Câu chuyện kinh doanh "Nữ tướng" Endeavor Việt Nam: Nếu nỗ lực, tất cả phụ nữ đều có thể làm nên chuyện
Sau 2 năm trong vai trò xây dựng mạng lưới doanh nhân hỗ trợ nhau tại Việt Nam, chị Nguyễn Lan Anh, giám đốc điều hành Endeavor Việt Nam cho rằng làm công việc gì mà dám dấn thân thì cũng sẽ đến đích.
Lần phỏng vấn gần nhất của chúng tôi với chị Nguyễn Lan Anh là vào dịp 8/3/2019, tức cách đây tròn 2 năm. Lúc đó, chị đang trong những tháng đầu tiên gầy dựng Endeavor tại Việt Nam. Lúc đó Endeavor còn chưa có văn phòng đại diện chính thức và tất cả nhân viên đều đến làm việc tại nhà của chị Nguyễn Lan Anh.
Trước đó, chị đã thành công trong việc xây dựng Forbes trở thành một tạp chí về kinh tế uy tín tại Việt Nam; nhưng chưa có gì có thể bảo đảm chị có thể biến Endeavor thành một tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp hiệu quả tại Việt Nam.
"Nhiều người cho rằng, tôi rời Forbes để nhận trách nhiệm tại Endeavor Việt Nam là đang ‘bước ra khỏi vùng an toàn’. Bản thân tôi thì không nghĩ vậy, vì dù sao công việc mới vẫn ở trong lĩnh vực mà tôi có nhiều hiểu biết cũng như mối quan hệ. Nhưng nếu xét kỹ, quả thật nó cũng có một chút mạo hiểm.
Lúc đó, tôi đã có chút thành tựu ở lĩnh vực báo chí và công việc cũng không có nhiều thách thức. Qua Endeavor, tức là tôi lại sẽ bắt đầu với rất nhiều công việc trước đó tôi chưa từng làm như đi tìm startup tiềm năng đủ chuẩn vào hệ thống Endeavor toàn cầu, thuyết phục các anh chị doanh nhân lớn tham gia mạng lưới mentor, kết nối nguồn lực Endeavor quốc tế để các startup Việt có thể sử dụng.
Cùng với đó, tôi cũng phải học tập thêm nhiều kiến thức mới về các mô hình kinh doanh mới, về công nghệ, về quản trị… nhằm điều hành tổ chức cũng như có hiểu biết sâu sắc về các startup Việt Nam hơn nữa," chị Nguyễn Lan Anh – Giám đốc điều hành Endeavor Việt Nam hồi tưởng.
Khi được hỏi về chia sẻ với phụ nữ nhân ngày 8/3, chị cho rằng phụ nữ có thể thực hiện được bất kỳ điều gì họ muốn nếu họ bỏ công sức và có đam mê. Theo chị Nguyễn Lan Anh, mỗi người phụ nữ đều có tài năng riêng và có thể làm được tất cả những việc mà đàn ông có thể. Trong vài lĩnh vực, phụ nữ còn có lợi thế hơn đàn ông và ngược lại.
Mặc dù trong 2 năm qua, không phải tất cả mục tiêu đặt ra đều được Endeavor Việt Nam hoàn thành, nhưng đội ngũ của họ cũng đã đi được một chặng đường đáng kể với những gì đã đạt được như: giới thiệu thành công 7 công ty khởi nghiệp Việt Nam cho hệ thống Endeavor toàn cầu, tuyển được chừng đó công ty vào mạng lưới trong nước để hỗ trợ và đưa họ đi tiếp; xây dựng được Hội đồng cố vấn gồm gần 40 doanh nhân hàng đầu Việt Nam, hỗ trợ được khoảng 250 startup ở Việt Nam.
Với tư duy ‘đi thì sẽ đến’, chị Nguyễn Lan Anh không còn quá lo lắng trước rất nhiều thử thách trong năm 2021: như hệ thống Endeavor nâng chuẩn tuyển dụng, tổ chức Chương trình tăng tốc cho các thành viên cho đội startup đã tiệm cận tiêu chuẩn, thành lập mạng lưới nhân tài công nghệ C-level cho Việt Nam (Vietnam Tech Talent Network), tổ chức các buổi nói chuyện giúp xây dựng kiến thức và kỹ năng cho cộng đồng khởi nghiệp.
Sau năm đầu tiên, startup Việt đã hết "trái cây chín sẵn"
Một trong những mối lo hàng đầu của chị Nguyễn Lan Anh trong lần phỏng vấn cách đây 2 năm chính là ‘khó tìm các startup đạt chuẩn tại Việt Nam để đưa vào mạng lưới toàn cầu của Endeavor".
Mặc dù Endeavor không đề ra bất cứ con số hoặc chỉ tiêu tài chính gì cụ thể cho các startup, nhưng do một trong những sứ mệnh quan trọng của Endeavor là "hỗ trợ các startup nhanh chóng quy mô hóa," nên tất nhiêu doanh thu của các ứng cử viên phải thật sự đáng kể - tăng trưởng doanh thu mỗi năm trên 25%. Mà nhìn thị trường khởi nghiệp, startup đạt tất cả tiêu chuẩn của Endeavor quá ít.
"KPI quan trọng mỗi năm của team Endeavor Việt Nam chính là có nhiều doanh nhân thành công vượt qua vòng tuyển chọn toàn cầu của Endeavor. Trong năm 2019, chúng tôi có 4 gương mặt đã "vượt được vũ môn" là The Coffee House, Giao Hàng Nhanh, Topica và Ecomobi; nên năm 2020, dù Covid-19, song chúng tôi vẫn tiếp tục đặt mục tiêu như thế. Kết quả: chỉ có 3 trong 5 ứng viên mà chúng tôi giới thiệu thành công: ELSA, NextPay và Trusting Social.
Với năm 2019, 4 cái tên được kể trên được chúng tôi xem là ‘trái cây đã chín’ và chúng tôi chỉ cần đến hái, bởi cả bốn đều là những công ty khởi nghiệp nổi bật vượt trội trên thị trường thời điểm đó. Nhưng càng ngày thì càng khó hơn, nhất là khi tiêu chuẩn lựa chọn mà Endeavor đặt ra ngày càng cao. Việc tuyển chọn trực tuyến cũng khiến các founder Việt không thể hiện được hết những khía cạnh của bản thân cho Ban giám khảo thấy," chị Nguyễn Lan Anh cho hay.
Hiện nay, các công ty trong mạng lưới Endeavor như Giao Hàng Nhanh, The Coffee House, Ecomobi… đều phát triển tốt dù trải qua một năm khó khăn vì Covid -19. Endeavor là hệ sinh thái hỗ trợ startup tăng tốc toàn diện, họ xem trọng cả con người – nhà sáng lập lẫn doanh nghiệp. Thế nên, sau khi Nguyễn Hải Ninh rời The Coffee House hay Nguyễn Trần Thi không còn đồng hành cùng Giao Hàng Nhanh; cả hai vẫn tiếp tục được Endeavor Việt Nam hỗ trợ.
40 lãnh đạo doanh nghiệp top đầu sẵn sàng hỗ trợ
Tuy nhiên, việc tìm startup đạt chuẩn cho hệ thống Endeavor quốc tế không phải là thành tựu duy nhất của Endeavor Việt Nam trong suốt 2 năm qua. Chị Lan Anh cho rằng nhiệm vụ chính của Endeavor là việc xây dựng văn hóa hỗ trợ nhau trong doanh nhân, từ việc hình thành mạng lưới này.
"Một thách thức lớn nữa với tôi chính là thuyết phục các anh chị doanh nhân lớn ở Việt Nam tham gia vào Hội đồng cố vấn của Endeavor Việt Nam. Thường những anh chị lớn rất bận rộn bởi ngoài công việc ở các Tập đoàn họ còn gia đình – bạn bè và công việc xã hội. Tôi nghĩ, chính văn hóa ‘đáp đền tiếp nối – pay it forward’ của Endeavor là điều đã khiến các anh chị gật đầu’.
‘Đáp đền tiếp nối’ trong Endeavor không chỉ được thực hành bởi các cố vấn đã thành công mà còn với các lãnh đạo trẻ. Có thể nói, chính nền tảng văn hóa này đã khiến Endeavor khác biệt so với những tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp khác.
Một khi đã đồng ý trở thành một phần Endeavor Việt Nam, cả mentor lẫn các lãnh đạo trẻ đều có tâm ý hỗ trợ cộng đồng hết mức có thể - không chỉ chia sẻ kinh nghiệm thành công mà cả thất bại và cả những mối quan hệ - nguồn nhân lực", chị Nguyễn Lan Anh kể.
Hiện Hội đồng cố vấn của Endeavor Việt Nam có khoảng 40 doanh nhân đang lãnh đạo những doanh nghiệp top đầu nhiều ngành nghề tại Việt Nam như: bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch REE Corp, ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch tập đoàn Thiên Minh, ông Nguyễn Viết Quang – CEO VinGroup, ông Đinh Anh Huân – Chủ tịch Seedcom, bà Trần Thị Lệ - CEO NutiFood… Trong 2 năm, Hội đồng cố vấn Endeavor Việt Nam đã thực hiện hơn 150 giờ mentor.
Ngoài ra, trong năm 2020, Endeavor Việt Nam cũng đã hỗ trợ rất nhiều startup Việt Nam khác – ngoài những 7 cái tên nằm trong hệ thống quốc tế. Bất cứ startup nào đến liên hệ với Endeavor Việt Nam hoặc được họ tuyển chọn vòng sơ loại đều được hỗ trợ bằng các giờ cố vấn, các nguồn lực về kiến thức, mối quan hệ trong nước và quốc tế… ; hỗ trợ founder phát triển bản thân và doanh nghiệp lớn nhanh hơn.
Chúng tôi không thể ngồi đợi hái quả, mà phải tác động để trái cây nhanh chín
Endeavor càng ngày càng nâng cao tiêu chuẩn chọn doanh nghiệp vào mạng lưới. Theo chị Nguyễn Lan Anh, sau khi Endeavor thuê Bain làm một cuộc nghiên cứu về các công ty trong mạng lưới Endeavor toàn cầu, kết quả cho thấy: chỉ những startup đã bước vào giai đoạn tăng tốc, có khả năng quy mô hóa và có quy mô lớn thì mới tạo ra tác động xã hội lớn; nên Endeavor đã quyết định tăng độ khó các tiêu chuẩn tuyển chọn doanh nhân từ năm 2020.
Trước thực tế tại thị trường Việt Nam: hầu hết công ty startup vẫn đang ở giai đoạn đầu; nên Endeavor Việt Nam đang tìm những giải pháp linh hoạt cho thách thức này. Năm nay, họ sẽ lần đầu tiên tổ chức Chương trình Quy Mô Hóa (Scale up) cho các startup Việt Nam mà họ xét thấy đã tiệm cận với giai đoạn quy mô hóa, giúp họ trang bị các kiến thức, kỹ năng giải quyết vấn để, đẩy nhanh tốc độ phát triển doanh nghiệp.
Nói như chị Lan Anh, bây giờ, Endeavor Việt Nam không thể chỉ ngồi đợi ‘trái tự chín’, mà phải tham gia hỗ trợ các doanh nhân từ sớm hơn.
Một chương trình phụ bổ trợ cho Chương trình chính nói trên sẽ là mạng lưới tài năng C-level về công nghệ cho các startup Việt Nam.
"Vấn đề chung của các startup là thiếu tài năng trình độ cao về công nghệ. Mặc dù tài năng công nghệ tại Việt Nam dồi dào nhất Đông Nam Á, song hầu hết chỉ giỏi gia công – lập trình theo những yêu cầu có sẵn hoặc được thuê; còn khả năng làm sản phẩm hoặc quản lý còn kém. Thế nên, tại Việt Nam, nhân lực cấp cao C-level như CIO hay CTO khá khan hiếm.
Nhân tài công nghệ C-level trong mạng lưới mà chúng tôi xây dựng có thể đến từ Việt Nam, Đông Nam Á, châu Á và cả tài năng Việt ở châu Âu – Bắc Mỹ. Trước mắt, mạng lưới này nhằm để phục vụ cho các startup Việt", cựu lãnh đạo Forbes Việt Nam nêu cụ thể.
Hiện tại, Văn Đinh Hồng Vũ – Founder kiêm CEO ELSA là nữ lãnh đạo duy nhất của các startup trong hệ thống toàn cầu tại Việt Nam; thế nên, chị Nguyễn Lan Anh mong muốn được hỗ trợ nhiều các founder – CEO nữ Việt Nam hơn trong năm nay.
Quỳnh Như - Ảnh: Maika Elan