“Minh đạo nhân sinh”: Triết gia nói gì về “cách sống một cuộc đời tốt đẹp”?


Con người hiện đại có thể học từ Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Trang Tử, Tuân Tử… những gì về nghệ thuật sống?

IMG_5736(1).JPG

Có một giả thuyết được đưa ra bởi triết gia Kark Jaspers: Trong giai đoạn từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 2 trước Công Nguyên, triết học nở rộ và những nhà tư tưởng lỗi lạc xuất hiện đồng loạt ở cả 3 thế giới cổ đại: phương Tây, Ấn Độ và đặc biệt là Trung Hoa. Họ ý thức về chính mình và về sự tồn tại, họ đặt ra những câu hỏi triệt để về cuộc sống: Làm sao để tôi sống cuộc đời của mình? Vì sao thế giới của chúng ta lại thành ra thế này, chúng ta có thể làm gì để thay đổi nó?... Tất cả đều cực kỳ hiện đại.

Bạn đọc sẽ gặp gỡ Khổng Tử, Mạnh Tử, Trang Tử và triết gia nổi danh khác của Trung Hoa cổ đại trong “Minh đạo nhân sinh”. Cuốn sách ra mắt năm 2016 tại Mỹ này lọt vào danh sách bán chạy nhất của New York Times lẫn Sunday Times. Đồng tác giả, Michael Puett, là giáo sư môn lịch sử Trung Quốc tại đại học Harvard, nơi lớp học triết của ông được yêu thích thứ ba tại ngôi trường này. Sau mỗi bài nói chuyện của Michael Puett tại Harvard, sinh viên luôn tìm đến ông, thiết tha hỏi về cách áp dụng những ý tưởng này vào giải quyết những mối băn khoăn cuộc sống: Cách lựa chọn hướng đi cuộc đời, giải quyết mâu thuẫn gia đình, tạo sức ảnh hưởng…

Làm sao để trở thành một người tốt hơn, có những mối quan hệ tốt hơn và làm sao để đối phó với những thăng trầm cuộc sống, dẫn dắt cuộc đời mình theo một hướng tươi sáng, chứ không phải hướng về ngõ cụt, nỗi cô đơn hay sự thất bại?

Nữ nhà báo Christine Gross-Loh và Giáo sư  Michael Puett, đồng tác giả cuốn sách “Minh đạo nhân sinh”

Nữ nhà báo Christine Gross-Loh và Giáo sư Michael Puett, đồng tác giả cuốn sách “Minh đạo nhân sinh”

Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Trang Tử, Tuân Tử - những triết gia Trung Hoa được đề cập đến trong “Minh đạo nhân sinh” - đưa ra những quan điểm rất khác biệt nhau về nghệ thuật sống. Nhưng nếu có một điểm chung mà họ đều gật gù đồng tình, đó là quan điểm về một thế giới thất thường.

Mạnh Tử mạnh mẽ tin vào “một thế giới mà bạn không bao giờ có thể trông mong, một thế giới mà bạn phải liên tục xây mới bằng cách tu dưỡng bản thân và các mối quan hệ của mình bằng những hành động nhỏ nhặt”. Còn Khổng Tử, các tác giả dẫn ra trong “Minh đạo nhân sinh”: “Chúng ta sẽ sống trong một thế giới phân mảnh, trong đó chúng ta bị những sự kiện khác nhau vùi dập không dứt”. Còn Trang Tử, người sống trong một thời kỳ nhiều biến cố của Trung Hoa, luôn ý thức về sự vận động, không ngừng biến đổi của vũ trụ và đồng thời, phổ biến quan niệm “luôn giữ mình cởi mở với mọi thứ”.

Tính không ổn định của cuộc sống là điều phải chấp nhận để có một cuộc sống an lạc? Một câu trả lời sẽ khiến bạn đọc nản lòng đến tận cùng, nhưng đó là điều duy nhất các bậc hiền nhân có thể trao cho con người hiện đại, ít nhất là từ góc nhìn của “Minh đạo nhân sinh”.

Biết rằng thế giới “không thể đoán trước và thất thường”, ta nhận ra phải thừa nhận tính đặc thù của mỗi tình huống cuộc sống, từ đó tiếp cận với quan điểm rộng mở nhất. Ta cũng học được rằng chính mình cũng là một thực thể không ngừng biến đổi, “chúng ta không chỉ là chúng ta - chúng ta có thể chủ động biến mình thành một người tốt hơn bất kỳ lúc nào”. Quan niệm này nới rộng mọi giới hạn của mỗi người về bản thân mình và cổ vũ một thái độ sống tích cực: Không ngừng tự tu dưỡng bản thân.

Tên tiếng Anh của “Minh đạo nhân sinh” chỉ vỏn vẹn là “The Path”, ám chỉ về Đạo, con đường mà mỗi người liên tục bước đi trong hành trình sống. Mỗi triết gia Trung Hoa đưa ra một quan điểm khác biệt về việc người ta có thể tạo ra con đường này chính xác đến mức nào, nhưng họ đồng ý rằng bản thân quá trình xây dựng nên nó đã có tiềm năng vô tận để biến đổi chúng ta và thế giới mà chúng ta đang sống.

Như Michael Puett viết: “Chúng ta tái tạo Đạo trong mỗi giây phút đời mình”. Trong thế giới phức tạp, lộn xộn, biến đổi bất tận này, mỗi người không ngừng tái tạo chính mình và nghệ thuật sống.

Thảo Thảo