Trạm quan trắc ngập đầu tiên tại TP.HCM: Khi Nhà nước và doanh nghiệp cùng chống ngập


Doanh nghiệp làm sản phẩm công nghệ, cung cấp dữ liệu, Sở KH&CN TP.HCM mô hình hóa trên nền tảng GIS phục vụ cho việc mô phỏng, dự báo tình hình ngập tại TP.

Lắp đặt trạm cảnh báo ngập tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q. Bình Thạnh. Ảnh: Doanh nghiệp cung cấp.

Lắp đặt trạm cảnh báo ngập tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q. Bình Thạnh. Ảnh: Doanh nghiệp cung cấp.

Mới đây, Trung tâm ứng dụng hệ thống thông tin địa lý, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM (HCM-GIS) đã phối hợp với Nam Long TekGroup triển khai lắp đặt thí điểm trạm quan trắc ngập đầu tiên trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.

Theo TS Bùi Hữu Phú, CEO Nam Long TekGroup, hiện nay TP.HCM đang thực hiện các giải pháp chống ngập công trình (cải tạo kênh, cống ngăn triều…). Tuy nhiên, các giải pháp công trình thường kéo dài khá lâu.

Trong khi đó, vào mùa mưa người dân thường đối mặt với ngập và thiếu thông tin về các vị trí ngập. Vì thế, nhóm nghiên cứu muốn ứng dụng hệ thống giám sát, cảnh báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng cũng như người dân về tình trạng ngập để định hướng thông tin, giúp người dân có hướng di chuyển tốt hơn.

Cũng theo ông Phú, đơn vị đã bàn bạc với Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, thuộc Sở Xây dựng TP.HCM, thí điểm lắp đặt trạm cảnh báo ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Quận Bình Thạnh - tuyến đường thường xuyên bị ngập khá nặng tại TP.HCM.

Hệ thống có camera, đèn cảnh báo ngập, cảm biến đo ngập, hộp chứa dữ liệu và pin năng lượng mặt trời. Vị trí lắp đặt trạm trên trụ chiếu sáng của con đường này. Hệ thống hoạt động 24/24 và gửi thông tin chính xác vị trí bị ngập bao nhiêu cm, dự báo sẽ ngập như thế nào, ngập trong bao lâu. Khi đường ngập ở độ sâu 20 cm, hệ thống đèn sẽ báo động màu đỏ liên tục.

Tất cả thông tin được hiển thị trên bản đồ số, và ứng dụng (app) canhbaongap trên điện thoại người dân, đồng thời hướng dẫn hướng lưu thông khác để tránh ngập. Trên hệ thống có thể cài đặt bao nhiêu cm thì hiển thị cảnh báo. Khi mức ngập vượt quá giới hạn cài đặt, đèn sẽ hiện cảnh báo đỏ, trên bản đồ số cũng vậy. Đèn tín hiệu sẽ ngưng hoạt động khi nước rút.

“Để thực hiện việc lắp đặt thực tế hôm nay, chúng tôi đã thử nghiệm sản phẩm gần 1 năm trước đó và đảm bảo hệ thống hoạt động tốt trên nhiều điều kiện thời tiết khác nhau. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đánh giá hiệu quả hệ thống để có thể lắp thêm nhiều trạm cảnh báo khác nhau. Khi một tuyến đường bị ngập, chúng tôi sẽ có những gợi ý một cách chuẩn xác nhất để người dân di chuyển vào đường khác, tránh ngập”- ông Phú chia sẻ.

Đối tác của công ty Nam Long trong dự án này là HCM-GIS, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Trước đó, Dự án thiết kế và xây dựng hệ thống đo, giám sát, mô phỏng cảnh báo và phòng chống ngập tại TP.HCM của ông Bùi Hữu Phú cũng đã đoạt giải Nhất cuộc thi "Tìm kiếm giải pháp, sản phẩm GIS" do HCM-GIS tổ chức năm 2018.

Nhận thấy tính ứng dụng thực tiễn cao của giải pháp này, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND TP.HCM đồng ý cho công ty Nam Long triển khai thí điểm đầu tiên ở cầu Nguyễn Hữu Cảnh.

TS Bùi Hữu Phú, đại diện nhóm tác giả phát triển công nghệ IoT trong việc cảnh báo ngập. Ảnh: Hà Thế An.

TS Bùi Hữu Phú, đại diện nhóm tác giả phát triển công nghệ IoT trong việc cảnh báo ngập. Ảnh: Hà Thế An.

Trao đổi với Tạp chí Khám phá, ông Phạm Quốc Phương, Giám đốc HCM-GIS, cho biết việc hợp tác với doanh nghiệp nằm trong chương trình công nghiệp chủ lực của TP.HCM mà hai bên ký kết. Theo đó, doanh nghiệp sẽ phát triển các sản phẩm công nghệ, cung cấp dữ liệu về tình trạng ngập nước, còn đơn vị Nhà nước sẽ mô hình hóa trên nền tảng Hệ thống thông tin địa lý GIS phục vụ cho việc mô phỏng, dự báo tình hình ngập tại TP.HCM.

“Hiện tại phía doanh nghiệp đang thực hiện các hoạt động nghiên cứu, triển khai (R&D) nhằm đánh giá tính hiệu quả của hệ thống, có thể triển khai nhiều điểm khác nhau. Nếu hiệu quả tốt thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể hợp tác với Sở KH&CN để triển khai thực tế tại nhiều địa điểm khác của thành phố”- ông Phương nói.

Tác giả chính của trạm cảnh báo ngập lắp đặt thí điểm tại đường Nguyễn Hữu Cảnh là TS Nguyễn Hữu Phú (sinh năm 1974), nguyên Phó giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm, ĐH Quốc gia TP.HCM. Ông Phú tốt nghiệp chuyên ngành điện tử - tự động hóa tại ĐH Bách khoa TP.HCM, sau đó làm nghiên cứu sinh tại ĐH Hokkaido (Nhật Bản) trong 5 năm. Năm 2015, ông thành lập startup công nghệ mang tên Nam Long TekGroup hoạt động chủ lực trong việc phát triển ứng dụng IoT.

Theo Hà Thế An - Khám phá

Bài gốc

Xem thêm