Thanh toán qua di động ngày càng tiện lợi
Cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh (smartphone), mọi người có thể thanh toán các loại dịch vụ như điện nước, nạp thẻ điện thoại, cước Internet, mua vé xem phim, mua sách hay trả tiền vé máy bay thật dễ dàng qua vài thao tác... Đó là điểm nổi bật của công nghệ thanh toán di động.
Dùng thay tiền mặt
Đến với Thành phố sách (Book City) phong cách châu Âu tại Vạn Hạnh Mall (quận 10, TPHCM), khách hàng không cần xếp hàng, không cần mang theo tiền mặt bởi có thể mua sách với hơn 100 đầu sách best-sellers của Phương Nam và mất khoảng vài giây cho việc thanh toán qua ứng dụng ZaloPay.
ZaloPay mới chính thức xuất hiện gần đây trên thị trường thanh toán di động. Ứng dụng này cho phép khách hàng thanh toán trực tuyến các loại hình dịch vụ internet, hóa đơn tiền điện, nạp tiền điện thoại thuê bao trả trước… Người dùng sau khi tải ứng dụng iTunes Store (đối với iPhone/iPad…) hoặc Google Play (thiết bị di động Android), chỉ cần đăng nhập bằng tài khoản Zalo là có thể tiến hành thanh toán.
Một công ty Việt khác cũng khá thành công với thanh toán qua di động là MoMo. Sự kiện gây chú ý gần đây nhất khi MoMo trở thành phương thức thanh toán chính của dịch vụ Uber tại Việt Nam.
Theo đó, hàng triệu hành khách Uber có thêm hình thức thanh toán mới qua MoMo được tích hợp sẵn trên ứng dụng Uber, bên cạnh việc sử dụng thẻ hay tiền mặt. Hay trước đó, MoMo hợp tác với hãng taxi Vinasun để đa dạng phương thức thanh toán tại hãng này. Và tất nhiên, MoMo cũng có đầy đủ các ứng dụng, dịch vụ thanh toán trực tuyến các loại hình dịch vụ internet, hóa đơn tiền điện, nạp tiền điện thoại cho thuê bao trả trước và thậm chí có thể vay tiền, trả tiền qua MoMo.
Còn nhiều “ví điện tử khác” mà người dùng có thể tận dụng thiết bị di động của mình để thanh toán. Gần đây còn có Samsung Pay và người dùng chỉ cần tích hợp Samsung Pay sẽ thanh toán được ở tất cả điểm chấp nhận thanh toán thẻ (cửa hàng có máy POS). Hiện tại, Samsung đang phối hợp với các ngân hàng, chuỗi bán lẻ, điểm dịch vụ để triển khai hướng dẫn sử dụng dịch vụ Samsung Pay cho nhân viên thu ngân.
Mở ra những giá trị mới
Dĩ nhiên, muốn thanh toán qua smartphone, người dùng phải tích hợp các loại thẻ ngân hàng hay tài khoản ngân hàng vào ứng dụng. Để làm được việc này, các công ty cung cấp ứng dụng thanh toán qua di động phải liên kết với ngân hàng và đảm bảo những thủ tục pháp lý cũng như bảo mật. Khi đó, người dùng chỉ cần vài thao tác đơn giản trên ứng dụng là hoàn thành “thủ tục” đăng ký và tiến hành sử dụng sau đó…
Thống kê năm 2017 cho thấy, tổng số thuê bao điện thoại ước tính đạt 134,8 triệu; tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số thuê bao di động đạt 129 triệu (tăng 6%)… Đây là một trong những yếu tố quan trọng để các ứng dụng thanh toán qua di động phát triển.
Thông tin từ Google APAC ghi nhận, Việt Nam là quốc gia đứng đầu về số lượng người dùng điện thoại di động. Đến năm 2020, cứ 10 người Việt sẽ có 8 người dùng điện thoại di động. Cùng với đó, xu hướng mua bán online, đặc biệt qua điện thoại di động và thanh toán qua di động đang ngày gia tăng ở Việt Nam.
Trước khi quyết định mua sắm, 70% người dùng sẽ lên mạng tìm kiếm thông tin, địa chỉ mua hàng; 66% người dùng nghiên cứu khoảng một ngày trước khi đi xem trực tiếp và 82% người vào điện thoại để quyết định mua gì, ngay khi đang ở trong cửa hàng… và trong đó không ít người thanh toán qua di động.
Còn số liệu của Công ty CP Giải pháp thanh toán Việt Nam (VnPay) cho thấy, từ đầu năm 2017 đến tháng 9-2017, thanh toán qua mã QR tăng 120%, số điểm giao dịch chấp nhận thanh toán mã QR tăng lên gần 5.000 điểm.
Dự báo đến hết năm 2018 sẽ là 50.000 điểm và hiện có 12 ngân hàng triển khai thanh toán bằng mã QR thông qua smartphone. Khi thanh toán di động phát triển mạnh mẽ và trở thành xu hướng, không chỉ làm thay đổi phương thức thanh toán mà còn tạo ra và thúc đẩy những mô hình kinh doanh mới.
Bá Tân - SGGP