Chống ngập cho TP.HCM: Phải thay đổi cách làm
Theo chuyên gia, tiền chi cho công tác chống ngập tại TP.HCM quá nhiều nhưng hiệu quả không tương xứng vì có sai lầm trong cách làm.
Tình trạng mưa là ngập ở TP.HCM gây nhiều bức xúc cho người dân, nhất là khi Trung tâm chống ngập TP.HCM cho rằng công tác chống ngập đạt hiệu quả, nhiều tuyến đường tụ nước nhưng không ngập...
Kỹ sư Vũ Hải, người có hàng chục năm công tác trong lĩnh vực chống thoát nước, cho rằng vừa vào mùa mưa nhưng ngập ở khắp nơi. Tình trạng này sẽ còn tiếp diễn nếu không thay đổi cách nghĩ, cách làm, dù số tiền chi cho công tác này không hề nhỏ nhưng hiệu quả chưa tương xứng.
Chi nhiều, hiệu quả thấp
. Phóng viên: Ông có thể cho biết dựa vào đâu để đánh giá công tác chống ngập ở TP.HCM chưa hiệu quả?
+ Kỹ sư Vũ Hải: Tôi có hơn 50 năm công tác trong lĩnh vực cấp thoát nước, theo dõi khá kỹ về công tác chống ngập ở TP.HCM và có nhiều nghiên cứu về vấn đề này.
Tôi nói chưa hiệu quả vì mới vào mùa mưa mà tình trạng ngập nước đã xảy ra khắp nơi. Theo số liệu tôi có được thì các điểm ngập mưa chiếm 80%, còn ngập triều chiếm 20%.
Số tiền chi cho chống ngập đã lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng. Trong khi theo quy hoạch chống ngập cũng như xử lý nước thải, TP.HCM cần đến hàng chục tỉ USD để thực hiện các công trình liên quan. Song tôi cho rằng nếu không thay đổi cách làm thì sẽ tiếp tục gây tốn kém nhưng vẫn không hết ngập!
. Ông có thể chỉ rõ hơn về vấn đề tiền chi cho chống ngập quá nhiều nhưng kết quả không tương xứng?
+ Trong sáu bài viết gửi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, tôi cũng có dành riêng một bài phân tích về hiệu quả dự án kiểm soát triều 10.000 tỉ đồng đang thực hiện tại TP.HCM. Tôi cho rằng khi dự án này hoàn thành thì TP.HCM cũng vẫn còn ngập.
Bởi lẽ dự án này chủ yếu là xây các cống kiểm soát triều trên kênh, chưa kiểm soát được triều cường trên sông Sài Gòn. Dự án này là sản phẩm từ quy hoạch chống ngập do Bộ NN&PTNT thực hiện, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2008. Khi đó nhiều chuyên gia đã lên tiếng rất nhiều về những bất cập của quy hoạch này.
Sau khi quy hoạch được phê duyệt, Bộ NN&PTNT lại muốn làm thêm tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công. Vì sao phải dùng tới hai dự án chống ngập triều như vậy? Đó là cách làm khó hiểu, quá tốn kém. Do cách làm như vậy nên tiền sẽ chi nhiều nhưng hiệu quả lại không đạt.
. Vậy theo ông, dự án kiểm soát ngập triều ở TP.HCM nên được thực hiện như thế nào?
+ Theo tôi, nên xây cống kiểm soát triều ở sông Soài Rạp. Công trình này vừa ngăn được triều xâm nhập vào sông Sài Gòn từ xa nhưng không quá tốn kém như xây đê biển Vũng Tàu - Gò Công. Công trình này sẽ dùng công nghệ mới về kiểm soát triều, không đóng mở như các cống hiện nay mà là giảm lượng nước chảy ra một cách linh hoạt, không ảnh hưởng đến giao thông và môi trường.
Với chiều dài khoảng 3 km, chúng tôi tính toán công trình này chỉ tốn khoảng 300 triệu USD và chỉ mất hai năm thi công. Nếu trước đây chúng ta thực hiện công trình này thì sẽ kiểm soát được tình trạng ngập triều cho TP.HCM mà không phải tốn kém quá nhiều tiền để xây các công trình kiểm soát triều bên trong.
Phải thay đổi cách làm
. Nhưng vấn đề của TP.HCM là diện tích ngập do mưa còn lớn hơn ngập triều? Vậy chống ngập mưa bằng cách nào?
+ Đúng là TP.HCM chủ yếu ngập do mưa. Như phân tích ở trên, nếu trước đây chúng ta xây dựng cống kiểm soát triều ở sông Soài Rạp để khống chế được đỉnh triều thì công tác chống ngập mưa bên trong sẽ đỡ vất vả và tốn kém hơn.
Trên thực tế, có những trận mưa lớn lại gặp triều đang dâng nên tình trạng ngập sẽ phức tạp. Vì thế, công trình chống ngập triều và ngập mưa phải được tính toán, kết hợp hài hòa để đảm bảo ít tốn kém mà vẫn đạt được hiệu quả cao.
. Ông có thể chỉ ra những điểm bất hợp lý trong công tác chống ngập mưa ở TP.HCM hay không?
+ Có rất nhiều vấn đề trong chống ngập mưa. Chúng ta đã nói rất nhiều về công tác dự báo kém, nâng đường quá nhiều, quá cao khiến nhà dân trũng thấp… thì còn có những vấn đề cơ bản, thiết yếu lại không làm, chưa được đề cập.
Ví dụ, công tác chống ngập đã thực hiện 20 năm rồi nhưng đến nay TP.HCM vẫn chưa có bản đồ số về tình trạng ngập. Một ví dụ khác, đó là các dự án chống ngập mới được đầu tư rất nhiều với số tiền rất lớn nhưng những chuyện hết sức thiết thực như cải tạo, thay thế hệ thống miệng thu nước thì lại không làm.
Hiện ở khu vực trung tâm TP có rất nhiều miệng thu nước thiết kế không đảm bảo, vừa đọng ngập rác vừa gây hôi thối, mất vệ sinh môi trường. Nếu chúng không thu nước tốt thì làm sao hết ngập được…
. Theo ông, để chống ngập hiệu quả thì cần phải thay đổi cách làm như thế nào?
+ Đúng là phải thay đổi cách làm thì mới mong chống ngập hiệu quả. Còn với cách làm hiện nay thì dù TP có huy động được số tiền lớn cũng chẳng có ích lợi gì. Do đó phải thay đổi tư duy về quản lý chống ngập…
Có những việc cần làm ngay như xây dựng bản đồ số chống ngập cho TP.HCM, chỉ cần click chuột vào là biết rõ khu vực nào ngập, dự án đã triển khai hay chưa.
Tiếp đến, nên lập hội đồng khoa học thẩm định cách tính toán thiết kế các dự án chống ngập. Không nên gộp chung nước mưa và nước thải để xây dựng các nhà máy xử lý tập trung lớn mà phải phân tán ra… Chúng tôi đã thử tính toán các phương án chống ngập và xử lý nước thải đô thị cho TP.HCM với kết quả cho ra số tiền rẻ hơn rất nhiều so với con số tính toán của các đơn vị nhà nước.
Theo tôi, nên đấu thầu rộng rãi để tư nhân tham gia thực hiện các dự án chống ngập. Vì như thế nếu đơn vị nào thực hiện dự án không hiệu quả, chúng ta có thể xử lý được. Còn nếu chỉ giao cho các đơn vị nhà nước thực hiện như thời gian qua thì hiệu quả chống ngập dù không đạt được cũng không biết ai chịu trách nhiệm.
. Xin cám ơn ông.
Trung Thanh - Báo Pháp luật TP.HCM