Giáo sư người Việt làm chủ tịch nghiên cứu về mạng 6G của Anh
Giáo sư Dương Quang Trung trở thành 1 trong 4 chủ tịch nghiên cứu về kỹ thuật mạng cho Vương quốc Anh khi nước này bắt đầu lao vào cuộc chạy đua 6G.
Học viện Kỹ thuật Hoàng gia Anh công bố bổ nhiệm 4 vị trí Chủ tịch nghiên cứu cùng 2 nhà nghiên cứu cấp cao từ các trường đại học khắp nước Anh. Ở vai trò này, các chuyên gia sẽ dành 5 năm nhiệm kỳ để thực hiện nhiều công việc nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến mạng viễn thông 6G.
Giáo sư Dương Quang Trung hiện đang công tác tại Đại học Queen’s Belfast sẽ giữ chức vụ Chủ tịch nghiên cứu cùng GS Paul Hoskisson (ĐH Strathclyde), GS Ahmed Kovacevic (ĐH London) và GS Francesca Toni (Imperial College London). Bên cạnh đó, TS Giuliano Allegri (ĐH Bristol) và TS Michael Strain (ĐH Strathclyde) là hai nghiên cứu sinh cao cấp của chương trình.
Nhu cầu mạng 6G tăng cao trong thập kỷ mới
Truyền thông không dây và các công nghệ, kỹ thuật số liên quan đã phát triển mạnh mẽ đến mức định hình cuộc sống của chúng ta, theo một cách chưa từng có trước đây. Trong đại dịch Covid-19, vai trò của kết nối không dây thể hiện rõ ràng nhất, giúp công việc vẫn được tiếp tục mà không phải gián đoạn do giãn cách xã hội.
Càng ngày, cả thế giới như được thu nhỏ lại, tiến sát gần nhau hơn, nhân loại được sống trong một xã hội toàn cầu hóa với mọi tiện nghi thông minh được kết nối xuyên suốt. Trong thế giới đó, thông tin và tài sản ở không gian mạng được liên kết chặt chẽ bằng mạng toàn cầu.
Thiết bị di động có khả năng kết nối không dây ngày càng nhiều, tạo ra lưu lượng dữ liệu tăng nhanh theo cấp số nhân, dự báo sẽ tăng 10.000 lần vào năm 2030 so với hiện tại. Thực tế đó đòi hỏi một nền tảng kết nối siêu ổn định và độ trễ của kết nối cực kỳ thấp, từ đó thôi thúc giới nghiên cứu phát triển những thế hệ mới của mạng không dây.
Là người trực tiếp tham gia vào dự án mạng của Anh Quốc, Giáo sư Trung nhận định mạng 6G không chỉ tập trung vào tốc độ mà còn là sự kết nối với hệ thống khổng lồ các thiết bị tự động. Mạng 6G sẽ giải quyết các nhu cầu cụ thể của Internet vạn vật (IoT) với hai tiêu chí quyết định: Độ ổn định đạt 99,99% so với 5G và độ trễ gần bằng không (đây là thời gian giữa truyền và nhận dữ liệu, hiện tại mạng 5G có độ trễ 1 mili giây).
Độ trễ 6G gần như bằng không
Nghiên cứu của Giáo sư Trung sẽ đẩy hạ tầng mạng vượt xa 5G và tiến đến 6G ở một số khía cạnh, giúp tích hợp thật hài hòa vào truyền thông không dây, truyền dữ liệu, radar và hình ảnh, mọi việc được diễn ra ở băng thông cực cao và độ trễ gần bằng không.
Chia sẻ về chương trình mạng 6G, Giáo sư cho biết: “Thế giới đang thay đổi chóng mặt, chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với hệ thống truyền thông vật lý và mạng 5G. Nhưng trong thập kỷ mới, tôi muốn được đưa hệ thống mạng đến thế hệ thứ 6, giúp ích cho mọi mặt trong cuộc sống.”
Với thế hệ mạng mới trong thập niên tiếp theo, mọi ngành nghề trong xã hội đều được hưởng lợi, như chẩn đoán và phẫu thuật y tế từ xa, xe hơi tự lái, công nghệ thực tế ảo dành cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe, giải trí hay quản lý thành phố thông minh, giảm thiểu tai nạn và thiên tai.
Trong thông báo về việc công bố vị trí chủ tịch nghiên cứu, Học viện Kỹ thuật Hoàng gia Anh cũng đánh giá hành trình đến với 6G của Giáo sư Dương Quang Trung là “tuyệt vời”, đưa một đứa trẻ ở Việt Nam say mê chơi với bộ đàm đến với Học bổng Nghiên cứu danh giá của Học viện, Giải thưởng Newton năm 2017 của Chính phủ Anh.
Những dự án công nghệ không dây sáng tạo
Bên cạnh dự án đang thực hiện với Học viện Kỹ thuật Hoàng gia Anh, Giáo sư Trung không ngừng kiến tạo các cơ hội học tập, nghiên cứu cũng như kết nối các nhà khoa học Việt Nam với Vương quốc Anh.
Là một nhà nghiên cứu say mê về kết nối không dây, anh còn ấp ủ nhiều dự án táo bạo nhưng rất thực tiễn khác, như phân tích Big data để dự đoán và kiểm soát thiên tai vùng biển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để chống xòi mòn bờ biển, dùng học máy để giám sát lũ lụt, thông qua IoT để phát triển nông nghiệp thông minh và thành phố thông minh.
Đồng thời, các dự án còn có phương pháp tiếp cận mới bằng trí tuệ nhân tạo để đẩy nhanh sự phục hồi của bệnh nhân sau điều trị, giám sát bằng hệ thống UAV theo thời gian thực để quản lý chất lượng không khí hay trong lĩnh vực công nghệ là dự án về bảo mật vật lý nhiều lớp. Các dự án đều có chi phí khoảng 300.000 bảng Anh (gần 9 tỷ đồng).
Trước khi giữ ghế Chủ tịch nghiên cứu tại Học viện Kỹ thuật Hoàng gia Anh từ nay đến năm 2025, Giáo sư Dương Quang Trung đã tham gia nghiên cứu tại Học viện từ năm 2015 đến 2020 từ học bổng nghiên cứu của trường.
Trong thời gian này, anh nhận Giải Best Paper tại Hội nghị Công nghệ Phương tiện xe (VTC) 2013, Hội nghị Quốc tế về Truyền thông (ICC) 2014, Hội nghị Truyền thông Toàn cầu (GLOBECOM) 2016, Hội nghị Xử lý Tín hiệu Kỹ thuật số (DSP) 2017, Hội nghị Điện toán di động và Truyền thông không dây (IWCMC) 2019,...
Anh tốt nghiệp cử nhân Kỹ sư điện năm 2002 tại Đại học Bách Khoa - ĐHQG TP.HCM, nhận bằng thạc sĩ Khoa học máy tính năm 2005 tại Đại học Kyung Hee (Hàn Quốc), bảo vệ thành công tiến sĩ Hệ thống viễn thông ở Học viện Công nghệ Blekinge (Thụy Điển) năm 2012.
Tiến Anh