Có gì đặc biệt trong trại gà đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn GlobalGAP?

Không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn về chuồng trại, gà nuôi ở đây còn được 'tôn trọng', không bị ngược đãi... - những yêu cầu vốn chỉ có ở những trại gà của châu Âu.

Ông Kha đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại trong quy trình chế biến gà. Ảnh: BSA.

Ông Kha đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại trong quy trình chế biến gà. Ảnh: BSA.

Ông Nguyễn Minh Kha, chủ một trại gà tại Đồng Nai, đã đáp ứng hơn 400 tiêu chí của quy trình nuôi gà chuẩn Châu Âu và nhận giấy chứng nhận chuẩn GlobalGAP.

Ông Kha bắt đầu áp dụng thực hiện các tiêu chuẩn GlobalGAP từ tháng 4 năm 2017. Ngay từ thời điểm đó, tại trang trại gà của ông, các công nhân của khu trại phải thực hiện các quy trình, quy chuẩn, kiểm tra, giám sát… theo các tiêu chuẩn này.

Ông Kha cho biết phải đầu tư thêm gần 1 tỉ đồng để đáp ứng hơn 400 tiêu chí của quy trình nuôi gà chuẩn Châu Âu. Trong đó có các tiêu chuẩn về phần cứng như cơ sở vật chất, hệ thống máy móc, hạ tầng chuồng trại. Và phần mềm như kỹ thuật, kiểm soát, quản lý, chính sách chất lượng trong quy trình sản xuất.

Đáng chú ý, là yêu cầu nuôi gà tại trại phải tuân thủ những nguyên tắc đối xử với động vật, như tôn trọng, không được gây đau đớn, không ngược đãi vật nuôi... - những yêu cầu vốn chỉ có ở những trại gà của châu Âu.

Chứng nhận GlobalGAP, sản phẩm chăn nuôi từ trại gà của ông Kha được công nhận trên quy mô toàn cầu, được các nhà nhập khẩu, phân phối lớn chấp nhận.

Ngoài ra, sản phẩm thịt gà từ trang trại của ông được phân biệt bằng hệ thống định vị tọa độ địa lý toàn cầu, giúp truy xuất nguồn gốc.

Ông Kha chia sẻ, việc áp dụng các tiêu chí của chứng nhận GlobalGAP giúp ông thuận lợi trong việc quản lý chi phí sản xuất, chất lượng, số lượng.... Điều này giúp doanh nghiệp của ông nâng chất lượng, xây dựng thương hiệu và trở thành nhà cung cấp cho chuỗi sản xuất toàn cầu.

“Sắp tới tôi sẽ cho xây dựng thêm một trang trại nữa để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”- ông Kha nói.

Ông Khưu Nhơn Hiếu, Tổng giám đốc Konyu Unitek, đơn vị đối tác của ông Kha về phân phối sản phẩm gà tại Nhật Bản cho biết, gà giống xuất khẩu và gà thương phẩm phải truy xuất nguồn gốc. Đây là một trong số 200 tiêu chí để xuất khẩu thịt gà sang Nhật.

“Muốn làm được điều đó, doanh nghiệp liên kết với nông dân để tạo thành chuỗi cung ứng sản phẩm. Doanh nghiệp cũng phải cử chuyên gia xuống hỗ trợ cho nông dân xây dựng các tiêu chí của chuẩn quốc tế”- ông Hiếu chia sẻ.

Hà Thế An - Báo Khám phá

Bài gốc