bằng để có thể trông giữ nhiều xe cùng lúc. Chỉ với 40m2, có thể xây dựng hệ thống trông giữ xe trục đứng, cùng lúc tiếp nhận được 6 ô tô 4 chỗ…..
Vấn đề quan trọng nhất đối với những nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh bãi đỗ xe là quy hoạch ổn định, ưu đãi đầu tư và chính sách quản lý thống nhất… để họ yên tâm và sẵn lòng bỏ tiền làm bãi đỗ xe. Một trong những bài học “đắt giá” của nhà đầu tư là trường hợp của Công ty Cơ khí Giao thông Sài Gòn (Samco).
Công ty này đã đầu tư xây dựng bãi đỗ xe 10 tầng tại 326 Võ Văn Kiệt, phường Cô Giang, Quận 1. Công trình có tổng diện tích hơn 32.000m2, tổng đầu tư 570 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, bãi đỗ xe 10 tầng này chỉ khai thác được... 10% công suất thiết kế.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là các bãi gửi xe tự phát mọc lên khắp nơi. Công khai thì ngay trên hè phố hoặc tận dụng những bãi đất trống chưa có công trình xây dựng. hầu như chủ đầu tư chẳng phải bỏ đồng nào xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉ cần “quay dây” lại là có ngay điểm đỗ để thu tiền, mặc cho các điều kiện về mặt bằng, an toàn phòng chống cháy nổ… không đảm bảo.
Rõ ràng mục tiêu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thực sự sạch đẹp, văn minh, không thể chỉ có “quyết tâm chính trị” là đủ. Một giải pháp căn cơ, đồng bộ trong giao thông động, giao thông tĩnh sẽ góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng hình ảnh Thành phố sôi động nhất nước trở nên hiện đại và dễ sống hơn.
Quang Tuyến - Báo Khám phá