Cô gái trẻ khởi nghiệp thành công từ nuôi trồng tảo xoắn Spirulin


Thực hiện mô hình nuôi trồng tảo xoắn Spirulin, Thư gặp không ít khó khăn khi tảo xoắn Spirulin (tảo mặt trời) là cái tên còn rất mới, ít người biết.

2-htx_qyod.jpg

Tốt nghiệp Đại học ngành Quản trị kinh doanh và Công nghệ thực phẩm, Đinh Nguyễn Hoàng Thư (31 tuổi) ở thành phố Đà Nẵng từng giữ vị trí Trưởng phòng Kinh doanh ở một công ty với mức thu nhập ổn định. Sau đó, Thư nghỉ việc và theo đuổi ước mơ riêng mình. Sau hơn 3 năm, hiện Thư đang là Giám đốc HTX Công nghệ cao Mặt Trời Việt cho ra đời những sản phẩm dinh dưỡng từ tảo xoắn Spirulin (tảo mặt trời).

Đinh Nguyễn Hoàng Thư là con gái trong một gia đình có truyền thống làm các loại bánh sản xuất trên dây chuyền hiện đại đã mấy chục năm. Ngay từ nhỏ, Thư đã quen với việc chọn nguyên liệu, làm đồ thực phẩm. Bố mẹ đã định hướng cho Thư nếu không muốn làm việc ở ngoài thì có thể nối nghiệp làm bánh của gia đình.

Thư tâm sự, năm 2016 khi biến cố xảy ra với ông ngoại, Thư chuyển hướng nghiên cứu về các loại thực phẩm bổ sung cho sức khỏe và biết đến loại tảo xoắn Spirulin (tảo mặt trời). Đây là tảo chứa nhiều chất có tác dụng phòng trị bệnh.

“Hồi đó ông ngoại đâu rất nặng, bị ung thư phổi, thời điểm đó ông chỉ còn 36kg, người bị suy nhược, không tiêu hóa được, rất đau đớn. Lúc đó tôi nuôi thử tảo xoắn Spirulina cho ông uống thì thấy về tiêu hóa cho ông cũng đỡ, nhưng chữa khỏi thì là điều không thể vì giai đoạn đó là hết thuốc chữa rồi. Từ cơ duyên đó, tôi bắt đầu theo đuổi ngành này với mong muốn tạo ra sản phẩm mang tính chất thương hiệu của Việt Nam nhưng có giá trị thực sự cho mọi người” – Đinh Nguyễn Hoàng Thư bộc bạch về bước ngoặt khởi nghiệp của mình.

Bắt tay thực hiện mô hình này, Thư gặp không ít khó khăn khi tảo mặt trời là cái tên còn rất mới ít người biết đến. Bố, mẹ không muốn Thư phải vất vả, một mình bươn chải. Nhưng Thư cho rằng “con đường khởi nghiệp luôn phải khó khăn nhưng hãy cứ đam mê và đừng bỏ cuộc giữa chừng thì chắc chắn thành công”. Sau khi thuyết phục được gia đình ủng hộ thì Thư lại đối mặt với những khó khăn lớn hơn là thiếu kinh nghiệm, thiếu mặt bằng để nuôi trồng và sản xuất tảo.

Ban đầu, Thư nhập giống tảo từ nước ngoài về và tự nhân giống rồi tìm hiểu quy trình nuôi trồng. Sau nhiều lần thất bại, Thư đã tìm ra phương pháp nuôi trồng tảo cho riêng mình. Thành công với việc nhân giống, Thư bắt đầu mở rộng quy mô nuôi trồng và nghiên cứu mô hình khép kín (nuôi trồng – thu hoạch – lọc rửa – ép sấy) để đảm bảo vệ sinh cũng như giữ được chất dinh dưỡng trong tảo mặt trời.

Thư cho biết, nuôi trồng tảo theo mô hình khép kín vừa tạo được nguồn thu, vừa góp phần cải thiện môi trường. Với diện tích khu nuôi trồng và sản xuất khoảng 900 mét vuông tại bán đảo Sơn Trà, năm 2019, HTX Công nghệ Mặt Trời Việt của Đinh Nguyễn Hoàng Thư được thành lập. Hiện nay, các sản phẩm tảo của HTX đã có mặt tại 3 thị trường Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM.

co-gai-tre-khoi-nghiep-tu-cong-nghe-trong-tao-spirulina-kn-thumb43.jpg

Ông Phạm Đức Mẫn, thành viên trong hợp tác xã cho biết, mỗi năm, HTX bán ra thị trường khoảng 10.000 sản phẩm các loại và giải quyết công ăn việc làm cho gần 10 lao động tại địa phương.

“Công việc ở đây rất thỏa mái và mang lại cho tôi nguồn thu nhập ổn định. Đây là sản phẩm hỗ trợ sức khỏe cho mọi người từ trẻ nhỏ cho đến người già tất cả đều sử dụng sản phẩm được. Đặc biệt hơn sản phẩm này còn mang tính bảo vệ môi trường, giúp ích cải thiện chất lượng nguồn nước” – ông Mẫn nói.

Mới đây, tại cuộc thi “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” do UBND quận Sơn Trà và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng tổ chức, Đinh Nguyễn Hoàng Thư đã đoạt giải nhất với ý tưởng “Ứng dụng năng lượng mặt trời và trang thiết bị cho nuôi trồng và chế biến tảo xoắn”.

Bà Đinh Thị Sơn Ca, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ phường An Hải Đông, quận Sơn Trà Thành phố Đà Nẵng cho biết: “Đinh Nguyễn Hoàng Thư là một trong những chủ nữ doanh nghiệp trẻ, năng động. Sản phẩm tảo của chị Thư giúp bảo vệ môi trường. Khi thu hoạch tảo thì lợi nhuận cũng như giá trị năng lượng của sản phẩm này rất cao. Hy vọng rằng trong những năm tiếp theo Hợp tác xã của chị Thư phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đây cũng là một trong những thị trường cũng như định hướng cho các cô, các chị em muốn buôn bán, khởi nghiệp về dòng sản phẩm này”.

Phương Cúc/VOV-Miền Trung


Xem thêm