'Việt Nam đang đi đầu trong chuyển đổi số giáo dục'
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện của UNICEF tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đang đi trước và đi đầu các quốc gia trên thế giới trong chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Bên lề hội nghị “Chuyển đổi kỹ thuật số các hệ thống giáo dục trong ASEAN”, bà Rana Flowers cho biết cảm thấy ấn tượng trước những nỗ lực và phản ứng nhanh của ngành giáo dục Việt Nam trong việc tổ chức học tập trực tuyến cho học sinh trong thời gian đại dịch Covid-19.
Gần 80% học sinh Việt Nam được học trực tuyến
Hơn 4 tháng triển khai, gần 50% trường đại học tại Việt Nam đã tổ chức dạy học trực tuyến. Ở những vùng khó khăn, nhiều thầy cô tổ chức làm video bài giảng gửi lên Youtube, Zalo, Facebook và các ứng dụng khác nhằm tạo cơ hội học tập cho học sinh, thậm chí soạn bài, photo và đến từng nhà gửi bài tập cho các em.
Báo cáo PISA của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ngày 29/9 cho thấy, việc học trực tuyến trong giai đoạn Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. 79,7% học sinh được học trực tuyến, cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%).
“Tôi rất ấn tượng và ngưỡng mộ nỗ lực của nhiều giáo viên ở vùng sâu vùng xa của Việt Nam. Khi Internet chưa đến được với học sinh nơi đây, họ đã phải đi rất nhiều km để mang bài tập cho các em, đảm bảo việc học tập không bị gián đoạn”, bà Rana Flowers nói và khẳng định, chính những khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 đặt ra, vấn đề học trực tuyến lại là khởi đầu của đổi mới.
Tuy nhiên, đại diện của UNICEF tại Việt Nam cũng cho rằng, trước những thay đổi này, ngành giáo dục cần phải nỗ lực thay đổi hơn nữa để bắt kịp với những xu hướng mới và đảm bảo mọi trẻ em, mọi người đều được đi học và hưởng những lợi ích từ giáo dục.
Không nhiều người lao động trẻ có kỹ năng phù hợp với tình hình mới
Theo bà Rana Flowers, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi người lao động phải sở hữu những kỹ năng của thế kỷ 21 như tư duy phê phán, kỹ năng phát hiện vấn đề, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, làm việc theo nhóm,…
“Tôi đã tiếp xúc rất nhiều với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng của Việt Nam. Họ đều nói, các em có thể có những thành tích học tập rất tốt nhưng dường như, để tìm được những người lao động trẻ có kỹ năng mới, phù hợp với tình hình mới lại không nhiều.
Chúng ta có thể đào tạo được những bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học. Một số công việc về sau có thể thay thế bằng trí tuệ nhân tạo và được thực hiện bằng máy móc. Nhưng những kỹ năng của con người như giao tiếp, xác định vấn đề, giải quyết vấn đề, tìm ra giải pháp cho các vấn đề,… thì chỉ con người mới có thể đáp ứng được”, bà Rana Flowers nói.
Chính vì thế, theo bà, đổi mới giáo dục phải là cuộc đổi mới sâu rộng, không để mất đi thế mạnh của những môn học truyền thống. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần bổ sung vào hệ thống giáo dục truyền thống những nội dung mới để đảm bảo xoá mù công nghệ cho trẻ em, đáp ứng những nhu cầu mới.
Bên cạnh đó, chính giáo viên cũng cần thay đổi cách dạy học, trong đó đòi hỏi vai trò chủ động của giáo viên cao hơn do mô hình lớp học truyền thống với giáo viên nói, học trò nhắc lại sẽ bị xóa bỏ.
Thay vào đó, hệ thống giáo dục của Việt Nam sẽ tích hợp giữa truyền thống và những kỹ năng mới, bảo đảm mọi trẻ em đều có thể học tập, có những kỹ năng số, được xoá mù về công nghệ.
“Để có thể đáp ứng những yêu cầu của giai đoạn mới, mỗi trẻ em cần có một thiết bị thông minh để phát triển các kỹ năng như làm việc theo nhóm. Các em có thể xem những video bài giảng của thầy cô giáo. Khi không hiểu, các em có thể tua lại để nghe hiểu, giúp những trẻ em chậm hơn có thể nắm được kiến thức, đáp ứng tốc độ nắm bắt khác nhau của các em. Tất cả những nỗ lực này nhằm đảm bảo không có trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”, bà Rana Flowers khẳng định.
Thúy Nga- Theo Vietnamnet