Đôi nét về tình hình khởi nghiệp và chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Hàn Quốc – Phần 1


Thời gian gần đây, với các chính sách tập trung hỗ trợ khởi nghiệp (startup) của chính phủ, Hàn Quốc đang vững bước trên con đường trở của một “quốc gia khởi nghiệp thành công không những tại khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, tình hình khởi nghiệp tại quốc gia Đông Á này vẫn đang gặp phải một số khó khăn cần giải quyết.

seoul1-1-1280x640.jpg

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP năm 2019 của Hàn Quốc đạt mức 2.000 tỷ USD, đứng thứ 12 thế giới, xếp trên cả Australia. Chỉ mới 20 năm trước đây, thuật ngữ “hệ sinh thái khởi nghiệp” rất hiếm khi được đề cập tới thì nay nó lại trở thành một thuật ngữ gắn liền với Hàn Quốc. Tiềm năng phát triển của FinTech và IoT tại Hàn Quốc được đánh giá là còn rất lớn, đặc biệt là trong bối cảnh chính phủ nước này tiếp tục coi doanh nghiệp là động lực chính trong tạo việc làm và thúc đẩy phát triển một nền kinh tế mạnh và năng động.

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (1997-1999) có những tác động rõ nét tại Hàn Quốc. Trong giai đoạn cuộc khủng hoảng diễn ra, tỷ lệ thất nghiệp của Hàn Quốc tăng lên nhanh chóng, từ 2,5% lên gần 8%. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng trên lại trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy văn hóa startup tại Hàn Quốc.

Ngoài ra, theo WEF, Hàn Quốc và Thụy Điển là hai nước có chỉ số đổi mới sáng tạo nhất thế giới, dựa trên các chỉ số như sự quy tụ các công ty công nghệ cho tới số lượng các sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học và kĩ thuật.

Tình hình khởi nghiệp tại Hàn Quốc thời gian gần đây

Hàn Quốc có một hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ với hơn 30.000 startup, mang lại hơn 100.000 việc làm. Hiện quốc gia này có trên 120 công ty quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm, phần lớn trong số đó tập trung đầu tư cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các startup. Lý do chính phủ Hàn Quốc ủng hộ ngành công nghiệp đầu tư mạo hiểm là do họ tin rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các startup sẽ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của đất nước trong tương lai. Các startup kì lân hiện tại Hàn Quốc như: Yellow Mobile, Coupang, Viva Republica, Woowa Brothers, Yanolja… là những minh chứng về tốc độ tăng trưởng tốt của hệ sinh thái khởi nghiệp và sức hấp dẫn với nhà đầu tư


Một số đánh giá của các tổ chức quốc tế về điều kiện khởi nghiệp tại Hàn Quốc

Vào năm 2017, Hàn Quốc được Ngân hàng Thế giới xếp hạng 9 trong danh sách các nền kinh tế trên thế giới có điều kiện thuận lợi nhất cho startup. Việc xếp hạng này dựa trên mức đầu tư tối thiểu, số lượng các thủ tục hành chính, thời gian và chi phí trong việc đăng ký kinh doanh cho một công ty địa phương.

Một năm sau đó, tức là vào năm 2018, hãng tin tài chính, kinh tế lớn nhất thế giới của Mỹ là CNBC đã xem xét các thành phố startup hàng đầu trong khu vực, đánh giá chi phí và mức độ dễ dàng cho hoạt động kinh doanh. Trong những nơi lý tưởng nhất để khởi nghiệp ở khu vực Đông Á (với chi phí startup dưới 3.000 USD), thủ đô Seoul của Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ 7.

Trong năm 2019, Nhóm Ngân hàng Thế giới xếp hạng Hàn Quốc đứng thứ 5 về môi trường kinh doanh, đồng hạng với năm 2017 nhưng tụt một bậc so với năm 2018. Trong vài năm trở lại đây, Hàn Quốc luôn xếp thứ hạng cao (Top 5) trong nhóm các quốc gia có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất trên thế giới. Các quốc gia trong nhóm nước đứng đầu tiêu biểu là New Zealand, Singapore, Đan Mạch. Kết quả đó cho thấy những nỗ lực không ngừng từ cả chính phủ và người dân Hàn Quốc.

Ngoài ra nền kinh tế Hàn Quốc được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và bền vững qua các năm. Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thì nền kinh tế của Hàn Quốc được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2019. Đây là một con số khá ấn tượng đối với một nền kinh tế lớn như của Hàn Quốc.

Một số chính sách của chính phủ Hàn Quốc dành cho startup

Trong nỗ lực xây dựng nền kinh tế sáng tạo, chính phủ Hàn Quốc đã tích cực tiến hành các hoạt động đầu tư vào hệ sinh thái khởi nghiệp. Đáng chú ý là việc chính phủ Hàn Quốc tuyên bố chính thức bổ nhiệm Bộ trưởng startup và Bộ trưởng doanh nghiệp vừa và nhỏ vào ngày 23/10/2017. Điều này cho thấy chính phủ Hàn Quốc chính thức coi công tác hỗ trợ các startup là một quốc sách hàng đầu.

Cũng trong năm 2017, Hiệp hội Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc đã được chính phủ Hàn Quốc cho phép mở rộng quy mô và nâng tầm thành Bộ Các doanh nghiệp vừa, nhỏ và startups vì chính phủ Hàn Quốc khi đó có định hướng hiện thực hóa mục tiêu đưa nền kinh tế Hàn Quốc trở thành một “nền kinh tế kiến tạo”. Trước đó, Hiệp hội Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng như là một trong những cơ quan thúc đẩy tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh tại Hàn Quốc. Hiệp hội này có chức năng giúp đỡ các startup tìm kiếm một không gian làm việc và gọi vốn thông qua tạo ra nhiều vườm ươm doanh nghiệp trên cả nước với sự hợp tác với nhiều tổ chức khác nhau.

Dưới đây là một số cột trụ kiến tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Hàn Quốc:

Các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp phong phú

Tiêu biểu nhất là K-Startup Grand Challenge là chương trình khởi nghiệp do Chính phủ Hàn Quốc tổ chức với mục đích xây dựng một hệ sinh thái mở, giúp các startup mở rộng thị trường tại châu Á thông qua bước đệm là Hàn Quốc. Kể từ cuộc thi diễn ra vào tháng 5/2018, K-Startup Grand Challenge đã được tổ chức nhiều lần trên phạm vi toàn cầu. Mục đích của trương trình là nhằm đem đến cho các doanh nghiệp khởi nghiệp cơ hội kết nối với các đối tác tại Hàn Quốc, góp phần tăng tốc độ phát triển và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Hàn Quốc tại khu vực Châu Á.

Chính sách về thuế

Chính phủ Hàn Quốc cho phép giảm thuế cho các nhà đầu tư thiên thần và đầu tư mạo hiểm đầu tư vào doanh nghiệp startup công nghệ cao thông qua các hình thức như khấu trừ thuế đối với khoản đầu tư lên tới 50 triệu won (từ 30% đến 50%); giới hạn khấu trừ vào thu nhập hàng năm (từ 40% đến 50%); giảm 10% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với trường hợp sáp nhập hoặc mua lại các doanh nghiệp startup công nghệ cao hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có chi phí đầu tư cho R&D hơn 5% doanh thu hàng năm, và được mua với giá trị tối thiểu là 150%.

Chính sách về cấp vốn đầu tư

Nhằm tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, từ năm 2013, chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD cho startup và các doanh nghiệp nhỏ bằng nhiều hình thức như hỗ trợ, ưu đãi thuế, vay trợ cấp… Chính phủ Hàn Quốc tạo ra một quỹ hỗ trợ, thông qua các Bộ và đầu tư vào startup, tạo nên cơ chế đầu tư từ trên xuống dưới. Chương trình kéo dài khoảng dưới 1 năm, startup có thể triển khai thử nghiệm ý tưởng của mình nhanh chóng và chuyển hướng mô hình nếu cần thiết.

Chương trình hỗ trợ của chính phủ Hàn Quốc cụ thể đó là khi một người có một khoản tiền đầu tư cho một chương trình kéo dài trong một khoảng thời gian (thông thường là chưa tới 1 năm), người đó sẽ chỉ phải bỏ vào 30% vốn đầu tư trong đó 10% là tiền mặt và 20% bằng tài sản và các quỹ của chính phủ sẽ hỗ trợ phần còn lại với mức góp vốn tối đa là 70%. Khoản tài trợ này sẽ không lấy cổ phần của startup. Cách làm này tuy là một bước tiến lớn hỗ trợ startup nhưng có hạn chế là cơ chế thủ tục hành chính, giải ngân và thanh toán khá khó khăn.

Thứ hai, chính phủ Hàn Quốc còn có cơ chế hỗ trợ startup thông qua các tổ chức bên thứ ba.

Đầu tiên, các cơ quan xúc tiến, viện nghiên cứu và trường đại học trong khu vực tổ chức đấu thầu các chương trình hỗ trợ cấp vốn của chính phủ. Sau đó, chính phủ tổ chức một chương trình để các startup nộp hồ sơ xin cấp vốn nhưng không trực tiếp lựa chọn startup ngay thời điểm đó. Quy trình lựa chọn startup được chia thành hai phần. Phần đầu tiên là xem xét đơn xin cấp hỗ trợ và phần thứ hai là để một nhóm các doanh nghiệp lâu năm, những luật sư về bằng sáng chế, các chuyên gia đầu ngành… đánh giá và lựa chọn một danh sách các startup tiềm năng. Cuối cùng, startup và đơn vị trúng thầu theo đó sẽ được chính phủ chính thức ký hợp đồng. Các đơn vị trúng thầu có nhiệm vụ triển khai tiếp các công việc huấn luyện và báo cáo nghiệm thu cho các cơ quan chính phủ khi chương trình kết thúc. Cách hỗ trợ này giúp lựa chọn được những startup có tiềm năng nhất nhưng cũng buộc họ phải trình bày nhiều lần về ý tưởng của mình.

Ryan Vũ - Techinsight


Xem thêm