4 lĩnh vực cung cấp dịch vụ công online cho người dân, doanh nghiệp đạt hiệu quả cao
Theo Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), Bảo hiểm xã hội, Thuế, Hải quan và Đăng ký doanh nghiệp là những lĩnh vực trong năm 2017 vừa qua đã có kết quả nổi bật, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 đạt hiệu quả cao, lượng hồ sơ xử lý trực tuyến lớn.
Hơn 33.000 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 đã được cung cấp
Tại phiên họp quý I/2018 của Ban điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước mới đây, đại diện Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), cơ quan thường trực Ban điều hành đã thông tin về tình hình ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử năm 2017.
Theo đó, trong năm 2017 vừa qua, hoạt động ứng dụng CNTT tại các Bộ, ngành, địa phương đã mang lại những kết quả nhất định như: tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước thông qua các Trang/Cổng thông tin điện tử; tăng năng suất, hiệu quả lao động của cán bộ, công chức và hiệu lực công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả công tác giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp; từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của các cơ quan nhà nước.
Trong thời gian qua, ứng dụng CNTT cũng đem lại hiệu quả rõ rệt trong công tác điều hành, quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thể hiện ở một số lĩnh vực, điển hình như: xử lý văn bản hành chính tại các cấp từ Trung ương đến cấp xã; quản lý ngân sách, kho bạc; hải quan điện tử, quản lý, kê khai và nộp thuế; đăng ký thành lập doanh nghiệp; cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tham gia xuất nhập khẩu; cấp giấy phép lái xe, quản lý hộ tịch, hộ khẩu…
Đề cập đến kết quả cụ thể của việc cải thiện chỉ số về dịch vụ công trực tuyến (OSI) – chỉ số thành phần của Chỉ số Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc, số liệu thống kê của Cục Tin học hóa cho hay, hiện nay, tất cả 30/30 cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Trang/Cổng thông tin điện tử.
Các Trang/Cổng thông tin điện tử cơ bản đã công bố, cập nhật kịp thời các thông tin hoạt động chỉ đạo, điều hành, các văn bản pháp luật của các cơ quan nhà nước, thông tin về thủ tục hành chính và các nội dung khác theo quy định tại Nghị định 43 ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên Trang/Cổng thông tin điện tử.
Số liệu cập nhật tình hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, ngành, địa phương hết năm 2017 cho thấy, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các Bộ, ngành cung cấp là 1.357 dịch vụ, trong đó có 459 dịch vụ công trực tuyến mức 4 (mức cao nhất, hoàn toàn được thực hiện trên môi trường mạng - PV); các tỉnh, thành phố đã cung cấp tổng số 31.659 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4, trong đó số dịch vụ công trực tuyến mức 4 là 3.821 dịch vụ.
Cũng theo Cục Tin học hóa, năm qua, việc cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt hiệu quả cao như: dịch vụ kê khai thuế và nộp thuế qua mạng do Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính cung cấp; các dịch vụ hải quan điện tử do Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính cung cấp; các dịch vụ của ngành Bảo hiểm xã hội; dịch vụ đăng ký kinh doanh do Bộ KH&ĐT cung cấp; các dịch vụ về hộ tịch của ngành Tư pháp; dịch vụ cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế cung cấp; dịch vụ cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa do Bộ Công Thương cung cấp; các dịch vụ cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện đối với đài vô tuyến điện, đài vệ tinh trái đất, đài truyền thanh không dây, dịch vụ thông báo sử dụng tên miền quốc tế, đăng ký tên miền tiếng Việt do Bộ TT&TT cung cấp…
4 lĩnh vực tiêu biểu về cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Đáng chú ý, Cục Tin hóa hóa đã điểm lại một số kết quả điển hình trong 4 lĩnh vực đã cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt hiệu quả cao, gồm: Bảo hiểm xã hội, Thuế, Hải quan và Đăng ký kinh doanh.
Cụ thể, với lĩnh vực Bảo hiểm xã hội, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính để tham gia và hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế của các đơn vị, doanh nghiệp đã giảm 290 giờ (khoảng 75% thời gian), từ 335 giờ/năm xuống còn 45 giờ/năm.
Ở lĩnh vực Thuế, đã thực hiện khai, nộp thuế qua mạng. Số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là trên 518.000 doanh nghiệp trong tổng số 534.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ trên 95%.
Cùng với đó, Tổng cục Thuế đã triển khai ứng dụng hoàn thuế điện tử từ ngày 15/5/2017 trên toàn quốc; đã có 1.344 doanh nghiệp kê khai hoàn thuế điện tử với tổng số 3.117 hồ sơ được tiếp nhận và tổng số tiền đề nghị hoàn thuế là hơn 17,1 nghìn tỉ đồng.
Đối với lĩnh vực Hải quan, đã triển khai, đưa vào sử dụng hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS tại 100% các Cục, Chi cục Hải quan cả nước để thực hiện thông quan điện tử, giảm thời gian thông quan hàng hóa. Hiện nay tổng số doanh nghiệp đã tham gia hệ thống VNACCS/VCIS là khoảng hơn 80.000 doanh nghiệp.
Còn trong lĩnh vực Đăng ký kinh doanh, ngành KH&ĐT đã triển khai cho đăng ký doanh nghiệp qua mạng, với tỷ lệ đăng ký cả nước đạt 44,7%; TP.HCM đạt 57,48%; Hà Nội đạt 68,9%. Về tỷ lệ đăng ký đầu tư qua mạng điện tử, đã có 8.953 hồ sơ đăng ký đầu tư, trong đó số hồ sơ kê khai qua mạng là 3.493 hồ sơ, đạt tỷ lệ 39%.
Tuy nhiên, trong thông tin về kết quả ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử năm 2017, Cục Tin hóa cũng chỉ rõ, ứng dụng CNTT trong xây dựng Chính phủ điện tử vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, mới chỉ phát huy hiệu quả ở một số ngành, lĩnh vực; phát triển còn rời rạc, chưa tạo thành hệ thống Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử thông suốt giữa các ngành, các cấp; thông tin, dữ liệu còn cục bộ từng ngành, lĩnh vực, các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia còn chậm triển khai…
Đặc biệt là, việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức cao vẫn còn hạn chế, nhiều dịch vụ công trực tuyến đã triển khai nhưng chưa phát sinh hoặc phát sinh rất ít hồ sơ xử lý trực tuyến.
M.T - ICTNews