Cách mạng 4.0 biến đổi ngành đo lường như thế nào?
Trong thời đại 4.0, đo lường là yếu tố quan trọng đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, vật tư năng lượng, bảo đảm an toàn sản xuất cho tới bảo vệ sức khỏe và môi trường.
Đo lường cũng là ngành công nghệ cao
Dù đã tận dụng mọi khoảng trống có thể nhưng hội trường Saigon Innovation Hub vẫn không thể đáp ứng được số lượng người tham dự tăng đột biến. Theo ban tổ chức, số lượng khách tham dự hội thảo “Vai trò của đo lường trong Cách mạng công nghiệp 4.0.” sáng ngày 17.5 lên đến hơn 150 người. Điều này cho thấy tầm quan trọng của hoạt động đo lường trong nền sản xuất hiện đại.
Hội thảo do Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM (SMEQ) thực hiện và là một hoạt động quan trọng nằm trong chuỗi sự kiện được Sở KH&CN TP.HCM tổ chức nhân dịp kỷ niệm ngày KH&CN Việt Nam 18.5 và ngày Đo lường Thế giới 20.5.
Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, nhận định: “TP.HCM có đề án phát triển thành đô thị thông minh trong đó có nhiều lĩnh vực cần công nghệ cao. Đo lường cũng là một ngành công nghệ cao và rất cần những đánh giá, tham luận để phát triển ngành đo lường theo kịp nhu cầu trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.”
Nói về khái niệm đo lường, ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó giám đốc SMEQ khẳng định đo lường đã có từ rất sớm trong lịch sử loài người. Đo lường xuất hiện trong mọi mặt đời sống từ nghiên cứu khoa học, công nghiệp, y học cho đến hoạt động mua bán thường ngày. Trải qua các cuộc cách mạng công nghiệp, ngành đo lường cũng có những sự phát triển tương ứng.
Đồng thời, trong thời đại 4.0, đo lường là yếu tố quan trọng đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, vật tư năng lượng, bảo đảm an toàn sản xuất cho tới bảo vệ sức khỏe và môi trường. Bởi vậy, các thiết bị đo lường hiện đại trong sản xuất không chỉ thuần túy đo lường như trước đây mà tích hợp với toàn hệ thống để tối đa hóa hiệu quả.
Ông Sonny Hoang, đại diện Mettler Toledo nhận xét: “Những thiết bị đo hiện nay không chỉ hiển thị đại lượng đo lường mà còn phải có trí tuệ thông minh, tự chuẩn đoán, tiên đoán được. Trong sản xuất, tất cả dữ liệu từ những thiết bị đo lường thu thập về cơ sở dữ liệu trung tâm và đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu như vị trí đo, đo bằng thiết bị gì, thiết bị đo được kiểm định, hiệu chuẩn chưa?.”
Khái niệm đo lường thời 4.0
Có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tự động hóa, ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng Giám đốc Công ty Sao Bắc Đẩu Hitek cho rằng ứng dụng đo lường trong tự động hóa, AI sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp Việt.
“Tất cả những hệ thống phần mềm, hệ thống đo đếm của chúng tôi đều hướng tới mục đích tự động hóa, Robot, AI… Quy trình vận hành và tự động hóa trong kinh doanh sẽ khởi tạo ra sao? Chúng tôi cho rằng đó là dư địa cho các doanh nghiệp Việt Nam.”, ông Thắng cho biết.
Nền tảng cơ bản của các hoạt động đo lường nhiều năm qua là hệ đơn vị quốc tế SI gồm định nghĩa các đơn vị đo cơ bản như mét, giây, Kilogam, Ampe, Kelvin, Mol và Candela. Trước nhu cầu thực tế của đời sống và sản xuất, những đơn vị đo này đang được định nghĩa lại trở nên thực tế hơn, không phụ thuộc vào vật liệu và có thể thể hiện bằng phương pháp vật lý – kỹ thuật ở bất cứ nơi nào, lúc nào.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 các yếu tố của đo lường còn biến đổi mạnh mẽ hơn rất nhiều. Đặc biệt là khi dữ liệu đang được đánh giá là nguồn tài nguyên quan trọng nhất trong tương lai.
Cùng với việc tự động hóa được áp dụng ngày càng rộng rãi trong sản xuất, khái niệm đo lường được mở rộng sang các yếu tố như thời gian làm việc, năng suất lao động, vật tư tiêu hao, sản lượng, chất lượng…
Không dừng ở đó, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hiện đại phụ thuộc ngày càng nhiều vào các công nghệ như Big Data, AI. Bởi vậy, Nguyễn Việt Thắng cho rằng: “Khái niệm đo lường cần tiếp tục mở rộng như đo lường nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, mức độ quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ… Trong tương lai rất gần, tôi cho rằng chúng ta sẽ cần những đơn vị đo dùng cho blockchain, data mining...”
Phạm Sơn - Báo Khám phá