Siêu bơm chống ngập – có thực là giải pháp?

Như chúng ta đã biết, sáng ngày 02/10/2017, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung đã ký kết hợp đồng nguyên tắc công trình bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) với giá thuê dự kiến 12 tỉ/năm sau một vài thử nghiệm thành công ở các trận mưa lớn ngập đường ngày 21/9, 30/9 và ngay trong ngày 2/10.

Nguồn: Báo Thanh niên

Nguồn: Báo Thanh niên

Vị trí lắp đặt máy bơm ở cửa xả cống thoát nước đường Nguyễn Hữu Cảnh ra sông Sài Gòn (khu vực Saigon Pearl), công suất từ 27.000 - 96.000 mét khối/giờ. Máy bơm chạy bằng dầu diesel, hoạt động 1 giờ tiêu hao nhiên liệu bình quân 200 lít dầu, chi phí tương đương khoảng 3 triệu đồng.

Máy bơm hoạt động thế nào

Máy bơm được thiết kế đặc thù cho khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh quận Bình Thạnh, với chiều cao 4m và chiều dài khoảng hơn 10m, bao gồm:

  • Hệ thống van 1 chiều và bộ điều khiển van: Thực trạng ở TPHCM, khi thủy triều dâng lên thì nước sẽ chảy vào cống, làm ngập úng những khu vực trũng thấp. Vì vậy, máy bơm được thiết kế một van ngăn triều để khi triều lên nước không vào được cống. Tuy nhiên, trong lúc van ngăn triều đóng mà trời có mưa to, nước dồn về nếu không bơm thì sẽ gây ngập.

Để giải quyết vấn đề này, van ngăn triều được kết nối với máy bơm, khi máy hoạt động, van sẽ mở ra để hút nước. Kể cả khi triều cường rất cao, bơm vẫn hoạt động tốt do đã được tính toán để lực đẩy máy bơm thắng được áp suất từ ngoài sông vào.

  • Cụm bơm chính:  Đường kính cánh quạt của cụm bơm chính lên tới 1,6m, sử dụng hệ thống bơm hút ly tâm tự động kết hợp với cảm biến đo mực nước, do đó chỉ cần ngồi ở trung tâm để điều khiển máy bơm hút nước từ cống ra sông, đồng thời đảm bảo bơm có thể hoạt động tốt trong mọi điều kiện. Máy bơm có thể đẩy nước chảy xa tới 10km mà không thể dội ngược lại do được trang bị van một chiều.

  • Hệ thống lọc tự động: Rác thải sẽ được lọc và chuyển vào đường ống riêng, sau đó đưa vào xe chuyên dụng mang đến nơi thu gom. Nước sau khi lọc qua rác chảy trong đường ống chính đổ ra sông.

Nguồn: Khoa học phát triển

Nguồn: Khoa học phát triển

Qui trình vận hành của máy rất đơn giản. Một đầu của máy bơm có van đóng nối với các miệng cống, khi cần hút nước hệ thống van này sẽ mở ra, máy bơm tạo áp lực hút nước từ cống ra đầu kia của máy bơm, lọc rác, và đổ nước ra sông. Khi nước ngập hạ ở mức thấp nhất, hệ thống sẽ dừng hoạt động và van đóng lại.

 
Nguồn: Zing

Nguồn: Zing

 

Các chuyên gia nói gì

Trong khi chính quyền và người dân phần lớn vui mừng trước giải pháp này, đặc biệt sau khi đã chứng kiến hiệu quả khi thử nghiệm sau mấy trận ngập lớn, thì nhiều chuyên gia lại tỏ ra dè dặt.  

Chuyên gia thủy lợi, KS Phan Khánh, Hội Khoa học Thủy lợi TP.HCM cho rằng việc lắp một trạm bơm siêu lớn để chống úng cho một cánh đồng rộng lớn đã là phản khoa học, lắp đặt cho đô thị lại càng phản khoa học.

 
photo-1-1506928923152-17-0-430-665-crop-1506928934176.jpg

Vì tiêu úng ở đô thị còn phụ thuộc vào hệ thống cống, nếu cống nhỏ quá thì nước về không kịp và đi kèm nguy cơ xói lở, sập cống nếu lưu tốc trong cống quá lớn.

 

Theo đánh giá của chuyên gia giao thông – tiến sĩ Phạm Sanh, công trình trạm bơm chống ngập nó có những ưu điểm và khuyết điểm riêng. Ưu điểm của nó là hút rất nhanh, phù hợp với các vùng nước trũng chứ không dùng cho công tác thoát nước trong đô thị. Cho nên nó chỉ sử dụng trong những đợt nước lớn, lưu lượng mưa lớn, ngập đột ngột, chứ không phải ngập thường xuyên.

 
tien-si-pham-sanh-1441777967.jpg

Tiến sĩ Sanh không cho rằng đây là giải pháp bền vững, vì trên thế giới không ai dùng hệ thống bơm để giải quyết ngập úng đô thị, trừ những nước nằm ở vùng trũng như Hà Lan, họ có hệ thống mạng lưới bơm.

 

Còn TP. HCM thì chỉ làm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh mà nếu sau này nâng đường lên lại thành lãng phí, chỉ nên dùng ở những trường hợp bất khả kháng, cá biệt, vì về mùa khô bảo trì rất tốn kém.

 
309e41eb.jpg

Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc (Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ và Quản lý TPHCM) lại đánh giá đây là việc làm sai lầm, không phải giải pháp cơ bản, sai hoàn toàn về khoa học.

 

Tuy nhiên những đánh giá của ông có lẽ chưa xem xét kĩ qui trình vận hành của máy bơm khi ông không biết bơm nước rồi đổ đi đâu và nếu đổ vào cống thì dùng cống nào?

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng khi trời mưa, thủy triều lên, bơm nước ra ngoài sông thì đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ hết ngập nhưng lượng nước ở đây lại dồn về gây ngập ở các khu vực thấp trũng khác. Hay chi phí 12 tỉ là khá tốn kém, có thể dùng giải pháp khác thay thế…

Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến bênh vực phương án này. Mặc dù đồng ý đó không phải là phương án bền vững, nhưng tạm thời có thể áp dụng để giải quyết ngập lụt trước mắt.

Giải pháp tình thế

Các giải pháp vĩ mô để giải quyết dứt điểm ngập lụt ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung đã được xem xét, nghiên cứu trong nhiều năm. Tuy nhiên việc thực hiện không phải là dễ dàng do rất nhiều yếu tố kinh tế, qui hoạch, năng lực triển khai…

 

Nên thực tế tình trạng ngập lụt vẫn diễn ra ngày một trầm trọng ở Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Vì vậy, giải pháp siêu máy bơm này, dù chi phí được đánh giá là hơi cao, dù còn tranh cãi, nhưng nó được xem là một ‘luồng gió mới’, một hành động “thực sự bắt tay vào giải quyết vấn đề” của chính quyền và bên cung cấp máy.

Trước mắt siêu máy bơm này đã đem đến những hiệu quả nhất định. Hơn thế nữa, nếu có thể kết hợp đồng bộ với các giải pháp khác, rất có thể bài toán ngập lụt cũng bớt hóc búa đi nhiều.

Thực tế trên thế giới, ở những quốc gia phát triển có công nghệ tiên tiến nhất người ta cũng thường kết hợp nhiều giải pháp, thường là tăng cường và hoàn thiện cả hệ thống đê điều, hệ thống ngăn lũ, hệ thống trạm bơm, hồ chứa…  

maxresdefault (1).jpg

Hà Lan – vùng trũng nhất của thế giới – có hệ thống đập Oosterschelde nổi tiếng với rất nhiều trạm siêu máy bơm.

000a-Northmoor-004.jpg

Vùng Somerset (Anh) sử dụng hệ thống hàng rào ngăn lũ và các máy bơm công suất lớn.

Vùng New Orleans Metropolitan của Mỹ - nơi 35% diện tích dưới mực nước biển – có hệ thống đê, cửa ngăn lũ, trạm bơm dài hàng trăm dặm.

maxresdefault (2).jpg

Nhật Bản và Bangkok (Thái Lan) cũng lắp đặt hàng chuỗi trạm bơm dọc các con sông để xử lý khi ngập lụt.

Vì vậy, siêu máy bơm có thể đâu đó còn khuyết điểm, nhưng cũng là một giải pháp đáng được cân nhắc, xem xét trong bối cảnh thực tế để hoàn thiện dần và áp dụng ở những khu vực phù hợp. Ít nhất thì, những lợi ích trước mắt nó mang lại không thể phủ nhận và hiện nay nó đang được người dân hết sức hoan nghênh.

Đ.K. Hà