Ngân hàng số hóa để thích ứng với kỷ nguyên công nghệ 4.0

Các ngân hàng đang tập trung đầu tư công nghệ và phát triển kênh bán hàng qua kênh Internet Banking, Mobile Banking cũng như số hóa các nghiệp vụ lõi để thích ứng và cạnh tranh trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

1_ozag.jpg

Đó là kết quả của cuộc khảo sát Ngân hàng VN do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) mới công bố.

Theo Vietnam Report, thời gian qua, nắm bắt được xu thế, nhiều ngân hàng đã tập trung đầu tư vào công nghệ nhằm thay đổi hệ thống quản lý, dịch vụ phục vụ khác hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh.  

93% ngân hàng phản hồi khảo sát của Vietnam Report cho biết hiện đang đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển kênh bán hàng qua công nghệ số (Internet Banking, Mobile Banking…).

80% cho biết đang số hóa các nghiệp vụ lõi của ngân hàng và thu hút lao động trong lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ thông tin. Mục tiêu của các ngân hàng là gia tăng ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh.

Theo nhận định của Vietnam Report, ngành tài chính đang đối mặt với những thay đổi lớn do các thành tựu công nghệ mang lại. 

Trong tương lai gần, các ứng dụng công nghệ sẽ thu hẹp khoảng cách giữa ngân hàng và người dùng, tự động hóa các dịch vụ tín dụng, đặc biệt là các dịch vụ tài chính tiêu dùng cá nhân, tạo nên sự cạnh tranh lớn khối ngân hàng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng còn phải cạnh tranh trực tiếp với các công ty Fintech.

Rủi ro về sự cạnh tranh trực tiếp là rất rõ rệt. 87,5% chuyên giá được khảo sát đánh giá sự trỗi dậy của các công ty Fintech hiện nay đang là thách thức với đối với hệ thống ngân hàng nói riêng và ngành tài chính nói chung. 

Khó khăn lớn nhất trong sự hợp tác giữa ngân hàng và các công ty Fintech là vấn đề bảo mật thông tin.

Khi ngân hàng và các công ty Fintech bắt tay hợp tác, khó khăn nằm ở sự đồng thuận để chia sẻ thuật toán giữa hai bên và làm sao để bảo vệ được thông tin dữ liệu ngân hàng đã xây dựng qua nhiều năm.

Ngoài ra, để sự phối hợp giữa hai bên được suôn sẻ cũng yêu cầu trình độ và khả năng hấp thụ công nghệ của nền kinh tế, ngành ngân hàng và cả người dân cũng đang trở thành thách thức lớn.

Về phía khảo sát người tiêu dùng, phần lớn người dùng cũng đánh giá vấn đề bảo mật của ngân hàng là vấn đề cần quan tâm hàng đầu.

Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ và các sản phẩm công nghệ không ngừng được đổi mới và du nhập vào thị trường, chú trọng thúc đẩy hợp tác giữa thị trường tài chính và các công ty Fintech cần đảm bảo tính minh bạch, hoàn thiện khung khổ pháp lí hiện hành. 

Hôm nay, Vietnam Report cũng công bố danh sách Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2018, một hoạt động thường niên từ năm 2012.

Đứng đầu danh sách xếp hạng là Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam - Vietcombank, tiếp đến là Vietinbank, BIDV. 

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng nằm trong danh sách top 10 ngân hàng uy tín năm 2018.

Theo Vietnam Report, uy tín của các ngân hàng được đánh giá dựa trên 3 tiêu chí chính là năng lực và hiệu quả tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất như tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế, hiệu quả sử dụng vốn, tỉ lệ nợ xấu...

Yếu tố thứ 2 là uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về ngân hàng trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng.

Một căn cứ khác là điều tra khảo sát về mức độ nhận biết và sự hài lòng của khách hàng với các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng, khảo sát nhóm chuyên gia tài chính về vị thế và uy tín của các ngân hàng trong ngành...

Minh Thành - Báo Tuổi trẻ

Bài gốc