Nhà khoa học Việt-Úc xây mạng lưới cảnh báo ngập thông minh ở TP.HCM

   

Sử dụng cảm biến thông minh và tiết kiệm năng lượng, các nhà nghiên cứu mong muốn dùng công nghệ hỗ trợ các đô thị lớn ở Việt Nam chủ động chống ngập nước.

bannercommon.png

Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia hỗ trợ 400.000 đô cho các nhà nghiên cứu Đại học Griffith Australia, giúp phát triển mạng lưới cảm biến thông minh cảnh báo về các điểm ngập lụt ở Việt Nam, từ đó chủ động phòng chống và giảm nhẹ hiện trạng này ở các đô thị lớn.

Chương trình được Đại học Griffith hợp tác thực hiện cùng Khu Công nghệ cao TP.HCM, với sự điều phối của Phó Giáo sư Đào Việt Dũng (Dzung Dao) - Trưởng khoa Cơ khí và Thiết kế Công nghiệp Đại học Southern Queensland. Dự án sẽ bao gồm mạng lưới rất nhiều cảm biến vi mô kết nối không dây, được đặt khắp TP.HCM để theo dõi mức độ ngập nước theo thời gian thực.

“TP.HCM và nhiều đô thị lớn ở Việt Nam phải đối mặt với tình trạng ngập nước gần như đều đặn mỗi tuần, ảnh hưởng trực tiếp đến 60% người dân của thành phố và gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Bước đầu tiên để giải quyết bài toán này chính là tìm ra điểm ngập úng, biết chính xác thời gian diễn ra ngập,” PGS Dũng cho biết.

Nói về các hệ thống phòng chống ngập lụt từng được triển khai trong quá khứ, PGS cho biết thêm: “Các hệ thống từng được áp dụng vào thực tế trước đây còn nhiều điểm chưa tốt, chẳng hạn như camera và cảm biến cùng hệ thống liên lạc thông thường, dẫn tới kém hiệu quả mà lại tốn kém điện năng sử dụng.”

Giáo sư Dzung Dao (giữa) - Trưởng khoa Cơ khí và Thiết kế Công nghiệp Đại học Southern Queensland.

Giáo sư Dzung Dao (giữa) - Trưởng khoa Cơ khí và Thiết kế Công nghiệp Đại học Southern Queensland.

Mạng lưới cảm biến không dây được phát triển bởi các nhà nghiên cứu Đại học Griffith sử dụng các cảm biến nano siêu nhỏ, có thể được sản xuất hàng loạt với chi phí rất thấp, khi đưa vào sử dụng cũng không tốn nhiều điện năng. Hàng trăm cảm biến sẽ kết nối với nhau và gửi dữ liệu về một trung tâm kiểm soát, từ đó biết được tình trạng ngập lụt ở từng nơi khác nhau theo thời gian thực.

“Trong quá trình phát triển, chúng tôi nhận ra cảm biến càng nhỏ lại càng có nhiều đặc tính thú vị, làm được nhiều việc hơn. Chẳng hạn, chúng ngày càng nhạy hơn với môi trường lắp đặt, từ đó trở nên mạnh mẽ và chính xác hơn. Thời tiết nóng ẩm, mưa lớn, ngập sâu,... thường làm các cảm biến thông thường nhanh hư hỏng, nhưng đối với loại cảm biến mới của chúng tôi, chúng có thể chịu đựng được để hoạt động tốt,” PGS Dũng chia sẻ.

Bằng việc kết nối với nhau qua internet, mạng lưới này còn hoạt động như một hệ thống phát hiện và cảnh báo sớm ngập nước, từ đó hỗ trợ phát thông tin để người dân thành phố tiện đường di chuyển, tránh những điểm ngập giúp giảm nhẹ thiệt hại về người và của.

“Mạng lưới của chúng tôi là bước đầu tiên cần thiết trong việc thiết kế một hệ thống thông minh có thể ứng phó tự động với tình trạng ngập nước cục bộ trong thành phố, xa hơn chúng tôi sẽ phát triển hệ thống tự chuyển nước ở nơi ngập đến nơi trữ nước, giúp tận dụng và sử dụng nước tiết kiệm hơn,” PGS bật mí.

Xa hơn, nhóm nghiên cứu cho biết các dự án trong tương lai sẽ được triển khai ở nhiều tỉnh thành khác của Việt Nam, giúp tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên, tránh gây lãng phí và giảm nhẹ thiệt hại.

Quang Niên