Cân nhắc ứng dụng công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh


Công nghệ chỉ là công cụ, còn việc thực hiện các chương trình dài hơi, thu thập và xây dựng chính sách từ những chỉ số để xây dựng thành phố thông minh mới là điều quan trọng. 

Bà Asa Hedman, quản lý nghiên cứu của Trung tâm VTT Finland (đơn vị nghiên cứu về thành phố thông minh của Chính phủ Phần Lan) đã chia sẻ như vậy tại hội thảo “Các giải pháp sáng tạo từ Phần Lan hướng tới thành phố thông minh” tổ chức ngày 18/10. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM (WHISE) lần 3 năm 2019.

Chỉ số là điều kiện để xây dựng chính sách

Theo bà Asa Hedman, VTT Finland được thành lập năm 1942, hiện có khoảng 2400 nhân viên. Đơn vị chuyên nghiên cứu, phát triển các ứng dụng thành phố thông minh cũng như giải quyết thách thức về môi trường.

Các chuyên gia từ Phần Lan đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về xây dựng thành phố thông minh tại hội thảo. Ảnh: Hà Thế An.

Các chuyên gia từ Phần Lan đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về xây dựng thành phố thông minh tại hội thảo. Ảnh: Hà Thế An.

Theo nghiên cứu, đến năm 2050 sẽ có 70% dân số toàn cầu tập trung ở thành phố lớn. Đây là xu hướng tất yếu của các quốc gia. Điều này sẽ tác động đến thành phố đáng kể đến việc quản lý cũng như môi trường sống của người dân. Và các thành phố cần có những chính sách phù hợp, quy hoạch ngay từ giờ nhằm cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Bà Asa Hedman nói, nhiều quốc gia có những định nghĩa khác nhau về thành phố thông minh. Vì thế, khái niệm này không dễ trả lời, bởi nó rất rộng, có nhiều yếu tố trong đó. Song vị đại diện VTT Finland nói rằng, thành phố thông minh là thành phố bền vững với việc ứng dụng giải pháp công nghệ, kỹ thuật là yếu tố chính nhằm xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho con người.

Tuy nhiên, khi quốc gia đã lựa chọn công nghệ cần có những cân nhắc trong việc ứng dụng. Ngoài ra, cần có dịch vụ vận hành công nghệ, cần có chính sách phát triển công nghệ. Vì công nghệ chỉ là công cụ, quan trọng hơn đó là việc thực hiện các chương trình dài hơi, thu thập và xây dựng chính sách từ những chỉ số. Tạo môi trường có con người sống thông minh hơn là điểm đến cuối cùng.

Ở nhiều quốc gia châu Âu các cơ quan chuyên trách xây dựng thành phố thông minh luôn thực hiện dự án dài hơi, thu thập chỉ số dựa vào dữ liệu có được từ việc ứng dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực.

“Chỉ số là yếu tố quan trọng nhất để các cơ quan quản lý dựa trên đó xây dựng thành phố thông minh, xây dựng các tiêu chuẩn toàn cầu cho thành phố thông minh. Nhiều quốc gia, các thành phố hợp tác với nhau. Cụ thể, có 20 thành phố ở châu Âu đã gặp gỡ để ban hành 40 khung quy hoạch đô thị trên thế giới để đưa ra các chỉ tiêu hiệu quả của các đề án, chương trình về thành phố thông minh và cùng nhau thực hiện”- bà Asa Hedman nói.

Sau đó, các chương trình sẽ thí điểm và chạy thử trước khi cân nhắc ứng dụng thực tế. Mỗi thành phố, quốc gia đều có những điểm mạnh và nền tảng riêng để phát triển thành phố thông minh. Vì thế ngoài những chính sách chung, các thành phố cũng cần phát triển những chương trình riêng áp dụng cho điều kiện của mình.

Thời gian qua, Phần Lan đã có nhiều cuộc gặp gỡ, kết nối và làm việc với các đối tác Việt Nam. Theo bà Asa Hedman, xây dựng khung chương trình, chính sách cho thành phố thông minh cần sự toàn diện, mang tính chất toàn cầu và tính chuẩn hóa cao.

“Xây dựng chính sách cho thành phố thông minh cần sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân. Từ đó hình thành những khái niệm chuẩn, quy hoạch đúng nhằm thực hiện thí điểm giải pháp và công nghệ để đánh giá tính hiệu quả thực tế. Từ đó từng bước điều chỉnh cho phù hợp”- bà Asa Hedman nói.

Thành phố thông minh, người dân cũng cần thông minh

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khắc Hiếu, đại diện Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, dữ liệu là yếu tố quan trong trong việc xây dựng chương trình, chính sách và ra quyết định. Vì thế, nhiều năm qua, VNPT đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ con người ra quyết định dựa trên dữ liệu thực hiện trong lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông, cải cách hành chính.

Ông Nguyễn Khắc Hiếu, đại diện VNPT, giới thiệu những công nghệ về AI mà đơn vị thực hiện ứng dụng cho thành phố thông minh. Ảnh: Hà Thế An.

Ông Nguyễn Khắc Hiếu, đại diện VNPT, giới thiệu những công nghệ về AI mà đơn vị thực hiện ứng dụng cho thành phố thông minh. Ảnh: Hà Thế An.

Cụ thể AI đã được VNPT ứng dụng trong quy hoạch và quản lý đất đai. AI giúp cơ quan quản lý quy hoạch từng thửa đất trên địa bàn. Còn người dân có thể xem thông tin trực quan, đơn giản và đúng nhu cầu của họ. Đơn vị cũng đã ứng dụng camera, giám sát biển số xe tự động, cảnh báo vi phạm sai làn, vượt đèn đỏ và gửi dữ liệu trung tâm điều hành giao thông.

Trong lĩnh vực hành chính công, VNPT cũng đã thực hiện số hóa văn bản cho 50 tỉnh, thành và thực hiện công nghệ định danh điện tử (eKYC) dựa trên khuôn mặt, hình ảnh chứng minh nhân dân, móng mắt, vân tay... để thực hiện các thủ tục trong dịch vụ tài chính, ngân hàng.

"Chúng tôi cung cấp dịch vụ thông minh, nhưng đòi hỏi người dân cũng phải thông minh để có thể có các quyết định tốt nhất. Vì thế việc quan trọng là việc phổ cập kiến thức cho người dân khi sử dụng các dịch vụ thông minh nhằm giúp họ quen hơn với việc sử dụng công nghệ. Như vậy, ứng dụng công nghệ cho thành phố thông minh mới phát huy tính hiệu quả”- ông Hiếu nói.

Còn ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho rằng việc xây dựng các chương trình, chính sách phát triển cho thành phố thông minh phải luôn coi tiêu chí dựa trên sự hài lòng của người dân là quan trọng nhất. Công nghệ, chính sách phải đi đến đích cuối cùng là phục vụ người dân.

Hà Thế An

Xem thêm

 
dmstwhise2019