Những sáng tạo tiện ích của nông dân
Để đáp ứng nhu cầu đồng áng, anh Trần Đình Lai đã mày mò sáng chế ra nhiều loại máy hữu ích, giúp nông dân giảm bớt sức lao động nhưng lại đạt hiệu quả cao. Trong khi đó, vợ chồng chị Lê Thị Tám lại thành công với mô hình sản xuất rau sạch theo phương pháp thủy canh công nghệ cao, có thể ăn ngay tại vườn.
Biến vỏ trấu thành củi
Tốt nghiệp ngành cơ khí Trường Trung cấp Công nghiệp Huế, anh Trần Đình Lai (xã Quảng An, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) xin vào làm việc tại một xưởng cơ khí ở TP Huế với mức thu nhập khá ổn định. Nhưng bất ngờ 4 năm sau, anh Lai quyết định trở về quê vay mượn tiền bạc để mở tiệm sửa chữa các loại máy móc.
“Thời điểm ấy, phong trào nuôi tôm sú trên phá Tam Giang nở rộ nên nhu cầu sửa chữa máy bơm, phát điện, sục khí ôxy… phục vụ người dân nuôi trồng thủy sản tăng cao, nhờ đó mà cơ sở mình làm không hết việc.
Nhưng chỉ một thời gian sau, mô hình nuôi tôm sú liên tiếp thất bát vì dịch bệnh tràn lan, người nuôi tôm gánh trên mình những khoản nợ lớn, kéo theo hệ thống ao hồ nuôi tôm và máy móc các loại bị bỏ phế. Trước viễn cảnh đó, mình quyết định chuyển từ nghề sửa máy sang chế tạo, sản xuất các loại máy móc phục vụ trong nông nghiệp, nông thôn…”, anh Lai nhớ lại.
Sau nhiều đêm trăn trở, nhận thấy vỏ trấu (loại chất đốt truyền thống), người nông dân đổ bỏ bừa bãi gây ô nhiễm môi trường do việc sử dụng bếp gas phổ biến, anh Lai nảy ra ý tưởng ép vỏ trấu thành củi cung cấp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. “Ban đầu tôi nản lắm, ép mấy củi trấu cũng bị vỡ ra, không kết dính được. Thế là tôi lên mạng tìm hiểu và gửi sản phẩm vào TPHCM kiểm tra mới biết “thủ phạm” là độ ẩm trong trấu. Hiểu ra rồi thì tôi điều chỉnh máy, vậy là thành công”, anh Lai kể.
Những chiếc máy ép củi trấu sáng chế ra đến đâu mọi người mua đến đó, anh Lai quyết định tuyển dụng nhân công chuyên gia công, chế tạo máy. Hiện máy ép củi trấu của anh đã có mặt trên 50 tỉnh, thành cả nước. Nhiều khách hàng từ Lào và Campuchia cũng tìm đến mua máy ép củi trấu của anh Lai đem về nước.
“Máy hoạt động dựa trên nguyên lý nén bằng trục vít, có van nhiệt và sản phẩm tạo ra là những thỏi củi dài hình ống từ nguyên liệu có sẵn ở địa phương. Trấu cho vào máy ép, bộ phận sấy tự động sẽ làm giảm độ ẩm của trấu, sau đó ép thành củi dài 70cm, năng suất có thể đạt từ 150 - 200kg/giờ, chỉ cần 1,5kg trấu sẽ cho “ra lò” 1kg củi”, anh Lai cho biết
Không dừng lại, anh Lai tiếp tục nghiên cứu và cho ra hàng loạt các loại máy móc khác như máy sấy mùn cưa, máy cắt nước đá liên hoàn, máy ép viên thức ăn chăn nuôi, máy sấy lúa đa năng... Mỗi năm cơ sở anh Lai thu về hơn 3,5 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 22 thợ gò, hàn.
Ông Phan Cảnh Ngưu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Điền, cho biết, những máy móc do anh Lai sáng chế thực sự hữu ích, giúp nông dân giảm bớt sức lao động nhưng vẫn đạt hiệu quả cao. Anh Trần Đình Lai đã nhận được Giải thưởng Lương Định Của năm 2011 cho Nhà nông trẻ xuất sắc; bằng khen và kỷ niệm chương của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về đề tài Giải pháp ý tưởng sáng tạo tiêu biểu trong năm 2011; danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017…
Rau ăn ngay tại vườn
Rau sạch được trồng trong những đường ống dẫn nước, đến kỳ thu hoạch chỉ cần nhẹ nhàng kéo thân cây rau ra khỏi ống, cắt bỏ rễ và chuyển đến điểm bán. Toàn bộ cây rau, ngoại trừ bộ rễ, đều có thể ăn ngay tại vườn. Câu chuyện thú vị này đang diễn ra tại nông trại Thảo Vy ở thôn Tây Trì Nhơn (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế).
Vợ chồng chị Lê Thị Tám - chủ nông trại Thảo Vy nói rằng, muốn tạo ra một phân khúc mới trong thị trường nông sản sạch với các tiêu chí như: rau ăn ngay không cần sơ chế và dư lượng phân thuốc được kiểm soát ở mức tối đa.
“Sau khi đi các nơi học hỏi kinh nghiệm và qua internet, vợ chồng tôi quyết định chọn mô hình canh tác rau thủy canh, bởi tính hiệu quả và trên hết phương pháp này cho cây rau rất sạch, đảm bảo sức khỏe người dùng”, chị Tám bộc bạch.
Tháng 8-2017, được sự đồng ý của UBND huyện Phú Vang, chị Tám cùng chồng bắt tay thực hiện khu nhà lưới rộng 2.000m², trang bị các hệ thống máy móc hiện đại để trồng các loại rau, quả như cà chua, cải thìa, xà lách tím, xà lách bó xôi, rau thơm…
“Hạt giống và cách điều chỉnh chế độ dinh dưỡng trong nước là hai yếu tố quan trọng nhất đối với trồng rau thủy canh. Trong đó, hạt giống nhập từ Hà Lan giá cao gấp hàng chục lần hạt giống trong nước, nhưng bù lại, khả năng cho thu hoạch gần như đạt 100% do giống đã được xử lý mọi mầm bệnh, bên ngoài hạt giống còn được phủ một lớp dinh dưỡng, người trồng chỉ việc thả vào giá thể rồi đặt lên ống thủy canh.
Chu kỳ rau phát triển nhanh, từ lúc trồng trong hệ thống thủy canh tới lúc thu hoạch chỉ khoảng 25 ngày nên có thể trồng gối đầu các loại rau, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường”, chị Tám nói.
Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng, mô hình trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh góp phần giúp người nông dân hướng đến sản xuất rau an toàn, không dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giúp bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, thời đại nông nghiệp 4.0 thì mô hình trồng rau thủy canh hoàn toàn mở ra triển vọng về thâm canh rau sạch. Hiện nguồn rau quả của nông trại Thảo Vy được bán cho các trường học phục vụ bữa ăn bán trú, nội trú cho học sinh. Nguồn rau sạch này còn cung cấp cho một số khách sạn, nhà hàng uy tín trên địa bàn TP Huế.
Bùi Thảo - SGGP