Cơ hội nào cho startup khai thác nguồn nguyên liệu thảo dược Việt?
Khi nhu cầu khai thác các nguyên liệu thiên nhiên địa phương như thảo dược hay dược phẩm tăng cao và trở thành xu hướng kinh doanh của cộng đồng startup, VN nhanh trở thành nguồn cung tiềm năng...
Khi nhu cầu khai thác các nguyên liệu thiên nhiên địa phương như thảo dược hay dược phẩm tăng cao và trở thành xu hướng kinh doanh của cộng đồng startup, Việt Nam nhanh chóng cho thấy mình là một nguồn cung tiềm năng và độc đáo.
Giá trị liên tục được củng cố
Cùng với nhiều quốc gia Á Đông khác, Việt Nam được đánh giá là một trong những "thánh địa" về thảo liệu (nguyên liệu thảo mộc) hay thảo mộc - dược liệu, khi được hậu thuẫn bởi khí hậu nhiệt đới, sự đa dạng về thổ nhưỡng và lịch sử khai thác thảo dược liệu lâu đời.
Theo thống kê đến năm 2019 của Cục quản lý Y dược Cổ truyền - Viện Dược liệu, nước ta hiện có đến hơn 5000 loài thực vật và nấm có công dụng làm thuốc chủ yếu thuộc 7 vùng sinh thái bảo tồn là Lào Cai, Tam Đảo, Hà Nội, Thanh Hoá, Phú Yên, Đà Lạt và TP.HCM…
Không chỉ phong phú, giá trị của thảo liệu Việt - chủ yếu thông qua các thảo dược đặc chủng địa phương, còn được khẳng định với dược tính nổi trội so với các thảo mộc cùng loại. Tỏi Lý Sơn, gừng núi đá Lạng Sơn, nghệ đỏ Hưng Yên… là một vài trong số rất nhiều thảo mộc điển hình có thể kể đến.
Như vậy, tiềm năng khai thác của thảo liệu Việt là không hề nhỏ. Thậm chí, quan điểm này còn được củng cố qua các giai đoạn khó khăn như dịch bệnh vừa qua.
Trước hạn chế về nhập khẩu hay vận chuyển, nguồn nguyên liệu thiên nhiên phụ cận hoặc tự cấp - vốn là nhân tố phổ biến dành cho các mô hình kinh doanh bền vững, đã trở thành khuynh hướng tất yếu giúp các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp trẻ) sống sót dễ dàng hơn.
Mặt khác, chất lượng nông sản, thảo mộc của Việt Nam từng bước được nâng cao, nguồn cung tương đối ổn định, các đơn vị cung cấp cũng đa dạng hơn bên cạnh giá thành có phần cạnh tranh… chính là những nhân tố quan trọng khiến nhiều doanh nghiệp mở lòng với nguyên liệu nội nhiều hơn thay vì nguyên liệu nhập khẩu như trước.
Muôn màu khởi nghiệp từ thảo liệu Việt
Nhờ các trợ lực sẵn có kể trên, không quá bất ngờ khi nguồn thảo liệu Việt được chú ý và trở thành tiền đề khởi nghiệp cho nhiều doanh nghiệp trẻ ra đời và phát triển tại Việt Nam thời gian gần đây.
Đơn cử như Lecka Việt Nam khởi nghiệp với snack dinh dưỡng sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương
Ở mảng thực phẩm, các loại trái cây và gia vị quen thuộc vủa người Việt như gừng, chanh, mít, dừa... đã xuất hiện trong sản phẩm bánh ép ngũ cốc (energy/protein bar) của Lecka Việt Nam - startup về snack sức khoẻ ra đời năm 2020, giúp thương hiệu trẻ tìm thấy sự độc đáo và tiềm năng phát triển của mình tại Việt Nam - dù văn hoá sử dụng protein bar chưa thực sự phổ biến với người tiêu dùng trong nước.
Theo chia sẻ của ông Markus Gnirck - nhà sáng lập Lecka Việt Nam cho biết, việc lựa chọn nguồn nguyên liệu nội địa không chỉ giúp giải quyết vấn đề giá và tính ổn định của nguyên liệu đầu vào mà còn hỗ trợ khơi nguồn ý tưởng cho việc phát triển các hương vị mới.
Khác với vị đặc trưng của yến mạch, cốm nguyên hạt, gạo trong bánh ép ngũ cốc truyền thống ngoài thị trường, nhiều sản phẩm thanh năng lượng của Lecka mang phong vị quen thuộc nhưng độc đáo của cây trái và thảo mộc Việt như ‘Lecka vị cam, chanh và gừng' hay ‘Lecka vị sô-cô-la trái cây" có sử dụng mít và bột báng. Đó là chưa kể đến việc hương vị địa phương này được tôn thêm nhờ phần bao bì sử dụng lá chuối theo tập quán của người Việt, đồng nhất thông điệp "sống xanh, sống khoẻ" mà thương hiệu theo đuổi.
Mỹ phẩm là lĩnh vực không kém cạnh khi xu hướng sử dụng nguồn thảo liệu nội địa ngày càng sôi động động, nhờ thị hiếu tăng cao dành cho các sản phẩm có yếu tố "đông y", "nam dược". Song, số lượng các doanh nghiệp nắm được cờ trận thì không nhiều. Nguyên nhân là vì nguyên liệu thiên nhiên có thể tương tự nhau nhưng việc lựa chọn nguồn cung chất lượng, công thức phù hợp, hướng chuyên hoá và chiến lược kinh doanh sẽ tạo ra sự cách biệt lớn giữa các doanh nghiệp.
Giải thích thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngọc Thuý, nhà sáng lập công ty M.A.I Việt Nam - thương hiệu mỹ phẩm Dr Mai cho biết, thách thức lớn nhất mà các thương hiệu mỹ phẩm trẻ, sử dụng nguyên liệu tự nhiên không phải nằm ở công thức mà ở vấn đề quản lý chất lượng nguồn cung nguyên liệu.
"Không phức tạp và bí mật như nhiều người vẫn nghĩ, các công thức mỹ phẩm gia truyền sử dụng nguyên liệu tự nhiên hiện nay thật ra chỉ tập trung khai thác dược tính các loại thảo mộc dễ tìm, quen thuộc tại Việt Nam. Đơn cử, sản phẩm Dr. Mai an toàn vì chỉ chứa các tinh chất tự nhiên của gừng tươi, tỏi, diếp cá, cam thảo, lá kinh giới, rau bắp (ngô)... mà không có các chất hóa học gây hại khác.
Thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp mỹ phẩm thuần tự nhiên - như công ty M.A.I Việt Nam, nằm ở việc lựa chọn nguồn cung và bảo quản. Nguyên liệu càng tự nhiên, càng ‘tươi’ thì việc lựa chọn nguồn cung sạch, bảo quản tốt càng quan trọng để giúp thành phẩm giữ được chất lượng tốt nhất", bà Thuý chia sẻ.
Bên cạnh đó, sai lầm thường gặp của nhiều doanh nghiệp đi từ hộ kinh doanh nhỏ sang mô hình công ty chuyên hoá là việc sử dụng nguồn nguyên liệu không đảm bảo và không ổn định (thường là hộ dân quen biết) nên gặp nhiều trở ngại khi thực hiện các giấy phép sản xuất và kiểm định sản phẩm an toàn. Mặt khác, nhiều công thức gia truyền mang tính tự phát, chưa có sự kiểm chứng của sở ban ngành cũng khiến các sản phẩm dù có mác thiên nhiên nhưng vẫn "chết yểu" khi kinh doanh đường dài.
"Dù là doanh nghiệp mới nhưng hiện nhà máy và sản phẩm của chúng tôi đã có đủ các bảo chứng về chất lượng như ISO 9001:2015/ TCVN ISO 9001:2015, nhà máy đạt chuẩn CGMP, chứng nhận sản xuất mỹ phẩm của Sở Y tế, giấy phép công bố sản phẩm… dù quá trình này tốn rất nhiều thời gian và công sức. Nhờ đó, sản phẩm công ty dễ dàng được chấp nhận hơn dù mới xuất hiện tại thị trường", nữ sáng lập công ty M.A.I Việt Nam nói thêm.
Không chỉ là vấn đề chuẩn hóa nguồn cung như câu chuyện của Dr. Mai, việc sử dụng thành công nguồn nguyên liệu tự nhiên trong nước cho các sản phẩm khởi nghiệp còn đòi hỏi sự am hiểu về đặc tính và giống nguyên liệu địa phương.
Có thể nói, việc các doanh nghiệp trẻ ngày càng chủ động và sáng tạo hơn để khai thác nguồn thảo mộc trong nước không chỉ củng cố thêm giá trị nguồn nguyên liệu tự nhiên tại Việt Nam, mà hơn hết, là đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng như việc làm tại địa phương, khai thác tài nguyên thiên nhiên có trách nhiệm; minh bạch về nguồn gốc và bảo tồn di sản dược liệu trong nước.
Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để nguồn thảo liệu Việt có cơ hội khẳng định mình, vượt ra biên giới để trở thành địa chỉ thảo-dược liệu chất lượng, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực.