Bản chất của Cách mạng 4.0 là không để ai bị bỏ lại phía sau
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần bắt đầu cách mạng công nghiệp 4.0 từ những điểm căn bản nhất, đó là giáo dục cho người dân ở khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.
Sáng 3/10, Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019 với chủ đề “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0”, đã khai mạc phiên toàn thể. Sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.
Phiên họp tập trung giới thiệu về quá trình xây dựng và những nội dung cơ bản của Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và các báo cáo chính xoay quanh các vấn đề về chiến lược quốc gia cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam, về chuyển đổi số quốc gia hướng tới nền kinh tế số và xã hội số.
Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, các ý kiến trao đổi tại phiên họp rất toàn diện, tập trung vào những kế hoạch, hành động cụ thể để tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.
Phó Thủ tướng điểm lại “từ Diễn đàn năm ngoái đến năm nay, chúng ta đã có hành động, đi đúng hướng và đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam tăng 3 bậc, từ 45 lên 42. Chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến năm vừa qua tăng 15 bậc lên thứ 59. Thanh toán điện tử tăng 19,6% số lượng giao dịch, 26,6% giá trị, đặc biệt thanh toán qua di động tăng 104% số giao dịch và 155% giá trị.
Chỉ số an toàn an ninh thông tin của Việt Nam tăng 50 bậc từ 100 lên 50. Giáo dục phổ thông xếp thứ 38. Việt Nam có 2 trường đại học vào tốp 1000 trường đại học hàng đầu thế giới. Nhiều địa phương đã có những bước tiến lớn trong xây dựng đô thị thông minh.
Đề cập đến yếu tố khó lường của cuộc CMCN 4.0, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của con người để sẵn sàng tận dụng thời cơ, tránh được rủi ro, có các giải pháp linh hoạt thích ứng với những thay đổi mà ngày hôm nay chưa dự báo được.
Ngay trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo chuẩn bị cho CMCN 4.0, chúng ta không chỉ đưa các môn học liên quan nhiều đến khoa học, công nghệ mà cần bắt đầu từ những điểm căn bản nhất, thậm chí tưởng rằng không liên quan đến CMCN 4.0, đó là giáo dục cho người dân ở khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.
“Nếu chúng ta không quyết liệt thì tỷ lệ tái mù chữ, trẻ em bỏ học, người lớn không được đào tạo căn bản về nghề nghiệp ở khu vực miền núi sẽ ngày càng tăng. Đây là điểm phải được nhận diện và giải quyết. Bản chất của cuộc CMCN 4.0 là không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học nhằm xây dựng môi trường nghiên cứu, học thuật, sáng tạo để đại học không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức, mà còn là nơi sáng tạo ra tri thức mới. Qua đó, đóng góp mạnh mẽ, hiệu quả vào hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia
“Một đặc trưng của cuộc CMCN 4.0 là kết nối, hợp tác. Vì vậy phải tăng cường hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ với nhau; giữa Chính phủ với doanh nghiệp, người dân; giữa người dân với nhau; giữa trong nước với ngoài nước. Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc cách mạng này. Chúng ta không chỉ giải quyết những ‘bài toán’ của riêng mình mà còn có trách nhiệm trước những vấn đề chung của thế giới”, Phó Thủ tướng nói.
Một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự
Cũng tại phiên khai mạc, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhận định Việt Nam có cơ hội để thành một nước phát triển nếu tận dụng được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, chuyển đổi số là một trong những giải pháp tất yếu để Việt Nam tận dụng được cuộc cách mạng này.
“Nếu chúng ta có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội để vượt lên trở thành một nước phát triển. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế hơn là về công nghệ. Đây lại càng là lợi thế của Việt Nam khi có Đảng lãnh đạo, có thể đưa ra quyết sách lớn, nhanh và tập trung. Nghị quyết 52 là một ví dụ”, ông nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, các doanh nghiệp ICT Việt Nam sẽ là hạt nhân của quá trình chuyển đổi số..
“Chúng ta phải cần đến hàng trăm ngàn doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh thành để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam. Chính chuyển đổi số cũng sẽ thúc đẩy Make In Vietnam và hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, và từ đây đi ra toàn cầu”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng có 5 yếu tố nền tảng giúp chuyển đổi số nhanh chóng, gồm: Thể chế, hạ tầng, platform, an ninh mạng và giáo dục đào tạo. Phấn đấu với những yếu tố này, Việt Nam sẽ có thứ hạng cao trên thế giới, cụ thể nằm trong top 50 vào 2025 và top 30 vào 2030.
Để chuyển đổi số, Việt Nam có thể chọn chiến lược 3 bước. Bước một, đẩy nhanh việc số hoá và ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực. Bước hai, sử dụng chuyển số như một lợi thế cạnh tranh trong từng lĩnh vực. Bước ba, tiến tới nền kinh tế số toàn diện, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
Khi cuộc cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0 xảy ra thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ, nó tạo cơ hội cho các đổi mới sáng tạo. Các nước như Việt Nam chúng ta có cơ hội bứt phá.
“Nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận”, ông Hùng nhấn mạnh.
Phương Thảo