Tưới tiết kiệm: Nâng cao giá trị nông sản
Việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã mang lại hiệu quả thiết thực về nhiều mặt. Cụ thể, giúp tăng năng suất cây trồng từ 10-50% tùy theo loại cây trồng (thậm chí có thể tăng 80-120% đối với cây mía).
Theo thống kê của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến cuối năm 2017, diện tích cây trồng có tưới tiên tiến, tiết kiệm nước của cả nước đạt 276.000 ha, tăng hơn 3 lần so với thời điểm bắt đầu tái cơ cấu nông nghiệp (2013), vượt 38% so với kế hoạch. Đây là bước phát triển rất nhanh và đột biến.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, đa số diện tích được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước được đầu tư trên diện tích cây trồng cạn. Mục tiêu đến năm 2020 trên cả nước có khoảng 500.000 ha cây trồng cạn chủ lực được ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước sẽ đạt khả quan.
Trong các loại hình công nghệ tưới, diện tích được tưới phun mưa chiếm 79%; tưới nhỏ giọt chiếm 12%; nhà lưới, nhà kính chiếm 9%. Phần lớn công nghệ, thiết bị tưới có xuất xứ từ nước ngoài (Israel, Trung Quốc, Hàn Quốc...) và chỉ có phần nhỏ được sản xuất trong nước, chủ yếu thông qua cải tiến, tích hợp công nghệ của nước ngoài.
Ông Đinh Thanh Mừng, Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thuỷ lợi cho biết, một số doanh nghiệp lớn đã tăng cường đầu tư từ nguồn vốn nội lực, hoặc liên kết với các hộ nông dân, trở thành đầu tàu lôi kéo, lan toả phát triển tưới tiết kiệm nước cho các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Chẳng hạn như Tập đoàn TH True Milk (tưới cho cỏ, ngô phục vụ sản xuất thức ăn thô xanh để nuôi bò sữa), Hoàng Anh Gia Lai (tưới tiết kiệm cho cao su, xoài, thanh long, ớt, chuối...), Thành Thành Công Tây Ninh (tưới cho mía nguyên liệu), Vingroup (tưới cho rau, củ quả...). Bên cạnh đó, theo ước tính có hàng trăm nghìn hộ nông dân đã mạnh dạn, chủ động đầu tư, áp dụng các công nghệ này trong tưới cho cây trồng cạn.
Áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Năng suất cây trồng tăng trung bình 10-15% tuỳ theo các loại cây trồng. Thậm chí có thể tăng 80-120% như đối với cây mía, giảm đáng kể chi phí công lao động để tưới và hăm sóc.
Hiện nay có 10 tỉnh đứng đầu danh sách áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (với diện tích canh tác áp dụng trên 10.000ha) theo thứ tự là: Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Gia Lai, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Kon Tum, An Giang. TP. Hà Nội xếp thứ 40 trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước về diện tích cây trồng cạn áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước với 116 ha.
Cần chủ động chuyển đổi
Theo đánh giá, việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã tiết giảm 20-50% công lao động và tiết kiệm 20-40% lượng nước so tới phương thức tưới truyền thống. Đồng thời, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do giảm lượng phân bón từ 5-30%.
Để đạt được mục tiêu đặt ra theo kế hoạch là có 500.000 ha cây trồng cạn chủ lực được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong giai đoạn 2 (2018-2020), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng đề nghị các cơ quan, địa phương, tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Chủ động quy hoạch các vùng chuyên đổi sản xuất, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Đối với các địa phương chưa có kế hoạch hành động phát triển tuới tiết kiệm, cần đẩy nhanh tiến độ để ban hành trong năm 2018.
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cũng cho biết, Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu, cần thiết có thể giao chỉ tiêu phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn theo vùng, địa phương (tùy theo điều kiện, lợi thế vùng miền).
Mặc dù diện tích được tưới tiết kiệm hiện đã vượt kế hoạch đặt ra, nhưng Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho rằng, diện tích này chỉ chiếm 5% diện tích canh tác cây trồng cạn của cả nước. Trong giai đoạn 2 (2018-2020), các địa phương cần chủ động quy hoạch các vùng chuyển đổi sản xuất, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp.
Các địa phương chưa có kế hoạch hành động phát triển tưới tiết hiệm nước cần đẩy nhanh tiến độ để ban hành trong năm 2018. Kế hoạch cần được lồng ghép, tích hợp cùng các quy hoạch phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong quy hoạch tái cơ cấu, chuyển đổi tổ chức sản xuất, trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong kế hoạch ứng phó thiên tai (hạn hán) cấp tỉnh.
Cùng với đó là xem xét, ban hành và triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ, khuyến khích áp dụng tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn chủ lực trên địa bản phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, cùng với các chính sách hỗ trợ vay vốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Luật Thuỷ lợi mới ban hành và Nghị định hỗ trợ phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước sẽ sớm được ban hành là những cơ sở pháp lý quan trọng để hỗ trợ, thúc đẩy áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Đỗ Hương - Báo Chính phủ