Ô tô cá nhân sẽ không được chạy Uber, Grab?
Nếu dự thảo Nghị định mới của Bộ GTVT được phê duyệt, Uber, Grab sẽ không được cung cấp dịch vụ kết nối hợp đồng vận tải điện tử cho các phương tiện cá nhân. Điều này đồng nghĩa với việc hàng ngàn xe cá nhân đang chạy Uber, Grab không tham gia hợp tác xã kinh doanh vận tải sẽ phải dừng hoạt động.
Bộ GTVT đang lấy ý kiến vào dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Dự thảo sửa đổi, bổ sung cho Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Theo đó, Bộ này công nhận hoạt động của các loại hình taxi công nghệ như Uber/Grab và hình thức hợp đồng điện tử. Tuy nhiên hoạt động của các loại hình này cũng sẽ bị siết chặt trong thời gian tới khi đưa ra các quy định siết chặt đối với các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng vận tải điện tử và cả đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện Hợp đồng vận tải điện tử.
Cụ thể, các quy định đối với đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng vận tải là: Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo hình thức hợp đồng, du lịch, taxi mới được sử dụng hợp đồng vận tải điện tử.
Cụ thể, các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng vận tải điện tử phải được cấp Giấy phép kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong đó có ngành nghề phù hợp để hoạt động về thương mại điện tử và được Bộ Công Thương xác nhận: Ứng dụng đã hoàn thành thủ tục đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với Bộ Công Thương.
Các nội dung quy định có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các tài xế Uber, Grab trong thời gian tới đây nếu dự thảo Nghị định được phê duyệt đó là các đơn vị cung cấp ứng dụng (Uber/Grab) phải ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ sử dụng phần mềm và chỉ được cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có nhu cầu sử dụng phần mềm để kết nối hợp đồng vận tải điện tử.
Và nêu rõ "Không được cung cấp dịch vụ kết nối hợp đồng vận tải điện tử cho hộ kinh doanh vận tải, phương tiện cá nhân và các phương tiện không kinh doanh vận tải".
Theo tổng kết từ Bộ GTVT, hiện có tới 36.809 phương tiện tham gia thí điểm hình thức hợp đồng điện tử trong đó lượng xe sử dụng ứng dụng Grab/Uber chiếm đa số. Thống kê cho thấy, tại TP.HCM, tính đến 24/11/2017, có 114 đơn vị vận tải tham gia ký kết hợp đồng hoạt động thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng với Grab Việt Nam và số lượng xe được Sở GTVT cấp phù hiệu xe hợp đồng và tham gia hoạt động là 18.110 xe.
Trong khi đó, tính đến tháng 10/2017, Uber Việt Nam có 3.614 xe tham gia. Tại Hà Nội có 7 đơn vị được hoạt động trong đó lượng xe chủ yếu là Grab và Uber. Cụ thể, Công ty TNHH GrabTaxi cho hay hãng này có 11.474 xe chiếm 90,67%.
Còn phía Uber cũng cho hay đơn vị này cung cấp cho 186 đơn vị vận tải, với 2.392 xe trên địa bàn thành phố Hà Nội. Lượng xe của các đơn vị khác gần như không đáng kể.
Ngoài ra, theo dự thảo, đối với hoạt động vận tải hành khách sử dụng hợp đồng vận tải điện tử phải đáp ứng các yêu như đối với điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Chẳng hạn như có đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật; dán phù hiệu “Xe hợp đồng” (đối với xe vận tải khách theo hợp đồng) và “Xe ô tô vận tải khách du lịch” (đối với xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch); Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử có sức chứa dưới 8 chỗ ngồi (kể cả người lái) có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ ngày sản xuất).
Dự thảo mới quy định, xe ô tô sử dụng hợp đồng vận tải điện tử (trong đó có Uber/Grab) sẽ phải niêm yết biểu trưng (logo) của đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối hợp đồng vận tải điện tử trên kính phía trước và kính phía sau xe. Điều này có nghĩa trong thời gian tới, các xe chạy dịch vụ Uber/Grab sẽ buộc phải dán logo dịch vụ.
Duy Vũ - ICTNews