Nỗ lực xây dựng “Y tế thông minh” thật sự thông minh


Ngày 14/12, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội thảo Quốc tế Y tế thông minh tại TP.HCM.

IMG_32391.jpg

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm, cho biết, bên cạnh việc triển khai xây dựng nền tảng công nghệ cho đô thị thông minh, Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” của thành phố cũng tập trung thực hiện các giải pháp thông minh - những nhu cầu cấp thiết hiện nay của thành phố, trong đó có vấn đề y tế và sức khỏe người dân,…

Để thực hiện hiệu quả đề án trên, thời gian qua ngành y tế thành phố đã nỗ lực triển khai thực hiện các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khoẻ người dân tại thành phố và các tỉnh phía Nam, bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh trong tương lai. 

Ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh: “Hội thảo Quốc tế Y tế thông minh tại TP.HCM năm 2019 được tổ chức nhằm giúp ngành y tế thành phố tiếp cận các tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), nền tảng công nghệ mới trong lĩnh vực y học. Từ đó, hướng đến công tác quản lý, điều hành hoạt động, điều trị và chăm sóc bệnh nhân ngày càng tốt hơn của các bệnh viện và các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, đem lại sự hài lòng cho bệnh nhân. Hội thảo cũng là dịp để các chuyên gia y tế trong và ngoài nước giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm các ứng dụng CNTT vào hoạt động chăm sóc sức khoẻ người dân”. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm phát biểu khai mạc tại hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm phát biểu khai mạc tại hội nghị.

Chia sẻ về lộ trình xây dựng “Y tế thông minh” của ngành y tế TP.HCM, ông Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong thời gian qua ngành y tế thành phố đã triển khai nhiều ứng dụng thông minh như: Trung tâm điều hành cấp cứu thông minh của Trung tâm cấp cứu 115 TP; Phẫu thuật robot tại BV Bình Dân; BV số tại BV quận Thủ Đức; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật thần kinh tại BV Nhân dân 115; “vườn ươm sáng tạo” với hàng loạt sáng kiến ứng dụng CNTT trong hoạt động KCB, chăm sóc người bệnh của BV Quân dân y miền Đông… Những ứng dụng trên đã bước đầu mang lại nhiều hiệu quả đem đến sự hài lòng của người bệnh.

Ông Thượng chia sẻ, 4 nhóm hoạt động chính của ngành y tế thành phố khi xây dựng Y tế thông minh gồm: Xây dụng cơ sở dữ liệu của ngành Y tế, đồng thời đóng góp cho Big Data của thành phố; Triển khai các ứng dụng CNTT nhằm tăng thêm tiện ích cho người dân khi có nhu cầu chăm sóc sức khoẻ; Triển khai các ứng dụng CNTT trong công tác quản trị bệnh viện và quản lý chuyên môn góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện; Triển khai các ứng dụng CNTT trong công tác cải cách hành chính và quản lý ngành.

Hiện nay, các ứng dụng y tế thông minh tại TP.HCM mới chỉ dừng lại ở bước thí điểm khởi đầu. Để hướng đến một nền y tế thông minh toàn diện, theo lộ trình, trong thời gian tới ngành y tế thành phố hướng đến mục tiêu xây dựng hệ thống quản lý sức khoẻ người dân bằng hồ sơ sức khoẻ điện tử (EHR) tại các trạm y tế xã, phường và trung tâm y tế quận, huyện. Song song đó, các bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh quản lý người bệnh bằng bệnh án điện tử.

Trung tâm Cấp cứu 115 TP điều phối các trạm cấp cứu vệ tinh bằng hệ thống điều phối cấp cứu thông minh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) ứng dụng công nghệ thông tin giúp phát hiện và can thiệp kịp thời ngăn chặn dịch bệnh, bệnh không lây nhiễm… Riêng Sở Y tế TP.CHM chịu trách nhiệm xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế, xây dựng các ứng dụng sử dụng dữ liệu lớn phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế (nhân sự, dự báo, giám sát, điều phối, can thiệp). 

Hội thảo thu hút gần 300 đại biểu là các cán bộ y tế, chuyên gia y tế trong và ngoài nước. Sau phiên khai mạc, các đại biểu chuyên gia y tế trong và ngoài nước đã giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm các ứng dụng CNTT vào hoạt động chăm sóc sức khoẻ người dân.

Tại đây, nhiều ứng dụng sáng tạo thông minh tại các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được giới thiệu rộng rãi như: Ứng dụng “Teleconsultation” để kết nối các bác sĩ chăm sóc ban đầu tại TYT với bác sĩ chuyên khoa tại các bệnh viện tuyến cuối trên đại bàn thành phố; Hệ thống cảnh báo nguy cơ dinh dưỡng để can thiệp sớm tại BV Chợ Rẫy; Hệ thống phản ứng khẩn cấp giải quyết sự cố an ninh, trật tự trong bệnh viện của BV Nhân dân Gia Định...

Lam Ngọc


Xem thêm