“Giải mã” tàu không người lái phục vụ quan trắc môi trường, cứu hộ tại TP.HCM


Những giảng viên làm tàu ngầm tự hành phục vụ quan trắc môi trường, cứu hộ sẽ chia sẻ những nghiên cứu, thử nghiệm mới nhất về lĩnh vực này.

TS Trần Ngọc Huy và nhóm nghiên cứu tàu tự hành.

TS Trần Ngọc Huy và nhóm nghiên cứu tàu tự hành.

Sự kiện sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 25/07 (thứ năm) sắp tới tại Sàn giao dịch công nghệ (Techmart), thuộc Trung tâm thông tin thống kê, khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM, số 79 Trương Định, Quận 1, TP.HCM.

Theo đó, TS Tôn Thiện Phương, ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ trình bày Tổng quan về tàu ngầm tự hành phục vụ quan trắc môi trường, khảo sát sông hồ và cứu hộ cứu nạn trên thế giới và tại Việt Nam. Tiếp đến, TS Trần Ngọc Huy, cũng là giảng viên của ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ giới thiệu các phương pháp quan trắc môi trường, khảo sát sông hồ, cứu hộ cứu nạn hiện nay, cũng như giới thiệu cấu tạo nguyên lý hoạt động và những kết quả ban đầu của tàu ngầm tự hành mà nhóm nghiên cứu đã thực hiện.

Được biết, tàu không người lái là sáng chế liên ngành với sự phối hợp giữa Khoa Điện - Điện tử, Khoa Cơ khí, Bộ môn Kĩ thuật Tàu thủy, Khoa Công nghệ Thông tin (Đại học Bách khoa) và Trung tâm Quan trắc Môi trường phía Nam (thuộc Tổng cục Quan trắc môi trường nước).

Tàu tự hành được trang bị hệ thống cảm biến phong phú, độ chính xác cao, bộ xử lý tốc độ cao và giải thuật điều khiển thông minh, giúp tàu có thể hoạch định quỹ đạo, lập kế hoạch đường đi tối ưu để thực hiện việc tuần tra, giám sát, theo dõi đối tượng, cứu hộ cứu nạn và quan trắc môi trường nước…

Tàu không người lái sử dụng pin lipo có trọng lượng nhẹ hơn so với ắc quy, hiệu suất sử dụng cao hơn, giúp tàu có thể hoạt động liên tục trong khoảng 5 giờ đồng hồ với tốc độ tối đa khoảng 10 km/giờ. Tàu có thể hoạt động trên sông, hồ, vùng ven biển, thậm chí là vùng nước nguy hiêm, ô nhiễm.

TS Huy chia sẻ, nghiên cứu về tàu không người lái là một trong số ít nghiên cứu tại Việt Nam về lĩnh vực này. Do đó, quá trình nghiên cứu còn gặp một số khó khăn trong việc xin phép thử nghiệm trên sông, hồ; khả năng liên kết giữa nhóm nghiên cứu và các đơn vị có nhu cầu ứng dụng vẫn còn hạn chế.

Theo nhóm nghiên cứu, tàu không người lái có nhiều công năng khác nhau và tùy từng mục đích, nhóm có thể tích hợp và phát triển thêm các tính năng phù hợp theo yêu cầu của người sử dụng.

Cộng đồng quan tâm đến lĩnhh vực này có thể đăng ký tham gia miễn phí chương trình hội thảo tại đây.

Theo Hà Thế An - Khám phá

Bài gốc

Xem thêm