Nguyên liệu từ ngô, khoai - Bước đột phá trong công nghệ in 3D
Tại triển lãm hàng tiêu dùng "Made in Changwon" đang diễn ra tại Hàn Quốc, các công ty tiên phong trong lĩnh vực công nghệ in 3D của quốc gia này đã trình diễn những sáng tạo thú vị trong lĩnh vực không phải quá mới mẻ nhưng vẫn còn khá sơ khai..
Sáng tạo đầu tiên phải kể đến là việc đa dạng hóa các nguồn "mực" in, hay nói chính xác hơn là các nguồn nguyên liệu đầu vào cho các thành phẩm.
Nếu như trong những giai đoạn đầu tiên, nguồn nguyên liệu chủ yếu hình thành lên sản phẩm sau quá trình in 3D là các loại nhựa tổng hợp với độ cứng khác nhau thì nay ngay cả hỗn hợp bột ngô và bột khoai cũng đã được sử dụng.
DaegunTech Co., LTD chính là công ty giới thiệu loại nguyên liệu mới này - với tên gọi là nhựa PLA. Theo đại diện của DaegunTech, việc sử dụng nguyên liệu với thành phần chủ yếu là hỗn hợp bột ngô và bột khoai bắt nguồn từ nhu cầu sản xuất các sản phẩm in 3D không độc hại có thể ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục, nơi mà trẻ em là đối tượng tiếp xúc nhiều nhất với sản phẩm.
Những sản phẩm làm từ nguyên liệu PLA được nhà sản xuất khẳng định là bảo đảm các yếu tố cần thiết về chất lượng, độ bền, độ cứng theo đúng yêu cầu kỹ thuật.
Không chỉ có ngô khoai, một nguồn nguyên liệu đầu vào khá đặc biệt nữa được Daegun giới thiệu chính là nguyên liệu "kim loại tự tiêu." Đây là một nguyên liệu kim loại tổng hợp, có đặc tính tự tiêu trong một khoảng thời gian nhất định.
Các sản phẩm in 3D làm tự kim loại tự tiêu sẽ được sử dụng để tạo nên các thiết bị thiết bị cấy ghép vào cơ thể con người nhằm cố định các bộ phận bị gãy, chẳng hạn như gãy xương.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giúp bộ phận cơ thể lành trở lại, các thiết bị này sẽ tự tiêu và bệnh nhân không cần tiến hành thêm một ca phẫu thuật khác để lấy thiết bị ra.
Ngoài đột phá về nguyên liệu đầu vào, các nhà sản xuất các thiết bị in 3D của Hàn Quốc cũng đang tạo ra một cuộc cách mạng về kích thước. Trong số các công ty về công nghệ in 3D có mặt tại triển lãm, công ty Sunjin Technology đã mang tới các mẫu máy có kích thước to hơn cả.
Sunjin Technology cho biết bên cạnh những mẫu sản phẩm mang tới triển lãm, công ty còn sản xuất những chiếc máy in 3D có khả năng tạo các thành phẩm có kích thước mỗi chiều hơn 4m.
Tuy nhiên, nguyên liệu đầu vào và kích thước không phải là những yếu tố duy nhất thu hút sự chú ý của những người quan tâm tới công nghệ in 3D.
Khả năng ứng dụng thực tiễn của các sản phẩm in 3D được giới thiệu tại triển lãm cũng rất đa dạng từ việc sử dụng như những sản phẩm trang trí, cho tới các thiết bị giáo dục hay các thiết bị y tế và thậm chí là tạo ra các bộ phận nhân tạo thay thế cho các bộ phận cơ thể con người như sọ não, xương sống.
Thậm chí, công nghệ in 3D đã "len lỏi" được vào ngành công nghiệp hàng không khi các công ty tại triển lãm đã sản xuất được các linh kiện dùng trong máy bay.
Các nhà sản xuất các thiết bị công nghiệp, máy móc cũng đang hết sức chú ý tới khả năng ứng dụng công nghệ in 3D bởi công nghệ này có khả năng tại ra các mẫu thiết bị thử nghiệm với chi phí thấp.
Hãy thử tưởng tượng khi một nhà sản xuất muốn sản xuất một chi tiết máy móc, việc đầu tiên là phải sản xuất sản phẩm thử nghiệm. Thay vì phải đầu tư cả dây chuyền thiết bị cồng kềnh để sản xuất được một sản phẩm thử nghiệm, các nhà sản xuất công nghiệp có thể sử dụng máy in 3D để tạo ra một sản phẩm mẫu trước khi sản xuất đại trà.
Công nghệ điều khiển những chiếc máy in 3D cũng đang trong quá trình cải tiến. Người dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc điều khiển hoạt động của máy in 3D.
Ngoài kết nối trực tiếp bằng dây dẫn, các máy in có thể hoạt động nhờ các ứng dụng trên máy tính hoặc thiết bị di động thông qua kết nối bluetooth hay chỉ đơn giản là sao chép file sản phẩm ra thẻ nhớ và các máy in sẽ có khả năng đọc được các thẻ nhớ này.
Đào Lâm - Vietnamplus