Ngày quốc tế phụ nữ 08/03 và dự án “bình đẳng giới và giá trị mang lại” tại Việt Nam

   

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 08/03, xin trân trọng gởi đến toàn thể các em học viên nữ thân yêu của tôi, các bà mẹ, các chị, các em gái trên khắp mọi miền đất nước… lời cám ơn chân thành và lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc những người phụ nữ đáng yêu đang góp phần làm đẹp cho đời luôn luôn tỏa sáng rực rỡ, an lành, hạnh phúc, và thành công cùng với ước mong xã hội sẽ dành cho họ một vị trí xứng đáng hơn là mỗi năm chỉ có một ngày 08/03.

1.jpg

Theo báo cáo nghiên cứu của ILO về “Con đường dẫn đến thành công: Phụ nữ trong kinh doanh và quản lý tại Việt Nam” đã đề cao vai trò ngày càng quan trọng của phụ nữ trong việc đóng góp mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và doanh nghiệp. Vì vậy, bình đẳng giới được đánh giá là một chiến lược kinh doanh thông minh, giúp gia tăng lợi nhuận, năng suất, giữ chân nhân tài và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.

Một tín hiệu đáng mừng là phụ nữ Việt Nam ngày nay đang được chuẩn bị tốt hơn để đảm nhận những vị trí quản lý lãnh đạo trong các tổ chức và doanh nghiệp. Bà Valentina Barcucci, chuyên gia Kinh tế Lao động của ILO, cho biết. “Trong số những phụ nữ đang tham gia thị trường lao động, 10% đã tốt nghiệp đại học, trong khi tỷ lệ này của nam giới chỉ là 5%. Hiện tỷ lệ phụ nữ trong các ngành Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ và Toán học (STEM) là 37% và tỷ lệ này vẫn tiếp tục tăng lên.”

Thực trạng này cho thấy tỉ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí quản lý vẫn còn khá thấp và tỷ lệ này càng giảm ở các cấp bậc quản lý cấp cao và lãnh đạo mà chúng ta phải sử dụng một thuật ngữ để đặt tên cho hiện tượng này là “Leaky pipeline” (tạm dịch là “đường ống bị rò rỉ”). Trong số các doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam, 63% trả lời rằng công ty có phụ nữ tham gia cấp quản lý giám sát, 73% xác nhận rằng họ có phụ nữ tham gia quản lý cấp trung nhưng chỉ có 15% trả lời rằng có phụ nữ tham gia cấp quản lý, điều hành cao nhất.Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải đạt được một tỷ lệ lãnh đạo nữ cao hơn nữa thì mới có thể tận dụng được các lợi ích từ môi trường đa dạng giới.

Báo cáo cũng cho thấy sự phát triển và thăng tiến trong sự nghiệp của phụ nữ ở Việt Nam vẫn còn bị ảnh hưởng bởi định kiến giới - rào cản đối với phụ nữ khi họ phấn đấu nắm giữ các vị trí lãnh đạo. Kết quả nghiên cứu chỉ ra số liệu minh họa cho định kiến này: 54% số người trả lời phỏng vấn đồng tình với quan điểm rằng phụ nữ với kỹ năng và trình độ tương đương với nam giới khó được đề bạt hay bổ nhiệm lên cấp quản lý cao nhất hơn so với nam giới. Ngoài ra, như là một thiên kiến trong văn hóa Á Đông đã ‘ưu ái’ giao phó cho phụ nữ phải dành nhiều thời gian trung bình gấp đôi so với nam giới để làm những công việc gia đình mà không được trả lương, trong khi thời gian làm việc ngoài xã hội cũng tương đương với nam giới. Đó cũng là một hạn chế lớn khiến cho phụ nữ khó có thể theo đuổi trọn vẹn được sự nghiệp của mình.

2.jpg

Cơ duyên đã mang tôi đến với dự án “Bình đẳng giới và Giá trị mang lại” (Gender Equality and Returns) - một chương trình tư vấn đào tạo kỹ thuật, nâng cao năng lực quản lý sản xuất dành riêng cho nữ giới đang làm việc trong các nhà máy may mặc để nắm giữ các vị trí cấp cao hơn, đồng thời góp phần nâng cao năng suất cho các chuyền sản xuất.

Các nữ quản lý tương lai sẽ nắm bắt được các kỹ năng mềm và kiến thức kỹ thuật cần thiết để sẵn sàng đảm nhận vai trò quản lý chuyền sản xuất. Hành trình GEAR có xuất phát điểm là giai đoạn thí điểm tại 28 nhà máy ở Bangladesh và tiếp tục triển khai qua 3 giai đoạn với 15 nhà máy tại Việt Nam, trong đó có sự điều chỉnh mô hình, nội dung phù hợp để đáp ứng với bối cảnh doanh nghiệp, trình độ phát triển và văn hóa Việt Nam. Không chỉ đào tạo lý thuyết thuần túy, chúng tôi – trong vai trò nhà tư vấn của chương trình còn đồng hành với các học viên nữ trong việc theo dõi và hỗ trợ, huấn luyện thực hành những cải tiến thực chất tại hiện trường sản xuất.

Sau 6 tháng tham gia chương trình, sự cải thiện về các chỉ số KPIs như hiệu suất chuyền, chất lượng, mức độ đa kỹ năng, số lượng dự án cải tiến, lộ trình thăng tiến… thật sự ấn tượng đã chứng minh rằng cách thức tiếp cận cũng như đặt niềm tin vào việc phát triển năng lực cho quản lý nữ là hoàn toàn đúng đắn. Đây chính là cơ sở để GEAR đang được tiếp tục nghiên cứu, triển khai mở rộng cho nhiều ngành nghề khác tại nhiều quốc gia khác, kỳ vọng mở ra nhiều hơn nữa cơ hội thăng tiến cho phụ nữ, xứng đáng với vai trò và vị thế của họ trong một xã hội hiện đại.

Được đi, cảm nhận, yêu thương và lan tỏa kiến thức, chúng tôi càng trân trọng hơn tính nhân văn của chương trình. Cho dù đang là đơn vị chuyên nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong công tác đào tạo tư vấn về năng suất, chất lượng, cải tiến, đổi mới sáng tạo… cho các đối tác quốc tế và nhãn hàng lớn, việc công ty tư vấn Kim Đăng được IFC, ILO và Better Work tin tưởng trao cho trọng trách là nhà đào tạo tư vấn chính và duy nhất cho cả 3 giai đoạn này là một niềm tự hào vô cùng to lớn.

Đặc biệt chúng tôi cảm nhận sâu sắc vai trò và trách nhiệm của mình khi được đồng hành và chia sẻ những khó khăn, thách thức với các doanh nghiệp trước những tác động khủng khiếp của cơn đại dịch COVID-19. Không chỉ đơn thuần là công việc, chúng tôi vui, buồn, trăn trở cùng với những dòng tin nhắn, câu hỏi, báo cáo, và sự trưởng thành của các bạn! Từ những ngày đầu chập chững bước chân ra khỏi tỉnh nhà lên “thành phố”, chỉ sau buổi sáng khai giảng còn bỡ ngỡ, các bạn đã hòa nhập rất nhanh, trở nên những con người năng động, sáng tạo và tự tin hơn rất nhiều.

Phương pháp đào tạo chủ động với những hoạt động tương tác, tích cực, kích thích tính sáng tạo, hiệu ứng âm thanh, hình ảnh, công cụ trực quan, minh họa mô phỏng, các trò chơi từ "dân gian" cho đến công nghệ… luôn luôn thú vị, hấp dẫn, mang lại cho học viên sự vui vẻ hoạt náo, tập trung chú ý cũng như tiếp nhận tri thức mới một cách dễ dàng và chủ động hơn. Như tâm sự của các em học viên trước khi chia tay: “Em mong ước khóa học được kéo dài thêm để chúng em có thể học hỏi được nhiều hơn”, “Giá như chúng em được học chương trình này cách đây 5 năm”, “Em ước mong tất cả các chuyền trưởng đều được tham gia chương trình ý nghĩa này”, “Chương trình đã giúp chúng em tự tin hơn vào bản thân mình sẽ trở thành một chuyền trưởng giỏi trong tương lai”, “Một chương trình đào tạo xuất sắc, hoàn toàn hữu ích và thiết thực cho các cấp quản lý”…

Tiếp tục đồng hành với các bạn trong giai đoạn M&E sau đào tạo, chúng tôi tin rằng đó là những chia sẻ chân tình! Dõi theo từng bước chân, chứng kiến sự trưởng thành của các bạn qua việc vận dụng hiệu quả kiến thức của chương trình vào tình hình thực tế đầy biến động, qua từng ý tưởng cải tiến Kaizen và chỉ số KPIs… Chính các bạn - những đại diện ưu tú đầu tiên cho gần 400 nhà máy tham gia chương trình Better Work - đã và đang chứng minh vai trò ưu việt của nữ giới trong ngành dệt may, đáp ứng được kỳ vọng theo như ý nghĩa của tên chương trình: “GEAR - Bình đẳng giới và giá trị mang lại”.   

Screenshot_2020-09-25+Th%C6%B0+g%E1%BB%9Fi+c%C3%A1c+th%E1%BA%BF+h%E1%BB%87+Baby+Boomers%2C+X%2C+Y+v%C3%A0+Z+trong+m%C3%B9a+COVID-19+%E2%80%94+S%E1%BB%9F+Khoa+h%E1%BB%8Dc+v%C3%A0+C%C3%B4ng+ngh%E1%BB%87+Th%C3%A0nh+ph%E1%BB%91+H%E1%BB%93%5B...%5D.jpg

Nguyễn Viết Đăng Khoa

Ông Nguyễn Viết Đăng Khoa là nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Kim Đăng.

Ông có 28 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm nghiệm hóa phân tích, quản trị chất lượng, sản xuất, kỹ thuật, R&D, IE, quản lý chuỗi cung ứng và Logistics, Kaizen, BPI/ tối ưu hóa hệ thống vận hành và quy trình, quản lý dự án, TWI (hướng dẫn đào tạo công việc trong các ngành công nghiệp bao gồm JI, JM và JR)…