TPHCM thí điểm thiết bị giám sát cảnh báo ngập lụt bằng công nghệ cảm biến vi cơ điện tử (Mems) người Việt chế tạo

Sản phẩm này do Trung tâm Nghiên cứu - Triển khai Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP Labs) nghiên cứu và sản xuất. 

o3c_RZTM.jpg

TPHCM đang thí điểm thiết bị giám sát cảnh báo ngập lụt WLM-0717 bằng công nghệ cảm biến vi cơ điện tử (Mems) do các kỹ sư Việt Nam nghiên cứu và chế tạo với giá thành rẻ hơn sản phẩm ngoại nhập cùng tính năng. Sản phẩm này do Trung tâm Nghiên cứu - Triển khai Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP Labs) nghiên cứu và sản xuất. 

Hội thảo “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ MEMS trong việc chế tạo linh kiện cảm biến áp suất ứng dụng xây dựng các module đo mực nước” do SHTP Labs vừa tổ chức, với sự tham dự của Ban quản lý SHTP, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM và các nhà khoa học, cho thấy những khả năng vượt trội của sản phẩm về giá cũng như tương đương về chất lượng nếu so với thiết bị ngoại nhập. 

Hệ thống cảnh báo ngập do SHTP Labs nghiên cứu và chế tạo đang được lắp đặt thí điểm tại 10 điểm ở 8 quận - huyện trên địa bàn TPHCM, là những điểm thường xuyên bị ngập nặng của thành phố.

Hệ thống cảnh báo ngập WLM-0717 có phần cứng và phần mềm được chế tạo bằng công nghệ MEMS, gồm: Mạch điện truyền thông 3G và module cảm biến áp suất; phần mềm quản lý dữ liệu tập trung và ứng dụng trên thiết bị di động. Khi có tình trạng ngập lụt do triều cường hoặc mưa, hệ thống này sẽ tự đo mực nước (5 phút/lần) và truyền dữ liệu về máy chủ.

Sau khi phân tích dữ liệu nhận được ở các điểm ngập, phần mềm quản lý dữ liệu sẽ đưa ra thông tin cảnh báo ngập và lộ trình di chuyển cho người dân trên thiết bị di động.

Hơn thế nữa, hệ thống này còn có thêm ưu điểm như sử dụng bản đồ GIS từ cơ sở dữ liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường TP; linh kiện, phần mềm quản lý dữ liệu đều do các kỹ sư Việt Nam thực hiện nên bảo đảm về an ninh thông tin và giá thấp, khoảng 10 triệu đồng/bộ. 

Theo ông Lý Thọ Đắc, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM, hiện thành phố có 40 điểm ngập. Nguyên nhân chính là do mưa và triều cường, có những vùng bị ngập cả do mưa và triều cường. Từ năm 2000, TPHCM đã kiểm soát các điểm thường ngập của thành phố bằng cách xác định các điểm ngập rồi cử công nhân đến đo mực nước, diện tích ngập…

Tất cả công việc này đều thủ công nên số liệu chưa chính xác. Gần đây, công ty đã mua thiết bị đo cảnh báo chống ngập của nước ngoài nhưng giá khá cao, khoảng 32 triệu đồng.

“Từ khi đưa hệ thống cảnh báo ngập do SHTP Labs nghiên cứu và chế tạo vào thử nghiệm tại 10 điểm, kết quả cho thấy độ chính xác trong cảnh báo tương đương với hệ thống nhập ngoại”, ông Lý Thọ Đắc cho biết thêm. 

Theo ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc SHTP Labs, trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu của SHTP Labs sẽ phối hợp với Trung tâm Chống ngập nước TPHCM và Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị tiếp tục nghiên cứu nâng cấp phần cứng của hệ thống; tích hợp với kết quả quan trắc, thu thập số liệu về giao thông, kẹt xe trong thời gian ngập; xây dựng cảnh báo rủi ro ngập đến người dân sớm hơn trước khi tình trạng ngập thực tế diễn ra… 

Bá Tân - SGGP

Bài gốc