Cơ hội bứt phá từ chuyển đổi số
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào nhấn mạnh nhu cầu tất yếu để các doanh nghiệp Việt Nam phục hồi và phát triển trong năm 2021, là phải chuyển đổi số để tạo bứt phá.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã và đang tìm cách “vượt bão” để đón lấy cơ hội lớn. Bà đánh giá thế nào về khả năng phục hồi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các nhà bán lẻ?
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 96% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam, đóng góp khoảng 40% GDP và thu hút gần 60% lao động trên cả nước. Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp nhỏ và nhà bán lẻ đã có những bước chuyển mình tích cực để thích ứng với khó khăn, thách thức.
Báo cáo của Visa về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng năm 2020 cho thấy, 45% người tiêu dùng đang sử dụng phương thức thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại và 40% người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc.
Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), năm 2020, giao dịch thanh toán qua Internet và điện thoại di động tăng 238% về giá trị.
Còn theo số liệu của Vụ Thanh toán (ngân hàng Nhà nước), chỉ trong 7 tháng đầu năm 2020, số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt 240,9 triệu giao dịch với giá trị đạt 15,2 triệu tỷ đồng, tăng 39,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Báo cáo Phục hồi kinh doanh của Visa vừa công bố tháng 1/2021(1), trên toàn cầu, có đến 82% doanh nghiệp đã nhanh chóng thay đổi cách thức kinh doanh. Cụ thể, 43% doanh nghiệp đã lên sàn trực tuyến, 39% chủ doanh nghiệp chấp nhận thanh toán không tiếp xúc và 30% doanh nghiệp đã chuẩn bị thành công hệ thống hỗ trợ thanh toán điện tử. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng để doanh nghiệp nhỏ có đủ sức bật “vượt bão”.
Có thể thấy, nhu cầu thanh toán điện tử của người tiêu dùng là rất lớn và nhiều khả năng sẽ tăng trưởng mạnh. Đây là cơ hội lớn cho những nhà kinh doanh nhỏ lẻ đang tìm cách bứt phá để mở rộng thị trường, tối đa hóa doanh thu.
Cùng với sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, các hình thức thanh toán mới đã phát triển, điển hình là thanh toán không tiếp xúc qua điện thoại thông minh vừa được Visa triển khai tại Việt Nam, và nhu cầu này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Việc nắm bắt và đáp ứng tốt thói quen thanh toán của người tiêu dùng sẽ là một lợi thế lớn đối với doanh nghiệp đã quen thuộc với kinh doanh trực tuyến.
Cụ thể, hành vi thanh toán của người tiêu dùng đã thay đổi như thế nào, thưa bà? Đó có phải là nhu cầu phát sinh từ sau đại dịch, hay do quan điểm và sự hiểu biết về thanh toán điện tử đã có biến chuyển?
Những thay đổi trong hành vi thanh toán thể hiện rõ nét trong báo cáo của Visa về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng năm 2020(2). Theo đó, 58% người tiêu dùng cho biết, rủi ro thấp là lợi ích hàng đầu của một xã hội không tiền mặt; 50% cho rằng, thanh toán đơn giản, tiện lợi là lý do để sử dụng các phương thức thanh toán không tiếp xúc. Việc thực hiện giao dịch an toàn, hiệu quả và nhanh chóng hơn đã mang đến những tác động và chuyển biến tích cực trong thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người tiêu dùng.
Có thể nói, hạ tầng để triển khai thanh toán số, đặc biệt là không tiếp xúc đang ngày càng hoàn thiện và phát triển mạnh mẽ, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với phương thức thanh toán này. Báo cáo VisaNet (tháng 6/2020) ghi nhận, các giao dịch không tiếp xúc trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng hơn 500% so với 6 tháng đầu năm 2019, đưa tổng giá trị giao dịch không tiếp xúc của Visa tăng hơn 600% trong cùng kỳ. Rõ ràng, các phương thức không tiếp xúc như chạm thẻ hoặc chạm điện thoại lên máy đọc thẻ POS/mPOS để thanh toán đang dần phổ biến và cho thấy nhiều lợi ích hơn so với thanh toán bằng tiền mặt.
Visa đang phối hợp với các đối tác chiến lược để triển khai giải pháp thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại (Tap to Phone) và phê duyệt nhà bán hàng siêu tốc (RSO). Công nghệ này cho phép biến các điện thoại sử dụng hệ điều hành Android thành thiết bị chấp nhận thanh toán. Giải pháp RSO còn giúp các nhà bán lẻ và bên cung cấp dịch vụ chủ động hỗ trợ khách hàng đẩy nhanh thời gian thanh toán, giao hàng. Những người tiêu dùng trước đây chỉ thanh toán bằng tiền mặt sẽ dần quen với hình thức thanh toán số và bắt đầu sử dụng thanh toán không tiếp xúc thường xuyên hơn, như thanh toán hóa đơn nhà hàng, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, mua bảo hiểm...
Theo bà, thách thức mà doanh nghiệp nhỏ và các nhà bán lẻ đang phải đối mặt trong công cuộc chuyển đối số là gì? Họ cần làm gì để đón đầu những thay đổi trong hành vi tiêu dùng?
Chuyển đổi số đòi hỏi các doanh nghiệp phải sẵn sàng thay đổi phương thức quản lý, văn hóa kinh doanh, trang bị kiến thức về các phương thức thanh toán số và các cách thức tương tác mới hiệu quả hơn với người tiêu dùng. Việc đầu tư và thống nhất trong triển khai chiến lược số hóa sẽ giúp doanh nghiệp có được nhiều lợi ích lâu dài về hiệu quả quản lý doanh nghiệp và phát triển kinh doanh.
Khi bắt tay vào quá trình chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải hợp lý hóa hoạt động kinh doanh, đồng thời quản lý chặt chẽ dòng tiền để tiết kiệm chi phí và tạo tiền đề để mở rộng thị trường. Theo đó, doanh nghiệp cần tích hợp các giải pháp thanh toán số vào hệ thống của mình. Việc số hóa bằng thẻ doanh nghiệp có thể giúp doanh nghiệp nhanh chóng xác định các khoản chi tiêu và phân loại chi phí, từ đó dễ dàng xác định hoạt động nào đang tốn kém hoặc không hiệu quả. Như vậy, thẻ tín dụng doanh nghiệp có thể hoạt động như một công cụ lập kế hoạch kinh doanh và điều phối ngân sách hiệu quả.
Thẻ thanh toán doanh nghiệp của Visa không chỉ hỗ trợ thanh toán, mà còn cấp quyền truy cập vào các công cụ báo cáo, giúp chủ doanh nghiệp quản lý từ xa ở nhiều khía cạnh.
Khảo sát do Visa thực hiện ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (năm 2019) chỉ ra rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ dành trung bình 60 giờ mỗi tháng cho các công việc hành chính như lập hóa đơn, đối chiếu và chi trả. Một trong những trở ngại lớn của việc chuyển khoản qua ngân hàng là tốn thời gian và có thể xảy ra sai sót, dẫn đến chậm trễ. Bằng cách sử dụng thẻ doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiết kiệm đáng kể thời gian của các nhân viên kế toán tài chính, nhờ vào quá trình xử lý nhanh chóng và tự động phân chia các khoản chi. Việc tăng cường năng suất hoạt động của bộ phận kiểm soát và kế toán sẽ giúp công ty có thêm thời gian, nguồn lực để tập trung vào việc phát triển kinh doanh.
Trong thời gian vừa qua, Visa đã đề ra những chủ trương, hoạt động gì để hỗ trợ các nhà kinh doanh nhỏ và các đơn vị bán lẻ, thưa bà?
Kinh doanh trực tuyến tuy rất nhiều tiềm năng, mở ra nhiều cơ hội cho ngành bán lẻ, nhưng có thể sẽ là thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ kinh doanh trực tuyến là một trong những mục tiêu chiến lược Visa sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong năm mới.
Từ năm 2020, Visa đã bắt đầu triển khai chương trình “Giá trị sức mua của bạn”, hợp tác với đối tác thương mại điện tử như Shopee và NowFood nhằm thúc đẩy lượng truy cập, đồng thời giới thiệu những ưu đãi, khuyến mãi cho khách hàng và các đơn vị đăng ký mới, hỗ trợ các nhà bán hàng nhỏ lẻ, thu hút người tiêu dùng tham gia vào nền kinh tế số. Việc phối hợp này sẽ được tiếp tục mở rộng với nhiều lợi ích và giá trị phát triển mới cho các doanh nghiệp nhỏ trong thời gian tới.
Gần đây, Visa cũng phối hợp cùng các đối tác như Hiệp hội Thương mại điện tử (Vecom), Google, Haravan… qua Dự án Grow Retail - Retail University, triển khai các hoạt động đào tạo, huấn luyện kiến thức về môi trường kinh doanh thương mại điện tử, các giải pháp tối ưu để tham gia kinh doanh trên môi trường online, thanh toán số an toàn và nhanh chóng. Việc tham gia học hỏi và cập nhật các xu hướng công nghệ, kiến thức về ứng dụng công nghệ là rất quan trọng với doanh nghiệp và nhà bán lẻ để có được một mô hình kinh doanh hiệu quả.
Bà có nhận định gì về tương lai của ngành thanh toán?
Trong tương lai, với sự nở rộ của các phương thức thanh toán kỹ thuật số, các nhà bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ cần phải quan tâm hơn đến vấn đề bảo mật thanh toán. 47% doanh nghiệp cho rằng, các phần mềm bảo mật và kiểm soát gian lận sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng (Báo cáo Phục hồi doanh nghiệp năm 2020 của Visa).
Bên cạnh đó, công nghệ thanh toán không tiếp xúc tiếp tục thể hiện những ưu điểm vượt trội trong việc đem đến trải nghiệm mua sắm tiện lợi, nhanh chóng và bảo mật.
Việc số hóa hệ thống hỗ trợ thanh toán sẽ được phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm tới, mang đến trải nghiệm mua sắm đa kênh và nhanh chóng cho người tiêu dùng. Vấn đề bảo mật trong thanh toán cần tiếp tục được các bên đầu tư mạnh mẽ, xu hướng kết nối và phát triển hệ sinh thái kết hợp cùng hạ tầng thanh toán mở sẽ giúp đem đến nhiều trải nghiêm an toàn, thuận lợi và nhiều lợi ích gia tăng cho khách hàng.
Trong tương lai, Visa vẫn sẽ không ngừng phát triển các phương thức thanh toán số hiện đại, mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng kinh doanh trực tuyến, nhằm nâng cao trải nghiệm mua sắm, từ đó thu hút thêm nhiều khách hàng tham gia vào thị trường thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo Báo đầu tư