Người trẻ thay đổi thế giới: Sáng chế mới trong y học

Mới đây, Phó giáo sư, tiến sĩ Thanh Nguyễn (33 tuổi) công bố một công trình nghiên cứu về vắc xin và thiết bị đo, kiểm soát những áp lực bên trong cơ thể con người, làm ngạc nhiên giới khoa học Mỹ.

TS Thanh Nguyễn (trái) trao đổi cùng đồng nghiệp

TS Thanh Nguyễn (trái) trao đổi cùng đồng nghiệp

Chỉ cần một lần tiêm vắc xin

Thanh Nguyễn tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa Hà Nội năm 2007. Năm 2008, anh nhận được học bổng tiến sĩ của Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF) của Mỹ tại Đại học Princeton. Năm 2013, Thanh Nguyễn tiếp tục nhận học bổng sau tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts.

Trong suốt quá trình này, Thanh Nguyễn tập trung nghiên cứu công nghệ chuyển đổi vật liệu dùng trong y học thành những dạng, cấu trúc giúp chúng mang một chức năng đặc biệt, sử dụng cho những ứng dụng khác nhau trong y và sinh học.

Tháng 9.2017, tiến sĩ Thanh Nguyễn và các cộng sự đã công bố thành công kết quả nghiên cứu công nghệ này, sử dụng trong vắc xin cho trẻ.

Công trình được đăng trên tạp chí Sience của Mỹ, một tạp chí khoa học hàng đầu thế giới, khiến cho các nhà khoa học Mỹ và các nước khác xôn xao. Có khoảng 50 hãng tin trên khắp thế giới, trong đó có BBC, Fox… viết về công trình này như một sáng chế cực kỳ mới mẻ góp phần làm thay đổi y học thế giới.

Tiến sĩ Thanh Nguyễn đã dùng vật liệu chỉ tự tiêu trong y học để làm ra một cái vỏ có thể bọc vắc xin lại, kiểm soát thời gian tự tiêu của vỏ bọc để thuốc có thể nhả ra trong một thời điểm thích hợp cụ thể. Công nghệ này giúp tất cả các loại vắc xin được lưu giữ trong một viên nang siêu nhỏ và chỉ cần một lần tiêm chích, không cần lặp lại nhiều lần như cách làm trước đây.

“Lần đầu tiên, chúng ta có thể tạo ra một thư viện các hạt vắc xin nhỏ, được bao bọc, được lập trình để phóng thích trong một thời gian chính xác và có thể dự đoán được, để mọi người chỉ cần một mũi tiêm duy nhất. Nó có ích cho bệnh nhân trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển”, BBC viết về nghiên cứu của Thanh Nguyễn.

Chế tạo mô nhân tạo từ vật liệu chỉ tự tiêu

Hiện tại, Thanh Nguyễn đang nghiên cứu và giảng dạy tại Khoa Kỹ thuật y sinh, Trường đại học Connecticut (Mỹ). Bên cạnh sáng chế trên, tiến sĩ Thanh Nguyễn đang tập trung vào việc phát triển thiết bị đo và kiểm soát những áp lực tại những bộ phận bị thương bên trong cơ thể con người, cũng từ vật liệu chỉ tự tiêu.

“Chẳng hạn một người bị chấn thương sọ não, lâu nay y học vẫn phải dùng các thiết bị y tế cồng kềnh, như ống thủy tinh, đặt vào não để kiểm soát áp lực. Điều này gây tổn hại rất lớn. Nay, mình và các cộng sự chế tạo ra một cảm biến để thực hiện chức năng này. Sau khi hoàn thành chức năng, nó sẽ tự tiêu chứ không cần lấy ra ngoài cơ thể nữa”, Thanh Nguyễn cho hay.

Trong thời gian tới, tiến sĩ Thanh Nguyễn sẽ chế tạo mô nhân tạo từ vật liệu chỉ tự tiêu để có thể thay thế, tái tạo những phần hư hỏng trong cơ thể. Ví dụ, công nghệ này có thể cấy xương nhân tạo vào phần xương bị gãy của một người bị tai nạn, giúp cho xương tự liền và khỏe mạnh trở lại.

Mỹ Quyên - Báo Thanh niên

Bài gốc