Kinh doanh công nghệ có lấn át nổi kinh doanh truyền thống thời 4.0?
Sau khi dịch vụ vận tải thông qua công nghệ số của Uber, Grab vào Việt Nam, ngay lập tức đã có nhiều dịch vụ tương tự ra đời và được người tiêu dùng đón nhận vì sự tiện lợi. Điều này đã gây sức ép lên các mô hình kinh doanh truyền thống.
Mới lấn át cũ
Sau nhiều lần khổ sở vì người giúp việc đến rồi đi vì nhiều lý do, chị T.H. (đang làm việc tại một cơ quan ở quận 3) được người bạn “ném” cho một ứng dụng giúp việc theo giờ bTasskee, kèm theo lời giới thiệu khá hấp dẫn.
Mừng như “bắt được vàng” và tải ngay bằng điện thoại, từ đó đến nay, chị T.H. đã không còn lo lắng về việc nhà, bởi cách thao tác thực hiện rất dễ dàng, người giúp việc luôn xuất hiện vào đúng thời điểm chủ nhà cần.
Theo chị T.H., thời gian gần đây, dịch vụ môi giới người giúp việc truyền thống đã tỏ rõ sự lạc hậu, khi họ không tổ chức tuyển chọn hay đào tạo tay nghề, không có “lý lịch” rõ ràng… Họ chỉ ngồi một chỗ, chờ người cần việc đến, rồi giới thiệu cho các chủ nhà có nhu cầu.
Nhiều khách hàng cũng tỏ ra bức xúc với mức phí môi giới rất tùy tiện, khi thì 800.000 đồng, khi tới 1 triệu đồng, trong khi thời gian “bảo hành” cho việc đổi trả người giúp việc không vừa ý chỉ gói gọn trong 1 tuần hoặc 10 ngày.
Nếu quá thời gian trên, người giúp việc bất ngờ nghỉ hoặc gia chủ không hài lòng, cần tìm người khác, thì lại phải trả phí từ đầu. Cũng có một điểm môi giới yêu cầu chủ nhà, ngoài số tiền phí ban đầu, hàng tháng còn phải trả thêm 200.000 đồng cho “phí duy trì công ty hoạt động”.
Đáng lưu ý, đã xuất hiện tình trạng một số điểm môi giới việc làm đã lấy người giúp việc thành mồi nhử, gia chủ chưa kịp mừng vì kiếm được người thì ngay lập tức họ nghỉ việc với hàng ngàn lý do khác nhau…
Trước tình hình trên, một số công cụ như bTasskee hoặc jupviec.vn không chỉ giải quyết được những khó khăn khi tìm người giúp việc cho chủ nhà, mà còn tạo ra nhiều công việc cho người lao động.
Sau 2 năm hoạt động, tính đến tháng 1-2018, bTasskee có trên 20.000 khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ và hơn 2.000 người giúp việc “trực chiến”. Mỗi ngày có hơn 500 đầu việc kết nối thành công. Có không ít người giúp việc có tổng kết mức thu nhập đạt trên 10 triệu đồng/tháng.
Trở lại với trường hợp của Uber, đây là một mô hình kinh doanh được tạo ra bởi công nghệ kỹ thuật, công nghệ thông tin. Cách thức kinh doanh của Uber khác hẳn, nên có khả năng phá hủy mô hình kinh doanh taxi truyền thống.
Tuy nhiên nhờ có Uber, 3 năm qua, các mô hình kinh doanh vận tải Việt Nam cũng dần thay đổi, đưa thêm nhiều dịch vụ mới gia nhập thị trường. Tính đến nay, đã có nhiều đơn vị trong nước được cấp phép cung ứng dịch vụ tương tự Uber và Grab. Theo đó, cung cách phục vụ khách cũng có phần mềm mỏng hơn so với trước đây.
Trong lĩnh vực du lịch, mô hình AirBnB (một startup có mô hình kết nối người cần thuê nhà, thuê phòng nghỉ với những người có phòng cho thuê trên khắp thế giới thông qua ứng dụng di động) đang phát triển ngày càng mạnh ở Việt Nam, tại khắp các thành phố du lịch. Bên cạnh các ứng dụng đặt phòng khách sạn khác như Agoda, Booking.com, ivivu…, mạng lưới du lịch và đặt phòng trực tuyến đang rất phát triển ở Việt Nam.
Cần tạo sân chơi bình đẳng
Các xu hướng kinh doanh đang dần thay đổi, được điều chỉnh và không ngừng hoàn thiện trên nền các ý tưởng mới, dựa vào công nghệ. Thêm vào đó, cùng một nền tảng, nhưng sự thành công hay thất bại của một mô hình kinh doanh mới hoàn toàn dựa vào cách triển khai, cách tiếp cận thị trường và cách vận hành, trên cơ sở nghiên cứu kỹ nhu cầu khách hàng là gì để tạo ra mô hình mới sáng tạo hơn.
Vấn đề đặt ra là những mô hình kinh doanh, dịch vụ mới ra đời sẽ tác động thế nào đến kinh doanh truyền thống? Nhiều ý kiến cho rằng, thương mại truyền thống sẽ không mất đi mà nó sẽ được hỗ trợ bởi kênh bán hàng trực tuyến (online) để trở thành mô hình bán hàng đa kênh (omni-channel).
Các doanh nghiệp (DN) phải học nhiều hơn để bắt kịp xu thế, cộng với lợi thế sân nhà, chuẩn bị sẵn sàng trước sự thay đổi của khách hàng trong kỷ nguyên số. Bên cạnh đó, DN truyền thống phải dần chuyển sang mô hình bán hàng đa kênh để thích ứng tốt với nền kinh tế chia sẻ, nếu không sẽ bị tụt hậu.
Kinh tế thị trường đã kinh doanh là phải có cạnh tranh. Cạnh tranh thường thông qua giá, thời gian, chất lượng phục vụ và tính linh hoạt. Các DN phải chấp nhận sự thật này để chủ động bước vào cạnh tranh.
Phải tìm hiểu xem đối thủ hơn mình ở điểm nào để từ đó khắc phục các điểm yếu. Chẳng hạn, trong kinh doanh taxi, các DN đang áp dụng một biểu giá phẳng, còn Grab thì áp dụng mức giá rất linh động, tùy từng thời điểm. Vậy các DN có thể tính toán giá linh động được không?
Mặt khác, phải nâng cao thái độ phục vụ của nhân viên theo các tiêu chí tiện lợi, nhanh chóng, rõ ràng, minh bạch về giá và thời gian đi. Nói chung là DN cần phải làm minh bạch về dịch vụ của mình để thu hút khách. Trong kinh doanh dịch vụ, DN càng chú ý đến các nhu cầu chi tiết nhất của khách hàng thì tỷ lệ thành công càng cao.
Thực tế cho thấy, những dịch vụ được đề cập trong bài viết chỉ là những sản phẩm khởi đầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Theo dự báo, sẽ còn hàng loạt loại hình dịch vụ ra đời ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trong tương lai cũng sẽ được số hóa từ điểm đầu cho đến điểm cuối. Các dịch vụ này hoàn toàn có thể thực hiện xuyên biên giới, sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh còn khốc liệt hơn so với hiện nay.
Sự biến đổi liên tục của công nghệ sẽ còn tiếp tục tạo ra thách thức mới, khó thể thỏa mãn xung đột giữa cái cũ và cái mới. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước phải ngồi lại để bàn bạc, tạo ra cơ chế chính sách phù hợp, tạo sân chơi bình đẳng cho các DN.
Ví dụ, hiện nay thuế áp dụng cho các DN nội địa thế nào thì với DN FDI cũng phải có chính sách thuế tương đương, làm sao các mô hình kinh doanh này vẫn tồn tại nhưng bảo đảm cạnh tranh công bằng. Không để xảy ra tình trạng mô hình kinh doanh này phải nộp thuế, mô hình kia thì không.
Các cơ chế, chính sách mới vừa đảm bảo sự khuyến khích kinh doanh truyền thống thay đổi, vừa không hạn chế kiểu kinh doanh mới xuất hiện, nhưng không làm méo mó thị trường.
Thúy Hải - SGGP