Nhật ký innovation: Khởi nghiệp fintech… dở òm
Hồi sáng, Bung hát show tiếng Anh: Làm thế nào để khởi nghiệp sống sót và tỏa sáng với đại dịch. Mấy bạn kia toàn siêu sao hạng nhứt, Bung thì tào lao, nhưng có nói nhờ đại dịch, người dân ít xài tiền mặt hơn, mua hàng online nhiều hơn, giao nhận bằng ví điện tử nhiều hơn, nên Fintech sẽ được lợi.
Bữa nay, báo nào cũng rần rần đăng tin triệt phá ứng dụng cho vay nặng lãi đòi tiền như xã hội đen của mấy bạn… Trung Quốc cầm đầu. 60.000 khách hàng của họ, vay với lãi suất đâu đó… 90% / tháng, thông qua mấy cái apps đơn sơ mộc mạc xấu xí. Bung nghĩ: có mấy ông người xấu ở Trung Quốc, tiếng Việt còn không nói được chữ nào, thuê một mớ bạn trẻ (là Bung coi trong video clip đột phá của công an), mà có vẻ… giỏi hơn hết mấy cái ứng dụng Fintech được đầu tư hết triệu đô này tới triệu đô nọ của anh em startup xứ mình.
Chuyện kể rằng, hồi lâu lâu rồi, Bung vô một quán ăn quen thuộc ở biển Đà Nẵng. Quán này nằm cạnh bờ sông Hàn, nhưng đoạn vắng vẻ, và chỉ bán cho khách địa phương là chủ yếu. Quán tên gì quên mất, nhưng có món cá giò nấu thơm cà siêu ngon, nên gọi là quán cá giò. Vô quán, thấy cái hộp đựng khăn giấy là lạ, cầm lên coi, thì thấy quảng cáo dịch vụ Peer 2 peer lending. Ghi nguyên chữ tiếng Anh vậy luôn, xong ở dưới chú thích là cho vay không cần thế chấp, và chỉ cần gọi điện thoại là có người tới giải ngân ngay.
Bung nhớ lúc đó có chút hoảng hốt, lấy điện thoại chụp hình lại, xong mê ăn con cá chỉ có ở vùng nước lợ này nên quên mất tiêu. Bị cách ly ngoài Đà Nẵng đã đời xong mới về Sài Gòn, gặp Bùi Hải An của ngân hàng kỹ thuật số Timo kể nó nghe thì nó… la làng: Bung đưa đây, phải đi báo cáo liền chớ hông mấy ông cho vay nặng lãi này làm tiêu luôn cái nền 2P2 lending còn chưa kịp nảy mầm ở xứ mình nữa…
Ồ, làm gì thấy ghê vậy. Bung bèn lọ mọ đi nghiên cứu. May là mấy năm trước, cái thời Ngân hàng Phát triên Châu Á ADB có cho tiền làm cuộc thi Fintech - ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính, mà Ngân hàng Nhà nước đứng ra bảo trợ, Bung có tham gia một chút. Nên giờ giở tài liệu ra đọc, chỗ nào không hiểu thì cũng sẵn chuyên gia mà hỏi.
Ô kê, Peer to peer có nghĩa là mạng lưới ngang hàng, lending là cho vay. Đơn giản là Bung có tiền, xong Bung muốn cho vay chứ không muốn gửi ngân hàng vì lãi suất còn thấp hơn trượt giá đồng tiền nữa. Xong nhiều người khác cũng muốn vay, vì thà lãi cao hơn ngân hàng xíu nhưng không đòi hỏi tài sản thế chấp hay 1.001 thủ tục phức tạp. Xong có một bên trung gian đứng ra ở giữa, thu phí dịch vụ. Tima là một ứng dụng fintech như vậy, và đang gọi được vốn đầu tư tới mấy chục triệu.
Cái món này, nước mình chưa có luật. Ông hiệp hội doanh nghiệp Anh tại Việt Nam đưa ra một cái nghiên cứu về Fintech, nói là có 4 thứ khó khăn cho các công ty khởi nghiệp kiểu này: luật chưa rõ, người dân chưa tin, thiếu dòng vốn lớn, và thiếu luôn người có nghề xử lý công nghệ tài chính. Nên trong số 20 startup được gọi tên là làm trong lĩnh vực P2P lending, có mỗi Tima là toả sáng một chút, có lúc tơi hơn 400 nhân viên, giờ cũng sống hơi khoẻ khoẻ, nhưng vẫn còn trong giai đoạn… đốt tiền. Mấy startup khác, chớp tắt liên tục liên tục.
Quay lại mấy cái apps của mấy ông Trung Quốc. Vừa cho vay nặng lãi, vừa giả dạng khởi nghiệp, lại hành xử côn đồ. Mà đâu phải ít, cứ lâu lâu báo đăng là mới bắt được một apps cho vay nặng lãi mới. Nhưng toàn xử những cái tội khác, không nói gì tới khái niệm “tội phạm công nghệ cao”. Chuyện này cho thấy, nhu cầu cho vay P2P là lớn, và người cần vay những khoản nho nhỏ là… siêu dễ tìm, chẳng cần đốt tiền làm thương hiệu hay tiếp thị gì cả.
Nên Bung nghĩ, mấy bạn làm Fintech nên liên kết nhau lại, đề nghị cơ quan nhà nước xử cho xong hai yêu cầu: 1. Mấy cái apps Trung Quốc này phải bị coi là tội phạm công nghệ, tội phạm kinh tế, và… vặn cổ tụi nó từ đầu. Cảnh sát công nghệ nhà mình là siêu xịn, hở ra xí là biết hết chớ đâu có không biết. 2. Thị trường rõ như lòng bàn tay, nhu cầu quá lớn, mô hình của các nước đã xong lâu rồi, thì ra chính sách cho sớm để anh em còn có đường mà… khởi nghiệp tiếp.
Chớ mấy bạn có cái group hơn 40.000 thành viên mà cứ để mấy đứa tội phạm Trung Quốc làm hư luôn cái thị trường và niềm tin Fintech của người dân thì các bạn ráng chịu nhen.
Bung bèn đi làm Fintech đây!
BUNG TRẦN