Đứng lên cùng nông nghiệp thẳng đứng

Tốt nghiệp đại học Nông lâm TP.HCM (2011), Dương Minh Trung “thả trôi” theo dòng chảy lao động tìm việc ở TP.HCM sau khi anh đã ngồi ở Cần Thơ làm nghề trang trí hồ thuỷ sinh cho đến lúc nhìn thấy thị trường đã bão hoà.

558duong-minh-trung-1.jpg

Trở lại TP.HCM đúng vào lúc xu hướng “xanh” trên sân thượng đang nở rộ. Một nhóm bạn đi làm thuê đã kịp nhận ra nhu cầu tự cung tự cấp rau sạch từ khoảng sân thượng với vườn địa canh, rồi thuỷ canh, Trung cảm nhận giới hạn diện tích so với hình ảnh quen mắt trên những nương rẫy mênh mông ở quê nhà Xoài Cà Nã thuộc xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng. Thuỷ canh cho phép mở rộng không gian làm vườn rau trên tường, trên mái, sân thượng, nhưng khí canh có nhiều lợi thế hơn.

Kinh nghiệm từng bước dày thêm trên đường đi. Từng làm mô hình thuỷ canh đầu tiên rất thành công, nhưng sẽ chẳng có bằng chứng nào là của mình sau khi bàn giao, trừ việc cung cấp cây giống và chăm sóc.

Mô hình khí canh ở Nhà Bè, làm vườn rau khí canh ở một nơi nhiễm phèn, mặn, không điện và phải khoan sâu 220m mới có nước ngọt, là một cuộc thử sức gay gắt nhất. Cuộc thử thách đó là một bài học thấm thía, nhưng qua đó khách hàng thấy yên tâm hơn.

Trong suốt ba năm, công việc thi công mô hình tiến triển thuận lợi, Trung trở về quê xây dựng mô hình tại hồ ngước ngọt, TP Sóc Trăng, nơi có một vành đai rẫy bái lâu đời, nhưng không mang lại hạnh phúc khi tính toán thu nhập người trồng rau địa canh.

“Ở Sóc Trăng, đất rộng tội tình gì phải làm khí canh? Nên ý tưởng thuỷ canh này không dễ dàng thuyết phục những “cây đa, cây đề” trong làng trồng rau màu tới tham quan mô hình ở trường Dân tộc bán trú, sư phạm thực hành và hồ nước ngọt”, Trung nói.

Khởi nghiệp từ công ty Giải pháp và công nghệ xanh, Dương Minh Trung, giám đốc công ty, kể lại: “Công việc ở TP.HCM đang tiến triển, tám người không làm xuể nhưng phải trở về quê phát triển vườn rau khí canh, điều này có ý nghĩa khi lao động ở đây đã quen việc, thì lực lượng này sẽ hỗ trợ cho những đơn hàng ở nơi khác”.

Mô hình ở Sóc Trăng, chỉ 1.200m2 nhưng Trung làm nhà nấm, mô hình địa canh, bán thuỷ canh và khí canh để so sánh. Anh giải thích mô hình khí canh (Aeroponics technology) theo hình tháp chữ A: bên trong giàn khí canh là không gian trống và kín nên có thể tận dụng nuôi ếch, lươn, cá.

Khí canh cho phép nhân giống nhanh hơn, công suất tăng 30 lần so với kỹ thuật truyền thống. Với chiếc máy ươm hạt, nguồn phân vi sinh từ bã bùn mía, quy trình không phức tạp như cấy mô, giảm giá thành; năng suất tăng 3,3 lần so địa canh; tiết kiệm được diện tích canh tác nhờ thâm canh nhiều tầng; cây tăng trưởng nhanh nhờ sống trong môi trường nhân tạo, thời gian ảo với 24 giờ chiếu sáng, ít nhiễm bệnh do vi khuẫn.

“Đặc biệt, chi phí 1kg rau khoảng 8.000 – 9.000 đồng, khấu hao một năm sẽ lấy lại vốn”, Trung chiết tính sau khi mua máy gieo hạt công suất 1 giờ 20.000 cây con, chuyển đổi cách sử dụng phân vi sinh từ bã bùn mía của nhà máy đường Sóc Trăng (1,2 triệu đồng/ tấn, ươm 200.000 cây con).

2c5duong-minh-trung-2.jpg

“Chỉ chuyển đổi chút xíu đã tiết kiệm được 200 đồng thay vì dùng mút để ươm mầm”, Trung có vẻ hài lòng khi nói rằng cách tính cặn kẽ của anh bắt đầu lay chuyển “cây đa, cây đề”, kể cả cán bộ khuyến nông, khi anh “hô biến” để vườn rau lớn gấp ba lần.

“Hệ thống cung cấp rau sạch và cá sạch. Chất thải của cá được tái sử dụng, vi sinh vật phân huỷ chuyển thành chất dinh dưỡng cung cấp cho rau theo mô hình khép kín này”, Trung giải thích cách khai thác nguồn vi sinh, chất hữu cơ trong bồn nuôi cá, ếch khi giá mỗi ký cá chỉ có 20.000 đồng.

Dương Minh Trung, 28 tuổi, có cách thuyết phục, gợi mở câu chuyện tương lai cho khách hàng từ thực tế, đối chiếu, so sánh từng chi tiết giữa chi phí – lợi ích từ mô hình ở hồ nước ngọt, TP Sóc Trăng, dựa theo kịch bản biến đổi khí hậu để tìm lời giải, cách thích ứng sự khắc nghiệt và mô hình ở Nhà Bè.

Lợi ích lớn nhất là sức khoẻ, lời khuyên thực tế nhất là thay vì phải lo lắng khi tới bệnh viện thì làm gì đó cho sức khoẻ tốt hơn, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn hơn, cách kiếm tiền tử tế hơn.

Hành trình của mô hình khí canh đầu tiên, mệnh danh “Genesis Growing System” (Hệ thống sáng tạo của Chúa) và bộ vi xử lý đầu tiên phân phối đồng thời nước và dưỡng chất đến khay trồng,. Năm 1983, Richard J. Stoner đăng ký sáng chế thiết bị này.

Có sự linh hoạt trong cách ứng dụng những điều học được về giá trị của khí canh đầu tiên của W. Carter (năm 1942), thực sự có khác biệt với John Prewer, trồng thực nghiệm rau diếp trong ống nhựa và không khí, nước pha dưỡng chất, dùng quạt phun sương vào không khí để cung cấp cho cây trồng. Khác cả cách làm của B. Briggs lần đầu tiên đưa công nghệ này từ khu thí nghiệm ra thực tiễn vào năm 1966.

Lòng tin vào khí canh được củng cố từ thành quả của cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA – National Aeronautics and Space Administration) trong môi trường không trọng lực trên các tàu con thoi và trạm không gian.

Tuy nhiên, trong cách giải thích của Trung, anh nghiêng về Nir Isaac, người sáng chế thiết bị khí canh áp suất thấp cung cấp dưỡng chất cho cây treo lơ lửng, được giữ bằng chất dẻo xốp (styrofoam) trên khay của Do Thái. Cách làm của Trung đã thay đổi khi sử dụng bã bùn từ nhà máy đường Sóc Trăng.

Đến khi Trung vận dụng mô hình có cả ếch, lươn, cá trê, tuần hoàn nước, tái sử dụng nước có ý nghĩa với nơi mà nguồn nước ngọt, nước sạch sẽ gặp thách thức lớn khi nước biển dâng.

Nông nghiệp theo chiều thẳng đứng đã kéo những người anh em cùng vận hành công ty Giải pháp và công nghệ xanh đứng lên, và cả những người bạn ở làng quê ở Xoài Cà Nã không phải lên thành tìm việc, bất kể là việc gì, mà là tới đó để tạo những khoảng xanh trong lòng đô thị. Khoảng xanh đó bứt ách họ ra khỏi hai từ “quê mùa”.

Hoàng Lan - Khoa học phát triển