Xe đạp thông minh bắt đầu chinh phục sinh viên ĐHQG TP.HCM

ĐHQG TP.HCM vừa cho thí điểm dự án xe đạp thông minh E-bike với mong muốn bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan khu đô thị.

Mã QR được dùng cho xe đạp thông minh E-bike - Ảnh: TẤT ĐẠT

Mã QR được dùng cho xe đạp thông minh E-bike - Ảnh: TẤT ĐẠT

E-bike là hệ thống xe đạp công cộng cho thuê tự động, người dùng khai thác dịch vụ qua phần mềm Easy Move được cài đặt trên các thiết bị di động. Chỉ cần đăng ký tài khoản, xác nhận thông tin cá nhân sau đó dùng ứng dụng quét mã QR trên mỗi xe là sinh viên, cán bộ, công chức có thể sử dụng dịch vụ.

Hệ thống nhận tín hiệu thuê xe được hoạt động dựa trên viên pin năng lượng mặt trời trên mỗi chiếc xe. Thời gian nhận tín hiệu chỉ mất khoảng 5-10 giây.

Xe đạp được đặt cố định tại các trạm trong khu đô thị, trong giai đoạn thí điểm hiện có 3 trạm: ĐH Công nghệ thông tin, KTX khu A và KTX khu B. Để kết thúc quá trình di chuyển, người dùng phải đưa xe vào đúng trạm và khóa xe.

Hiện tại, dự án trên chưa tính phí đối với cán bộ, công chức và sinh viên trong khu đô thị ĐHQG TP.HCM. Sau giai đoạn thí điểm, E-bike dự kiến thu phí thuê xe khoảng 30.000 đồng/tháng.

Viên pin năng lượng Mặt trời được dùng cho xe đạp thông minh E-bike - Ảnh: TẤT ĐẠT

Viên pin năng lượng Mặt trời được dùng cho xe đạp thông minh E-bike - Ảnh: TẤT ĐẠT

Với dự án E-bike, khu đô thị ĐHQG TP.HCM trở thành đô thị đại học đầu tiên tại Việt Nam sử dụng xe đạp công cộng thông minh và xe điện năng lượng mặt trời làm phương tiện di chuyển nội bộ.

Nền tảng công nghệ chủ yếu của E-bike dựa trên vật lí điện tử. Theo Nguyễn Thiện Thông - giám đốc điều hành dự án, xe đạp thông minh những năm gần đây được xem là phương tiện trung chuyển chủ yếu ở các nước phát triển.

"Trong thời gian thử nghiệm, E-bike hướng đến việc tạo thói quen đi xe đạp cho các bạn sinh viên thuộc ĐHQG TP.HCM. Đến khi chính thức vận hành, chúng tôi sẽ có phương án rãi đều các trạm xe sao cho phủ kín hầu hết khuôn viên đô thị".

Chia sẻ về dự án, Nguyễn Nhựt Thông - ban cán sự Đoàn trường ĐHQG TP.HCM - cho rằng: "Dự án E-bike nhằm hướng đến mục đích tạo thói quen cho sinh viên sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Qua đó, dự án góp phần tạo nên lối sống ưa vận động, rèn luyện sức khỏe cho sinh viên và phần nào cải thiện cảnh quan khu đô thị vốn có nhiều xe máy đông đúc".

Nhiều bạn sinh viên thuộc ĐHQG TP.HCM đến trải nghiệm tại trạm ĐH Công nghệ thông tin - Ảnh: TẤT ĐẠT

Nhiều bạn sinh viên thuộc ĐHQG TP.HCM đến trải nghiệm tại trạm ĐH Công nghệ thông tin - Ảnh: TẤT ĐẠT

Là một trong những người dùng đầu tiên của E-bike, Nguyễn Quốc Hải Hưng - sinh viên ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM - đánh giá: "Dự án trên có thể giúp cho sinh viên tiết kiệm và chủ động về thời gian hơn so với di chuyển bằng xe buýt trong khu đô thị".

Tuy nhiên, theo Hải Hưng, công nghệ quản lý các xe đạp còn chưa chặt chẽ, vì thế, muốn dự án thành công còn phụ thuộc nhiều vào ý thức của các bạn sinh viên.

"Dự án trên nếu được nhân rộng sẽ tác động rất nhiều đến ý thức bảo vệ môi trường của nhiều người. Vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm tiền, vừa rèn luyện sức khỏe, chính những lợi ích trên cộng hưởng sẽ khiến sinh viên và cán bộ, công chức sử dụng dài lâu".

La Mỹ Vân, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin - ĐHQG TP.HCM, cho rằng: "Ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin tiện lợi chính là điểm thu hút nhất của dự án. Điều này rất thu hút các bạn trẻ bởi phù hợp với lối sống nhạy cảm với công nghệ hiện nay".

Vân hy vọng sau khi dự án này thành công, ĐHQG TP.HCM sẽ cân nhắc triển khai vận hành phương tiện giao thông thân thiện với môi trường khác, điển hình là xe buýt nội bộ sử dụng năng lượng điện.

Tất Đạt - Báo Tuổi trẻ

Bài gốc