"Mở tiệc" như thời bong bóng dotcom: Tại sao các startup công nghệ lại nhiệt tình "lên sàn" giữa mùa đại dịch?

   

Sự sôi động của thị trường này chưa chạm tới mức trong giai đoạn bong bóng dotcom đầu thế kỷ 21 khi mà hàng tá startup công nghệ thực hiện IPO mỗi tháng. Tuy nhiên vẫn có nhiều điểm giống khi giá cổ phiếu tăng vọt sau IPO.

5c0ff5104be42815b267e6d0-1920-1439.png

IPO đã chết hay vẫn sống khỏe? Vào tháng ba, khi đại dịch bắt đầu "tác oai tác quái", các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, mà cụ thể là của các startup công nghệ, được dự đoán là một trong những nạn nhân bị ảnh hưởng đầu tiên. Xét cho cùng thì ai lại muốn "lên sàn" trong một cuộc khủng hoảng mà cả trăm năm mới có này.

Thực sự là chỉ có vài người còn quan tâm. Trong những tháng vừa qua, hoạt động gần như đóng băng cho tới tận cuối tháng 5 khi mà làn sóng IPO quay trở lại tại Hoa Kỳ. Không có một công ty nào trong danh sách đã và chuẩn bị "lên sàn" trong thời gian gần đây tại thung lũng Silicon cạnh tranh với Ant Group. Nền tảng thanh toán có liên kết với gã khổng lồ trực tuyến Alibaba này muốn huy động nguồn vốn kỷ lục 30 tỷ USD tại Trung Quốc vào tháng 10 tới, điều có thể sẽ giúp giá trị của công ty này đạt ở mức vào khoảng 200 tỷ USD. 

Cho tới nay các startup công nghệ ở Mỹ mới chỉ huy động được 10 tỷ USD. Vào ngày 19/08, Airbnb, ứng dụng thuê nhà dành cho khách du lịch, cũng đã nộp đơn xin IPO. Những "kỳ lân" startup khác cũng được cho là đã sẵn sàng để IPO bao gồm ứng dụng thiết kế các phần mềm ứng dụng cloud Snowflake Computing, ứng dụng giao nhận đồ ăn DoorDash và ứng dụng vận chuyển hàng hóa Instacart. Ngoài ra, Palantir, hãng công nghệ quản lỹ dữ liệu mã hóa cũng đang chuẩn bị cho việc bán trực tiếp cổ phần hiện có của mình trên thị trường đại chúng.Theo nhà cung cấp dữ liệu PitchBook giá trị định giá của toàn bộ 5 startup trên là 80 tỷ USD. 

Sự sôi động của thị trường này chưa chạm tới mức trong giai đoạn bong bóng dotcom đầu thế kỷ 21 khi mà hàng tá startup công nghệ thực hiện IPO mỗi tháng. Tuy nhiên, Lise Buyer, người đã theo dõi tình hình cổ phiếu công nghệ kể từ thời điểm bùng nổ vào cuối thập niên 90 thế kỷ trước và hiện đang hỗ trợ các startup trong lĩnh vực IPO tại công ty tư vấn Classs v Group, đã phát hiện ra một gợn nhỏ của sự "lạc quan tếu" đang có trên thị trường. (Irrational exuberance - thuật ngữ được sử dụng lần đầu tiên bởi nguyên chủ tịch Fed Alan Greenspan nhằm ô tả một trạng thái của thị trường khi mà nhà đầu tư hi vọng quá mức vào tương lai tươi sáng của nền kinh tế mà không cân nhắc đến những nguy cơ có thể gây ra sự suy trầm của nền kinh tế). 

Khi Duck Creek, một công ty bảo hiểm công nghệ, phát hành IPO vào ngày 14/08, giá của cổ phiếu này đã tăng gần 50% khi chốt phiên giao dịch đầu tiên. BigCommerce, một nền tảng mua sắm trực tuyến đã IPO khoảng 1 tuần trước đó cũng đã chứng kiến giá trị cổ phiếu tăng vọt thêm hơn 200%.

Khi mà chỉ số S&P 500 (gồm các công ty hàng đầu Hoa Kỳ) lập đỉnh mặc cho Covid-19 vẫn đang hoành hành, rõ ràng sự khôn ngoan của các nhà đầu tư trong trường hợp này cần phải được thảo luận. Nhưng đối với các công ty startup, khao khát "lên sàn" lại hoàn toàn hợp lý bởi hai lý do:

Lý do thứ nhất liên quan tới bản thân thị trường tài chính. Các nhà đầu tư mạo hiểm, những người đã đổ hàng tỷ USD vào các công ty chưa niêm yết, đã bắt đầu nguội lạnh dần với các startup từ trước khi đại dịch, sau khi một vài "kỳ lân" công nghệ được niêm yết có kết quả kinh doanh thất vọng (Lyft và Uber) hoặc sụp đổ (WeWork). Trong lúc đó, lãi suất chạm đáy  đã khiến cho các dòng vốn trên thị trường đổ vào những nơi có  lợi nhuận. Và kết quả là, theo như nhận xét của Lauren Cummings của Morgan Stanley, một ngân hàng đầu tư và nhà bảo lãnh hàng đầu cho các phi vụ IPO, các nhà đầu tư chứng khoán sẵn sàng chấp nhận việc chứng khoán bị định giá cao. Brian Feistein thuộc Bessemer Venture Partner, một hãng quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm, cũng đồng ý "Đây là một nhu cầu không thể thỏa mãn được đối với các nhà đầu tư".

Các startup đang hăng hái nhằm thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư trước khi nhu cầu đó biến mất. Do vậy, nhiều công ty đã triển khai trở lại các kế hoạch niêm yết của mình mà đã bị trì hoãn sau sự hoang mang do WeWork hay các ứng dụng đặt xe tạo nên. Đây cũng là lý do thứ hai đối với các startup trong việc niêm yết cổ phiếu, và đại dịch đã đem lại lợi ích cho các hãng công nghệ này.

Năm nền tảng hàng đầu gồm Alphabet của Google, Amazon, Apple, Facebook và Microsoft đã phát triển mạnh mẽ khi mà những người tiêu dùng tự cách ly tại nhà đã sử dụng nhiều thời gian và tiền bạc hơn cho hoạt động trực tuyến và các hãng cũng đã vung tiền đầu tư vào các dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây nhằm triển khai làm việc từ xa. Vào ngày 19/08, giá trị vốn hóa thị trường của Apple đã gần chạm mốc 2 nghìn tỷ USD, công ty đầu tiên của Hoa Kỳ làm được điều này. Ngay cả những công ty công nghệ vừa và nhỏ cũng được hưởng lợi, bao gồm cả những công ty vừa niêm yết cổ phiếu trên thị trường.

Theo Sarah Cannon của Index Ventures, đại dịch đã làm nổi bật và thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ bản sang một nền kinh doanh số. Xu hướng này sẽ còn duy trì trong nhiều thập niên. Chỉ số Renaissance IPO Index bao gồm các công ty được niêm yết mới nhất trong vòng hai năm trở lại đây với phần đông là các công ty công nghệ, đã tăng thêm hơn 40% kể từ tháng một. Giá trị cổ phiếu của Zoom, ứng dụng hội thảo trực tuyến, xuất hiện nhan nhản trong giữa tình trạng phong tỏa, đã tăng gấp bốn lần kể từ thời điểm phát hành vào tháng 04/2019, hiện giá trị của công ty này là khoảng 78 tỷ USD. CrowdStrike, một công ty về an ninh mạng, đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường vào tháng 6 năm ngoái, cũng đã tăng bốn lần giá trị kể từ tháng ba cho tới nay.

Một trong những điều nổi bật nhất trong giai đoạn bùng nổ hiện nay đó là sự bất mãn của các startup cũng như các quỹ đầu tư mạo hiểm đối với quy trình niêm yết cổ phiếu. Đó là một quy trình cồng kềnh, liên quan tới khối lượng lớn công việc bàn giấy và phải mất hơn một năm trời để thực hiện. Đây cũng là một quy trình tốn kém mà riêng chi phí dành cho các ngân hàng đầu tư tại Phố Wall cũng đã chiếm tới 4% tới 7%, đó là chưa kể tới chi phí luật sư hay chi phí tư vấn khác. Các công ty startup và các quỹ đầu tư mạo hiểm viện dẫn doanh thu lớn ngay từ giai đoạn đầu như là lý do cho việc giá đang được định giá thấp nhằm hứa hẹn những khoản thu lời nhanh chóng dành cho các nhà đầu tư. Dù sao thì, đây là những khách hàng thường xuyên và cần được những lời đường mật dụ dỗ còn phần lớn các công ty startup thì cũng chỉ "lên sàn" có một lần.

Sự không bằng lòng với quy trình IPO, kết hợp với lòng ham muốn "lên sàn" đã khiến cho nhiều công ty cân nhắc các biện pháp thay thế. Một trong những biện pháp đó được gọi là "niêm yết trực tiếp", một cách mà Palantir đang theo đuổi và là cách mà ứng dụng dịch vụ âm nhạc trực tuyến Spotify và Slack, hãng chuyên về ứng dụng tin nhắn trong doanh nghiệp đã từng sử dụng hiệu quả. Asana, một công ty kinh doanh phần mềm quản lý dự án trực tuyến, có lẽ cũng là một "kỳ lân" tiếp theo lựa chọn hướng đi trực tiếp này. Niêm yết trực tiếp sử dụng nền tảng đấu giá số của sàn giao dịch chứng khoán nhằm giúp các startup có được giá cả phù hợp với cổ phiếu của mình so với các ngân hàng đầu tư. Nhưng nền tảng này không cho phép các hãng huy động thêm vốn mới. Do vậy, đây chỉ là lựa chọn dành cho các công ty có nguồn tiền mặt dồi dào.

Một phương thức khác hiện cũng khá hứa hẹn đó là sử dụng công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC). Những công ty SPAC này bán lại các công ty sẽ niêm yết trên thị trường với hứa hẹn sẽ mua thêm một hoặc một vài công ty tư nhân khác với số tiền thu được từ việc niêm yết. Các công ty tư nhân này sau đó được niêm yết thông qua một vụ sát nhập ngược. SPAC có một lịch sử không mấy sáng sủa với nhiều công ty có giá cổ phiếu diễn biến kém hơn so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay họ đã hứa hẹn sẽ sửa đổi những khiếm khuyết trên trong khi vẫn bảo toàn được những lợi ích như những cuộc thương lượng giá trực tiếp giúp thương vụ có thể được diễn ra nhanh chóng và dễ đoán hơn. Từ tháng 01 cho tới đầu tháng 08, các SPAC niêm yết trên thị trường và huy động được 22,5 tỷ USD.

Chưa rõ là liệu thung lũng Silicon sẽ đón chào SPACs một cách toàn tâm toàn ý hay không. Hãng công nghệ lớn nhất sử dụng phương thức này là Nikola, một startup về xe chở hàng không sản sinh khí thải ô nhiễm đến nay đã có giá trị vốn hóa thị trường lên tới 16 tỷ USD. 

Lĩnh vực IPO không có ác cảm với các hình thức như niêm yết trực tiếp hay SPAC ngay cả khi chúng có vẻ kém sinh lời hơn so với các hình thức truyền thống. Các ông chủ nhà băng dự đoán một tương lai phức tạp với những vụ phát hành cổ phiếu được thiết kế trước nhằm nhắm tới những nhóm nhà đầu tư cụ thể và xác định trước khoảng thời gian mà nhân viên có thể giữ cổ phiếu của mình.

Để tổng kết lại, xin mượn lời của Greg Chamberlain thuộc JP Morgan Chase: "Không phải tất cả các công ty công nghệ đều giống nhau, họ có những mục tiêu khác nhau". Vì vậy, miễn là các startup cần tiền mặt thì họ sẽ cần tới phố Wall để dẫn dắt họ đạt được mục tiêu.

Tham khảo The Economist

Lục Trúc

Theo Tổ Quốc