Bệnh viện đầu tiên ở phía Nam điều trị nhồi máu cơ tim bằng sóng xung kích


Ngày 16/7, Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM đã can thiệp điều trị cho 2 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim theo phương pháp sóng xung kích ngoài cơ thể (Cardiospec).

Bệnh nhân được điều trị bằng sóng xung kích sáng 16/7

Bệnh nhân được điều trị bằng sóng xung kích sáng 16/7

Đây là phương pháp hiện đại với nhiều ưu điểm vượt trội. Cho đến nay Bệnh viện Thống Nhất là bệnh viện đầu tiên tại khu vực phía Nam triển khai kỹ thuật này với 10 bệnh nhân được điều trị thành công. Trước đó, phương pháp đã được triển khai tại Bệnh viện 108 (Hà Nội) và Bệnh viện Trung ương Huế (Thừa Thiên – Huế).

Ông Mai Đức Chính (63 tuổi, ngụ TP.HCM), một trong 2 bệnh nhân được điều trị sáng 16/7 cho biết, ông bị nhồi máu cơ tim đã nhiều năm, được can thiệp nội mạch vành đặt stent từ tháng 12/2012. Sau khi đặt stent một thời gian, dù không xuất hiện cơn đau nhưng ông Chính luôn có cảm giác mệt mỏi, đặc biệt khi lên cầu thang.

Hơn 1 tháng trước, ông đến Bệnh viện Thống Nhất khám thì được các bác sĩ cho biết tình trạng của tim hiện nay đã suy kiệt, suy tim nhưng không thể can thiệp bằng các phương pháp ngoại khoa. Bệnh nhân được tư vấn sử dụng phương pháp Cardiospec, bắn xung vào vùng điều trị. Sau can thiệp, sức khỏe bệnh nhân đã cải thiện rõ rệt, không còn thở mệt như trước.

Theo BS Lê Quốc Hưng - Khoa Nội tim mạch, hiện nay có 3 phương pháp điều trị bệnh động mạch vành gồm: điều trị nội khoa (điều trị bằng thuốc thông thường và dùng thuốc tiêu sợi huyết); can thiệp động mạch vành qua da; mổ bắc cầu nối chủ vành. Tuy nhiên vẫn còn một tỷ lệ lớn bệnh nhân không thể đặt stent do tổn thương mạch vành phức tạp cũng như không thể phẫu thuật do tuổi cao và có các bệnh lý kèm theo.

Ngoài ra, dù đã được đặt stent hoặc mổ bắc cầu nối chủ vành thì vẫn có số lượng lớn bệnh nhân vẫn thiếu máu cơ tim và đau ngực. Phương pháp Cardiospec là phương pháp trị liệu với cách điều trị không xâm lấn sử dụng kỹ thuật sóng xung kích cho quá trình lưu thông động mạch vành ở cơ tim, không gây rối loạn nhịp tim, không tạo huyết khối trong buồng tim, có thể điều trị ngoại trú, không giới hạn số lần tái điều trị; không có tác dụng phụ nguy hiểm. Ghi nhận trên 10 bệnh nhân đã được triển khai cho thấy đều đạt hiệu quả cao, tăng cường tưới máu cơ tim, giảm mức độ và tần suất đau thắt ngực, gia tăng khả năng gắng sức.

Theo An Nhiên - Infonet

Bài gốc

Xem thêm