Sóng gió trí tuệ nhân tạo

Vừa mới đây, một công ty khởi nghiệp mới tinh ở Đà Nẵng, chưa tròn một năm tuổi nhưng đã được một nhà đầu tư Thụy Sĩ mang tên “Bảy vùng biển - Seven seas” định giá nửa triệu dollar Mỹ.

Nghiên cứu của McKinsey chỉ ra rằng, đến năm 2030 sẽ có 800 triệu việc làm bị thay thế hoàn toàn bởi robot. Nguồn ảnh: makeuseof.com

Nghiên cứu của McKinsey chỉ ra rằng, đến năm 2030 sẽ có 800 triệu việc làm bị thay thế hoàn toàn bởi robot. Nguồn ảnh: makeuseof.com

Hóa ra, chỉ vì công ty này chọn đúng lĩnh vực mà họ ưu tiên: Chatbot chuyên về ẩm thực. Tức là, lại thêm một mớ trí tuệ nhân tạo được dùng để hướng dẫn ăn uống, từ quán ăn, món ăn, đến nấu ăn và dinh dưỡng…

Chuyện của công ty chatbot này đang còn chưa kịp lắng xuống thì anh Đinh Lê Đạt của công ty công nghệ ANTs viết trên facebook của mình một dòng cảm thán: “Anh không muốn bất công với em”. Chuyện gì vậy? À, là chuyện một cơn bão về trí tuệ nhân tạo trong ngành truyền thông và tin tức đang chuẩn bị kéo qua, càn quét thị trường thông tin ở khu vực châu Á.

Thì ra, Đạt nhận được những tín hiệu đáng sợ từ Toutiao - một trong những công ty khởi nghiệp nổi trội nhất của Trung Quốc đã bắt đầu chiến lược quốc tế hóa sản phẩm của mình. Anh đặt một dấu hỏi rất to: “Các công ty truyền thống trong bốn năm tới sẽ vượt cơn sóng thần “big data - dữ liệu lớn” và “AI - trí tuệ nhân tạo” như thế nào đây?

Đạt thống kê: Uber, Grab và Gojek đã ập tới và lấy đi cơ hội kinh doanh từ chú xe ôm tới bác tài xế và ngay cả chủ xe ô tô. Nhãn tiền là Mai Linh và Vinasun đã rơi khỏi vị trí tưởng chừng bất khả xâm phạm trong ngành taxi. AirBnB, Agoda, Traveloka đã quét sạch các nhà nghỉ, khách sạn, resort, vé máy bay và ngay cả các căn hộ 3-5 sao ở các thành phố khác nhau ở Việt Nam.

Điều này làm cho các công ty quản lý chuỗi khách sạn, nhà hàng và du lịch đang giảm mạnh tỷ lệ lợi nhuận của mình. Thêm tới là Lazada, Shopee đang làm cho các công ty thương mại điện tử chưa lớn kịp đã phải chuyển sang trạng thái… ăn kiêng. Còn lại, các công ty fintech - khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính cũng phải chuẩn bị “chống bão”.

Anh chàng tiến sĩ ở Nga này nói vui: “ Mảnh đất tưởng chừng như bất khả xâm phạm, mảnh đất có vẻ như có sự bảo bọc của hành lang pháp lý: nội dung thông tin - tưởng chừng chỉ có phóng viên mới tạo ra được, nơi mà dân làm trong lĩnh vực kỹ thuật số hay nói là thánh địa, đã sẵn sàng cho cơn sóng thần Toutiao - công ty vừa được định giá 20 tỷ USD cho hệ thống cung cấp thông tin sử dụng nền tảng trí thông minh nhân tạo để làm và phân phối content chưa?

Đang còn ngồi đọc loanh quanh các trang mạng trong vùng về cái ông Toutiao này, thì email của Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF thông báo: “Có một video có thể bạn rất quan tâm”. Ừ, thì thử quan tâm xem sao.

Hóa ra, đó là một đoạn video rất ngắn, ghi lại phát biểu của ông Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba nói về việc… cải cách giáo dục. Jackma cho rằng, chỉ có cách thay đổi các giáo dục thì con cháu chúng ta mới có thể cạnh tranh được với máy móc. Chúng ta phải dạy những thứ đặc biệt, đặc biệt đến nỗi máy móc không bao giờ có thể bắt kịp con người.

Đó là kỹ năng mềm: hiểu biết về những giá trị cuộc sống, niềm tin, tư duy độc lập, làm việc nhóm, sự quan tâm đến những cái chung và những người khác. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải dạy con em mình cách chơi thể thao, âm nhạc, hội họa… những điều liên quan đến nghệ thuật làm cho con người hoàn toàn khác biệt với những cỗ máy…”.

Nghe thấy hơi lùng bùng, nên tắt máy tính, chạy tới dự cuộc gặp gỡ giữa chuyên gia Chu Hảo với CLB các tiến sĩ Đà Nẵng. Thấy ông già quắc thước này vẫn rất thời sự. Ông cho rằng, trong các văn kiện chính thống cũng như trong đời thường chúng ta đã quen với mệnh đề: “Cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật đang tiến nhanh như vũ bão”. Nói thế không có nghĩa là các cuộc cách mạng ấy xảy ra liên tục, dồn dập.

Với đúng nghĩa là “cách mạng” thì từ xưa đến nay mới có hai cuộc Cách mạng Khoa học (CMKH) và cùng với nó là bốn cuộc Cách mạng Kỹ thuật (CMKT) mà thôi. Loài người, từ khi biết đặt câu hỏi “vì sao?” đối với các hiện tượng thiên nhiên cách nay hơn hai ngàn năm, mới chỉ chứng kiến có hai cuộc cách mạng khoa học “long trời lở đất”.

Lần thứ nhất vào thế kỷ 17 với sự xuất hiện của lý thuyết nhật tâm (Trái đất quay quanh Mặt trời chứ không phải ngược lại!) và Cơ học Newton dùng mô hình toán học để giải thích được mọi hiện tượng vật lý của các vật thể vĩ mô (có thể nhìn được bằng mắt thường).

Lần thứ hai vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 với sự xuất hiện của Thuyết Tương đối của Einstein, giải thích các hiện tượng liên quan đến không - thời gian ở cấp độ vũ trụ và cơ học lượng tử giải thích các hiện tượng vật lý trong thế giới vi mô (có kích thước nhỏ hơn nguyên tử - cỡ 1 phần 100 triệu centimet).

Hai cuộc cách mạng ấy đã xây dựng và phát triển nền khoa học hiện đại dựa trên các nguyên lý duy vật, duy lý và thực chứng, và đã đạt được những thành tựu vĩ đại làm cơ sở cho các cuộc cách mạng kỹ thuật và công nghiệp xảy ra liên tục.

Nhưng ngày nay, khoa học hiện đại bắt đầu gặp những khó khăn không thể vượt qua, liên quan đến các hiện tượng tâm linh và những “huyền bí” khác. Một “khoa học” khác, không bị giới hạn bởi duy vật, duy lý và thực chứng ắt sẽ xuất hiện. Đó sẽ là cuộc cách mạng khoa học lần thứ ba mà bây giờ vẫn chưa thấy tín hiệu rõ ràng nào.

Ông Chu Hảo nói rằng, những người theo ngành vật lý lý thuyết như ông đều xem ông tổ của nghề mình là Stephen Hawking, dù là nhà khoa học lớn, vẫn luôn tin vào trí tưởng tượng của con người mới là điều tuyệt diệu nhất…

Nghiên cứu của McKinsey dự báo rằng, đến năm 2030 sẽ có khoảng 800 triệu việc làm được thay thế hoàn toàn bởi robot. Bởi vậy, giáo dục đang đứng trước thách thức lớn hơn bao giờ hết. “Nếu chúng ta không thay đổi cách dạy học, 30 năm nữa chúng ta sẽ gặp rắc rối to.

Bởi vì cách chúng ta đang dạy những thứ chúng ta đang dạy trẻ em, là những thứ đã có từ 200 năm nay. Đó là những thứ dựa hoàn toàn vào “kiến thức”. Chúng ta không thể dùng vũ khí về kiến thức để chiến đấu với máy móc được. Máy móc sẽ thông minh hơn.

Trần Nguyên - Khoa học phát triển

Bài gốc

Bài viếtQuântin tức, ai